Trong các vụ tranh giành quyền nuôi con, con trẻ bao giờ cũng là người hứng chịu nhiều tổn thương nhất. Đối tượng thi hành án ở đây không phải là tài sản mà là con người, đặc biệt là một đứa trẻ còn non nớt nên việc một bên không thực hiện nghĩa vụ giao con theo phán quyết của tòa ít nhiều gây tổn thương cho đứa trẻ.
Khi được hỏi tại sao quyết liệt không chấp hành quyết định của tòa, tìm mọi cách trốn tránh trách nhiệm thi hành án, trì hoãn đến cùng việc giao quyền nuôi con sau ly hôn cho cha hay mẹ đứa trẻ thì người trong cuộc gần như sẽ có một lý do chung: Là vì tôi quá thương con, không thể rời xa con được, không thể giao con cho ai, mặc dù đó là cha hay mẹ chúng.
Có phải mọi lý do dựa trên tình yêu thương con trẻ đều là lý do chính đáng để “trì hoãn đến cùng” như những trường hợp thi hành án giao con đang xảy ra? Trong khi đó, một bên cầm bản án hoặc quyết định của tòa ghi nhận mình được giao quyền trực tiếp nuôi con, rồi sau đó họ miệt mài, thậm chí vô vọng, tìm tung tích con mình để có thể thực hiện quyền theo phán quyết. Còn một bên, nhân danh tình yêu thương mà hành xử, bất chấp tất cả, ngay cả sự tổn thương của con mình.
Mỗi lần có dịp ngồi trò chuyện với những người trong cuộc trong những cuộc tranh giành quyết liệt thế này, thú thật là chúng tôi không biết phải nói như thế nào cho trọn vẹn cả lý lẫn tình bởi đây luôn là một tình thế khó.
Phải chi người ta tranh giành nhau căn nhà, mảnh đất, chiếc xe thì người này dễ nhường người kia một bước. Nếu khó, có thể cắt xẻ làm đôi, bán đi rồi chia theo phần phù hợp hay bất kỳ phương thức nào thì vẫn còn rộng đường lựa chọn. Còn đây lại là những đứa con ruột thịt của mình và những đứa trẻ thì không thể xẻ làm đôi. Nhưng tiếc thay, những người lớn có thể nhân danh “tình thương chính đáng” của mình dành cho con trẻ mà cắt xẻ tâm hồn của con trong các cuộc “trốn chạy” thi hành án.
Nhiều trường hợp họ thay đổi nơi ăn chốn ở, chỗ học hành liên tục để “cắt đuôi” cha ruột hoặc mẹ ruột chúng. Cản trở, không cho chúng gặp chính cha, mẹ ruột của mình. Đó có phải tình yêu hay sự ích kỷ cá nhân? Liệu có phải do mình yêu cảm xúc của chính mình hơn sự lành lặn, đủ đầy trong tâm hồn con trẻ?
Khi chúng tôi hỏi điều này một cách thẳng thắn, một người mẹ đã trả lời rằng: “Con cái đó là núm ruột của mình. Tôi dứt khoát không thể xa con”. Giá như chị biết sự tranh giành và những hành động để trốn tránh thi hành phán quyết, những ầm ĩ tại trường của con, phiền phức đến cả cô thầy chủ nhiệm, là điều con không hề mong muốn và là sự tổn thương dành cho con thì liệu chị có đành lòng nhân danh tình cảm mẹ con của mình mà bất chấp nỗi lòng của con trẻ? Giữa việc bảo vệ đến cùng quyền được nuôi dạy con và sự lành lặn trong tâm hồn con cái, cái nào đáng để giữ gìn hơn?
Trong việc thi hành án giao con sau ly hôn, nếu cha mẹ không đồng thuận hợp tác thực hiện theo phán quyết của tòa thì cơ quan thi hành án rất khó để thực hiện.
Luật Trẻ em quy định trẻ em có quyền được chăm sóc, nuôi dưỡng để phát triển toàn diện. Trẻ em có quyền được sống chung với cha, mẹ; được cả cha và mẹ bảo vệ, chăm sóc và giáo dục, trừ trường hợp cách ly cha, mẹ theo quy định của pháp luật hoặc vì lợi ích tốt nhất của trẻ em.
Xin hãy nhớ cho rằng mọi quyết định của người lớn đều phải vì lợi ích tốt nhất của trẻ em!