Sau khóa sim 2 chiều: Người dân có còn khổ vì các cuộc gọi rác, lừa đảo?

(PLO)- Ngày 15-4, các nhà mạng sẽ khóa 2 chiều các sim chưa chuẩn hóa thông tin thuê bao. Vậy từ nay có còn đất sống cho các cuộc gọi làm phiền, quấy rối từ sim rác?
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Sáng 12-4, đang chạy xe trên đường thì điện thoại của tôi báo có cuộc gọi tới từ thuê bao 0915526xxx. Dù đang có việc phải đi gấp nhưng sợ ai đó bị lỡ cuộc gọi nên tôi phải dừng lại để nghe. Đầu dây bên kia bật quảng cáo tự động về 1 sản phẩm, yêu cầu tôi nhấn phím 1…Trước đó một ngày, tôi cũng nhận một cuộc gọi khác có tính chất lừa đảo, hù dọa: “Số thuê bao của bạn sẽ bị khóa trong vòng 2 tiếng nữa, để giải quyết thì liên hệ số 999...”.

Khóa sim chưa chuẩn hóa, vẫn còn sim rác

Đến trưa, tôi soạn tin nhắn báo cuộc gọi rác từ số điện thoại này về cho tổng đài 156. Đồng thời, tôi gọi điện đến tổng đài 156 để tìm hiểu về quy trình xử lý cuộc gọi rác. Nhân viên tổng đài cho biết họ đã đưa số điện thoại làm phiền nói trên vào danh sách theo dõi, nếu trong tương lai, số điện thoại đó còn quấy rối chính tôi hoặc người nào khác thì họ sẽ làm việc với chủ thuê bao và tiến tới sẽ cho số điện thoại này ngưng hoạt động.

Tôi thắc mắc tiếp: Từ lâu, tôi đã đăng ký “Danh sách không quảng cáo” (DoNotCall), nghĩa là số điện thoại của tôi đã có trong danh sách không chấp nhận bất kỳ tin nhắn đăng ký quảng cáo, tin nhắn quảng cáo, cuộc gọi quảng cáo nào. Vậy tại sao tôi vẫn thường xuyên nhận các cuộc gọi quảng cáo? Nhân viên tổng đài 156 cho biết có thể do có một vài số thuê bao nằm ngoài danh sách quảng cáo của tổng đài 156 nên không bị chặn. “Vậy sau đợt chuẩn hóa thông tin thuê bao lần này, chúng ta sẽ biết chắc chắn người dùng số điện thoại đó là ai để xử lý, đúng không?”, tôi hỏi tiếp. “Đúng ạ”- nhân viên tổng đài trả lời.

Tin nhắn báo cuộc gọi rác đã được tác giả gửi đến tổng đài 156. Ảnh: KD

Tin nhắn báo cuộc gọi rác đã được tác giả gửi đến tổng đài 156. Ảnh: KD

Tôi hy vọng mọi chuyện sẽ diễn tiến như nhân viên tổng đài 156 phản hồi cho người dùng. Bởi không chỉ tôi mà nhiều người xung quanh còn bị quấy rầy từ những cuộc gọi lừa đảo, làm phiền…

Cũng cần nói thêm rằng theo Điều 3, Nghị định 91/2020 thì cuộc gọi rác được định nghĩa là gọi điện thoại quảng cáo mà không được sự đồng ý trước của người sử dụng; Gọi điện thoại quảng cáo vi phạm các quy định về gọi điện thoại quảng cáo tại nghị định này; Gọi điện thoại vi phạm các nội dung bị cấm...

Chờ đến bao giờ mới hết sim rác?

Một trong những kỳ vọng được đặt ra trong đợt chuẩn hóa thông tin thuê bao di động lần này là dẹp được tình trạng sim rác. Bởi việc chuẩn hóa này đem lại mấy việc: Khẳng định sự chính chủ rõ ràng với số điện thoại của mình. Khi đó mỗi số điện thoại đều đại diện cho một cá nhân cụ thể, chính xác, rõ ràng. Như vậy, việc nhà mạng truy ra ai đang sử dụng sim rác để thu hồi, loại bỏ là điều hoàn toàn có thể làm được.

Việc chuẩn hóa thông tin thuê bao lần này nhằm để trùng với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư. Kể từ ngày 31-3, sau khi bị khóa một chiều mà thuê bao tiếp tục không thực hiện chuẩn hóa thông tin thì đến ngày 15-4 sẽ bị khóa dịch vụ hai chiều. Kể từ ngày 15-5, các nhà mạng sẽ thu hồi số thuê bao đối với khách hàng bị khóa hai chiều nhưng vẫn không điều chỉnh thông tin kịp thời.

Số liệu thống kê của Cục Viễn thông, Bộ Thông tin và truyền thông, cho biết từ 31-3 đã có 1,67 triệu SIM bị khóa một chiều.

Sau đợt khóa 1 chiều những thuê bao có thông tin không trùng khớp với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, rất đông người dân đến nhà mạng thực hiện chuẩn hóa thông tin. Ảnh: VT

Sau đợt khóa 1 chiều những thuê bao có thông tin không trùng khớp với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, rất đông người dân đến nhà mạng thực hiện chuẩn hóa thông tin. Ảnh: VT

Theo lộ trình thì ngày hôm nay sẽ khóa hai chiều đối với thuê bao không chuẩn hóa. Nghĩa là chúng ta có quyền hy vọng kể từ thời điểm này, tất cả các thuê bao di động đều đã có thông tin trùng khớp với thông tin trong cơ sở dữ liệu dân cư quốc gia. Từ cơ sở này, việc truy ra sim rác để xử lý, thu hồi không khó để thực hiện.

Trước đó, Thông tin và Truyền thông cũng đã ban hành Thông tư 22/2021 (có hiệu lực kể từ 1-3-2022) quy định chi tiết một số điều về chống tin nhắn rác, thư điện tử rác, cuộc gọi rác. Một trong những nội dung quan trọng của thông tư là có hướng dẫn người dân cách đăng ký hoặc huỷ đăng ký “Danh sách không quảng cáo”.

Danh sách không quảng cáo (DoNotCall) là tập hợp số điện thoại đăng ký không chấp nhận bất kỳ tin nhắn đăng ký quảng cáo, tin nhắn quảng cáo, cuộc gọi quảng cáo nào (theo Điều 7, Nghị định 91/2020). Tức là nếu một người đăng ký vào danh sách này thì sẽ không nhận được bất kỳ tin nhắn hay cuộc gọi điện quảng cáo nào.

Người quảng cáo, doanh nghiệp cung cấp dịch vụ viễn thông, Internet không được phép gọi điện thoại quảng cáo, gửi tin nhắn đăng ký quảng cáo, gửi tin nhắn quảng cáo tới bất kỳ số điện thoại nào trong Danh sách không quảng cáo.

Tôi đã đăng ký danh Danh sách không nhận tin nhắn quảng cáo từ lâu nhưng tình trạng các cuộc gọi quảng cáo vẫn thường xuyên diễn ra, rất mệt mỏi.

Tìm hiểu kỹ, tôi được biết cho đến thời điểm này (sau khi các thông tin thuê bao không chuẩn hóa đã bị khóa một chiều) vẫn còn tình trạng sim rác có thể là do các sim này có thông tin trùng khớp với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, đều được đăng ký chính chủ, nên không bị khóa một chiều. Đồng thời, vẫn còn nhiều số điện thoại quảng cáo nhưng lại nằm ngoài Danh sách không quảng cáo (DoNotCall) mà Bộ Thông tin và Truyền thông quản lý.

Để góp phần loại bỏ những cuộc gọi rác ra khỏi cuộc sống của chúng ta, bên cạnh việc nâng cao năng lực quản lý của Bộ Thông tin và Truyền thông và các nhà mạng thì mỗi cá nhân cũng cần thiết báo số điện thoại có tin nhắn, cuộc gọi rác đến tổng đài 156 để nơi đây kiểm tra, xử lý và thu hồi những số điện thoại rác này.

Sau tất cả, người dùng có quyền đòi hỏi nhà quản lý đưa ra một thời điểm nhất định (vài tháng, vài năm cụ thể) để dẹp được nạn sim rác. Nhà quản lý cần có lộ trình cụ thể, quyết liệt thực hiện thì mới mong những tin nhắn, cuộc gọi lừa đảo, quấy rầy không còn đất sống. Tại sao chúng ta phải chấp nhận chất lượng cuộc sống mỗi ngày bị giảm sút bởi sim rác, khi mà điều này hoàn toàn có thể dẹp được?.

2 cách báo cáo cuộc gọi rác

Khi nhận được cuộc gọi rác, cuộc gọi có dấu hiệu lừa đảo, người dùng điện thoại có thể phản ánh thông qua 2 hình thức:

Cách 1: Gửi tin nhắn (miễn phí) tới đầu số 156, trong đó:

Cú pháp nhắn tin với tin nhắn có dấu hiệu là tin nhắn rác: S (số điện thoại – nguồn phát tán) (nội dung phản ánh) gửi 156 (hoặc 5656).

Cú pháp nhắn tin với cuộc gọi có dấu hiệu là cuộc gọi rác: V (số điện thoại – nguồn phát tán) (nội dung phản ánh) gửi 156 (hoặc 5656).

Cú pháp nhắn tin với với cuộc gọi có dấu hiệu lừa đảo: LD (số điện thoại – nguồn phát tán) (nội dung phản ánh) gửi 156 (hoặc 5656).

Cách 2: Gọi tới đầu số 156 (miễn phí cước cuộc gọi) để cung cấp thông tin về số điện thoại vừa thực hiện cuộc gọi có dấu hiệu thực hiện cuộc gọi rác, cuộc gọi lừa đảo; trích dẫn một số nội dung liên quan...theo hướng dẫn của bộ phận chăm sóc khách hàng của các nhà mạng.

Cách đăng ký số điện thoại của mình vào Danh sách không nhận quảng cáo

Để đăng ký hoặc hủy đăng ký Danh sách không nhận quảng cáo, người dùng có thể thực hiện thông qua một trong các hình thức: Qua tin nhắn SMS (qua đầu số 5656); Qua website (khongquangcao.ais.gov.vn), qua tổng đài hoặc ứng dụng.

Đối với hình thức qua tin nhắn SMS, cách thực hiện như sau:

1. Đăng ký hoặc hủy đăng ký Danh sách không nhận tin nhắn quảng cáo:

- Để đăng ký, soạn tin nhắn theo cú pháp: DK DNC S gửi 5656.

- Để hủy, soạn tin nhắn theo cú pháp: HUY DNC S gửi 5656.

2. Đăng ký hoặc hủy đăng ký Danh sách không nhận cuộc gọi quảng cáo.

- Cú pháp đăng ký: DK DNC V gửi 5656.

- Cú pháp hủy: HUY DNC V gửi 5656.

3. Đăng ký hoặc hủy đăng ký Danh sách không nhận tin nhắn và cuộc gọi quảng cáo.

- Cú pháp đăng ký: DK DNC gửi 5656.

- Cú pháp hủy: HUY DNC gửi 5656.

Việc thực hiện đăng ký hoặc huỷ đăng ký Danh sách không quảng cáo bằng hình thức nhắn tin tới đầu số 5656 là miễn phí.

Đối với hình thức đăng ký hoặc huỷ đăng ký Danh sách không quảng cáo thông qua website thì phải được xác thực qua số điện thoại đã thực hiện đăng ký hoặc hủy đăng ký.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm