Ngày 15-6, Công ty cổ phần BOT Trung Lương - Mỹ Thuận ký kết họp đồng tín dụng tài trợ vốn với các ngân hàng trong nước để thực hiện dự án đầu tư xây dựng đường cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận giai đoạn 1 theo hình thức Hợp đồng BOT.
Công ty cổ phần BOT Trung Lương - Mỹ Thuận cho biết hiện công ty đang triển khai dự án đồng loạt, khẩn trương trên các gói thầu với nhiều hạng mục khác nhau. Đến nay dự án đã giải ngân trên 1.700 tỉ đồng từ nguồn vốn của chủ đầu tư.
Đại diện Công ty cổ phần BOT Trung Lương - Mỹ Thuận cam kết sẽ thực hiện nguồn vốn tài trợ đúng mục đích, tiếp tục đẩy mạnh công tác thi công, đảm bảo dự án hoàn thành vào năm 2020 theo đúng tiến độ đã đề ra.
Quốc hội sẽ giám sát lời hứa của Bộ GTVT về tiến độ dự án cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận.
Ông Nguyễn Văn Thể, Bộ trưởng Bộ GTVT, cho biết dự án xây dựng cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận là một dự án hết sức quan trọng, dự án trọng điểm quốc gia, được người dân đồng bằng sông Cửu Long hết sức mong chờ. Sau khi dự án hoàn thành, cùng với dự án cầu Mỹ Thuận 2 và tuyến cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ sẽ phát huy toàn bộ hiệu quả toàn bộ tuyến cao tốc kết nối TP.HCM với Cần Thơ, góp phần quan trọng trong phát triển kinh tế các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long.
Về phía Bộ GTVT, Bộ trưởng cho biết sẽ tạo mọi điều kiện tốt nhất, tháo gỡ mọi khó khăn để dự án hoàn thành đúng tiến độ.
Liên quan đến dự án này, trước đó, ngày 4-6, trả lời chất vấn của ĐBQH Phạm Hồng Phong (Hậu Giang) về tiến độ dự án, ông Nguyễn Văn Thể thừa nhận dự án cao tốc Trung Lương- Mỹ Thuận được triển khai nhiều đợt nhưng tiến độ rất chậm, thậm chí không triển khai được. Mấu chốt của vấn đề là chưa thu xếp được vốn để triển khai (vốn đầu tư dự án này gần 10.000 tỉ đồng). Đặc biệt, dự án cầu Mỹ Thuận 2 cũng chưa có kế hoạch xây dựng, do đó các nhà đầu tư không hào hứng.
“Nếu có cầu Mỹ Thuận 2 và đoạn cao tốc Mỹ Thuận-Cần Thơ thì toàn bộ dự án Trung Lương-Mỹ Thuận-Cần Thơ sẽ là một đường chạy thẳng từ TP.HCM về, hiệu quả kinh tế rất cao. Tuy nhiên vừa qua có nhiều khó khăn do đó chúng ta triển khai chậm…”, ông Thể giải thích.
Kỳ họp thứ 4, Quốc hội đã biểu quyết bố trí vốn để xây dựng cầu Mỹ Thuận 2. Tháng 9 tới đây, Bộ GTVT sẽ phê duyệt dự án cầu Mỹ Thuận 2 nằm trên đường cao tốc TP.HCM đi Cần Thơ. Do đó, hiện nay nhà đầu tư BOT Trung Lương - Mỹ Thuận thu xếp vốn đối với 5 ngân hàng tài trợ gần 7.000 tỉ đồng cùng với vốn của nhà đầu tư thì đủ điều kiện để triển khai dự án Trung Lương - Mỹ Thuận.
“Cách đây không lâu, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng trực tiếp đi thị sát dự án này… Theo đó, chúng tôi cam kết tới năm 2020 sẽ thông được cao tốc từ Trung Lương đến Mỹ Thuận…”, ông Thể nói.
Riêng đoạn Mỹ Thuận - Cần Thơ, người đứng đầu ngành giao thông cho biết đã tổ chức mời thầu một tháng theo đúng quy trình. Qua thông báo một tháng, hiện nay có bốn nhà liên doanh tham dự dự án này. Trong đó, ba liên doanh là toàn bộ doanh nghiệp trong nước, có một liên doanh trong nước với liên doanh với nước ngoài.
Với bốn nhà đầu tư, Bộ GTVT đủ điều kiện để tiến hành đấu thầu. Hiện nay, đơn vị đang sơ tuyển các điều kiện bắt buộc với dự án này. Sau khi sơ tuyển, trong vòng một tháng sẽ chính thức đấu thầu. Dự kiến, khoảng tháng 7, tháng 8 Bộ GTVT tổ chức đấu thầu, cố gắng trong năm nay lựa chọn được một nhà đầu tư, một liên doanh có đủ điều kiện thực hiện dự án này.
Với tầm quan trọng của dự án, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân nhắc lại: "Bộ trưởng hứa tới 2020 đường cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận sẽ thông tuyến, Bộ trưởng nhớ lời hứa này", Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh.
Dự án cao tốc Trung Lương-Mỹ Thuận dài 51,1 km nằm trọn trên địa bàn tỉnh Tiền Giang (đi qua huyện Châu Thành, Tân Phước, thị xã Cai Lậy, huyện Cai Lậy và huyện Cái Bè). Quy mô dự án gồm bốn làn đường, điểm đầu dự án tại nút giao Thân Cửu Nghĩa (tiếp nối đường cao tốc TP.HCM -Trung Lương) và điểm cuối tại nút giao với QL30. Dự án được thực hiện theo hình thức BOT với tổng mức đầu tư 9.668 tỉ đồng. Thời gian hoàn thành dự án là năm 2020. |