Ngày 19-12 (giờ địa phương), Cộng hòa Czech - Chủ tịch luân phiên Liên minh châu Âu (EU) thông báo khối này đã thống nhất được các biện pháp áp giá trần khí đốt Nga để giữ ổn định mặt hàng này trong tình huống khẩn cấp khi giá năng lượng tăng cao. Quyết định được thông qua sau cuộc họp các bộ trưởng năng lượng EU ngày 19-12 tại thủ đô Brussels (Bỉ), theo hãng tin Reuters. Thỏa thuận trên đạt được sau nhiều tuần đàm phán, vốn gây chia rẽ nghiêm trọng trong bối cảnh EU tìm cách khắc phục cuộc khủng hoảng năng lượng khi nguồn cung từ Nga giảm sút.
Chi tiết động thái của EU
Theo thông báo của Cộng hòa Czech, 27 thành viên EU thống nhất mức giá trần khí tự nhiên vận chuyển bằng đường ống là 192 USD/MWh (megawatt giờ). Mức giá trần sẽ được kích hoạt nếu giá khí đốt tự nhiên giao dịch trên sàn TTF của Hà Lan, vốn được xem là mức giá tiêu chuẩn của châu Âu, vượt 192 USD/MWh trong vòng ba ngày. Biện pháp này dự kiến có hiệu lực từ ngày 15-2 năm sau.
Theo số liệu từ cơ quan nghiên cứu kinh tế châu Âu Bruegel được Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) công bố hồi tuần trước, tổng chi phí năng lượng của các hộ gia đình và doanh nghiệp ở châu Âu năm nay đã tăng thêm 1.060 tỉ USD.
Ngoài ra, EU cũng sẽ kích hoạt giá trần với khí tự nhiên hóa lỏng (LNG) vận chuyển bằng đường tàu biển ở mức không được phép cao hơn 37,6 USD so với giá khí tự nhiên vận chuyển bằng đường ống trong cùng kỳ giao dịch. LNG vận chuyển bằng tàu biển thường có giá cao hơn. EU mua nhiều LNG từ Mỹ và một số nước vùng Vịnh.
Trong ngày 19-12 (giờ địa phương), giá khí đốt hợp đồng giao tháng kế tiếp trên sàn TTF của Hà Lan được giao dịch ở mức 113,9 USD/MWh - thấp hơn đáng kể mức giá trần vừa công bố. Tuy nhiên, hồi tháng 8 vừa qua, giá khí đốt có lúc đã tăng lên tới 361,8 USD/MWh. Hồi năm ngoái, giá khí đốt giao dịch ở EU nằm xung quanh mốc 101,1 USD/MWh và khi dịch COVID-19 bùng nổ ở châu Âu năm 2020, khí đốt có lúc chỉ giao dịch ở mức 15-16 USD/MWh.
Ủy viên năng lượng châu Âu Kadri Simson cho biết Ủy ban châu Âu (EC) sẵn sàng đình chỉ giới hạn giá trần khí đốt nói trên nếu có phân tích cho thấy bất hợp lý. “Ủy ban sẵn sàng đình chỉ kích hoạt giới hạn giá trần nếu phân tích từ Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB), Cơ quan Chứng khoán và thị trường châu Âu (ESMA) và Cơ quan Hợp tác năng lượng (ACER) cho thấy rủi ro lớn hơn lợi ích” - bà Simson nói.
Một đường ống dẫn khí đốt ở thủ đô Berlin (Đức) hồi tháng 10. Ảnh: AFP |
Châu Âu vẫn chưa giải được bài toán năng lượng
Với mức giá trần vừa được thông qua, hãng tin Bloomberg dẫn báo cáo của Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) cảnh báo thị trường khí đốt năm tới sẽ diễn biến khá phức tạp, nhất là thị trường LNG. Nó sẽ trở thành điểm nóng cạnh tranh giữa các khu vực, bởi nguồn cung LNG sẽ ít hơn nhưng nhu cầu sẽ tăng lên, đặc biệt từ Trung Quốc - quốc gia đã bắt đầu nới lỏng các biện pháp hạn chế dịch bệnh và nhiều khả năng cần nguồn cung khí đốt lớn hơn để khôi phục nền kinh tế.
EU đã ký các thỏa thuận mua LNG với Mỹ, Qatar và các nước khác trong năm nay để giảm phụ thuộc khí đốt Nga, tuy nhiên điều này cũng gián tiếp ảnh hưởng đến các hoạt động dự trữ khí đốt của châu Âu trong thời gian tới. Hiện đa số các quốc gia châu Âu cơ bản đã lấp đầy tới hơn 90% các kho dự trữ sau khi trải qua mùa thu ấm áp hơn so với mọi năm. Tuy nhiên, với diễn biến phức tạp của thời tiết cuối năm thì nguy cơ thiếu hụt trong mùa đông năm nay vẫn có thể xảy ra.
Các nhà phân tích cũng cảnh báo rằng các kho dự trữ khí đốt của châu Âu chỉ đủ đáp ứng nhu cầu trong hai tháng đỉnh điểm của mùa đông năm nay, trong khi nguồn cung LNG từ các nước ngoài Nga hiện nay chủ yếu chỉ mang tính tạm thời. Nghĩa là nếu thời tiết diễn biến bất thường và các nước không có giải pháp phù hợp thì có thể đến đầu tháng 2 năm sau EU sẽ thiếu hụt nghiêm trọng về năng lượng. Ông Hulse Alkadiri, chuyên gia cấp cao tại Công ty tư vấn Wood Mackenzie (Đức), dẫn các dự báo cho thấy nhiệt độ ở châu Âu sẽ giảm sâu hơn bình thường trong thời gian còn lại của tháng 12.
Ước tính EU có thể thiếu khoảng 70 tỉ m3 khí đốt trong năm 2023 nếu nhu cầu không giảm, thậm chí kể cả khi tối đa hóa công suất nhập LNG. Nhu cầu sưởi ấm chiếm khoảng 36%-37% tổng nhu cầu khí đốt của lục địa, theo Công ty môi giới hàng hóa Marex (Anh).
Dữ liệu ban đầu cho thấy nhiều người dân trong khu vực đang cố gắng hạn chế sử dụng khí đốt, do giá cao và lo ngại về nguồn cung. Nhu cầu sưởi ấm cũng giảm 8% so với mức trung bình năm năm, theo nhóm nghiên cứu và tư vấn toàn cầu Wood Mackenzie (Anh), tờ The Wall Street Journal cho hay.
Chính phủ Pháp mới đây cảnh báo căng thẳng gia tăng trên thị trường năng lượng có thể dẫn tới tình trạng cắt điện luân phiên trong những tuần tới. Trong khi đó, cơ quan năng lượng Anh đã đề cập tới khả năng các hộ gia đình phải chịu cảnh cắt điện từ 16 giờ đến 19 giờ các ngày trong tuần “rất lạnh” trong tháng 1 và tháng 2 nếu lượng khí đốt nhập khẩu giảm.•
Nga phản đối gay gắt động thái của EU
Phản ứng trước động thái của EU thống nhất giá trần khí đốt sẽ áp lên Nga, phát ngôn viên điện Kremlin Dmitry Peskov ngày 19-12 khẳng định đây là hành động vi phạm quy định giá thị trường, đồng thời nhấn mạnh Moscow coi hành động của EU là “không thể chấp nhận được” - theo hãng thông tấn TASS.
Ông Peskov cho biết Nga cần thời gian để đánh giá một cách thận trọng tất cả ưu và nhược điểm trước khi đưa ra những biện pháp đáp trả. Ông nói rằng vì lý do tương tự, Moscow cũng trì hoãn đôi chút việc đáp trả cơ chế áp giá trần dầu khí mà EU đưa ra trước đó.