Sau khi đáp xuống Mặt trăng, tàu Hằng Nga 4 làm gì?

Khoảng 12 giờ sau khi tàu thám hiểm Hằng Nga 4 đáp xuống bề mặt tối của Mặt trăng, thiết bị Thỏ Ngọc 2 rời tàu vũ trụ, tự lái ra khỏi một đoạn đường dốc và bắt đầu thực hiện các nhiệm vụ của mình trên bề mặt Mặt trăng.

Tờ The Guardian dẫn lời ông Ngô Vĩ Nhân (Wu Weiren) - Viện sĩ, kĩ sư thiết kế tổng công trình do thám Mặt trăng của Trung Quốc - rằng việc tách thiết bị ra khỏi tàu vũ trụ là một bước nhảy vọt, một cột mốc quan trọng đối với hoạt động thám hiểm không gian của Trung Quốc.

Tàu vũ trụ Hằng Nga 4 của Trung Quốc trên Mặt trăng. Nguồn: The New York Times

Tàu thám hiểm đã thực hiện toàn bộ quá trình hạ cánh, kéo dài khoảng 12 phút mà không có sự can thiệp nào từ Trung tâm điều khiển mặt đất. Vệ tinh đã chuyển tiếp những bức ảnh cận cảnh đầu tiên của Mặt trăng trở lại Trung tâm điều khiển ở Bắc Kinh.

Cơ quan Vũ trụ Quốc gia Trung Quốc sau đó tuyên bố rằng tàu thăm dò đã hạ cánh xuống khu vực hạ cánh được chọn trước ở 177,6 độ kinh đông và 45,5 độ vĩ nam ở phía xa của mặt trăng.

Cuộc thám hiểm này cũng mang theo sự sống lên mặt trăng, các loại: bông, hạt cải dầu, khoai tây, ruồi giấm, nấm men, … được mang đến môi trường chưa có sự sống để tạo thành một sinh quyển nhỏ, dự kiến sẽ tạo ra bông hoa đầu tiên trên Mặt trăng trong vòng 3 tháng.

Thiết bị Thỏ Ngọc 2 của Trung Quốc đang thám hiểm Mặt Trăng.  Nguồn: The New York Times

Cuộc đổ bộ của tàu thám hiểm Hằng Nga 4 là một trong những nhiệm vụ nhấn mạnh tham vọng của Trung Quốc không chỉ tham gia mà còn dẫn đầu trong cuộc đua vũ trụ.

Mặc dù vào năm 2013, tàu thám hiểm của Trung Quốc cũng đã đáp xuống thành công bề mặt của Mặt trăng như Mỹ và Liên Xô từng làm nhưng đây là lần đầu tiên con người có thể chạm đến được bề mặt phía vĩnh viễn quay lưng với Trái Đất.

Tờ New York Times đưa tin Cục Quản lý Vũ trụ Quốc gia Trung Quốc cho biết: “Sứ mệnh của chuyến đi này là mở ra một chương mới trong hành trình khám phá Mặt trăng của loài người”. “Đây là một bước tiến lịch sử trong khám phá khoa học trên quốc tế về mặt trăng, lần đầu tiên vén bức màn bí mật về bề mặt chưa được biết đến của mặt trăng” – nhận định của James Head, một nhà khoa học về hành tinh tại Đại học Brown cho biết.

Nếu thành công, sứ mệnh này có thể trả lời các câu hỏi nền tảng về vệ tinh tự nhiên duy nhất của Trái đất này. Vẫn còn những bí ẩn về sự hình thành và tiến hóa sớm của Mặt trăng thách thức khả năng khám phá của con người, từ đó nắm bắt manh mối về lịch sử của toàn bộ hệ mặt trời.

Ngoài ra, sứ mệnh này sẽ tiến hành các thí nghiệm thiên văn vô tuyến đầu tiên từ phía vùng tối của Mặt trăng và các cuộc khảo nghiệm đầu tiên để xem liệu thực vật có thể phát triển trên Mặt trăng hay không - một bước quan trọng hiện thực hóa các sứ mệnh dài hạn của con người bên ngoài Trái đất.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm

Đọc nhiều
Tiện ích
Tin mới