Ghi nhận của PV Pháp Luật TP.HCM ngày 18-1 cho thấy nhiều quán bán trà sữa trân châu rơi vào tình trạng ế ẩm.
Khách giảm phân nửa
“Bình thường mỗi ngày tôi bán trên dưới 100 ly trà sữa trân châu. Tuy nhiên từ chiều tối qua (17-1), khi nhiều trang mạng đăng tin một học sinh ở tỉnh Khánh Hòa bị suy thận, suy tim, rối loạn đông máu… do nghi ngộ độc trà sữa khiến khách giảm phân nửa, ảnh hưởng rất lớn đến thu nhập” - bà H. (chủ quán trà sữa trên đường Lê Bình, quận Tân Bình, TP.HCM) nói.
Một chủ quán đang pha chế trà sữa trân châu. Ảnh: TRẦN NGỌC
Theo bà H., các trang mạng đăng tin “thủ phạm” gây ngộ độc là những hạt trân châu màu xanh giống như ống nhựa nước. “Hạt trân châu đâu có mắc, mỗi ký chỉ tầm 25.000-40.000 đồng. 1 kg hạt trân châu chế biến hàng chục ly trà sữa. Với giá rẻ như thế thì ai lại đi làm giả” - bà H. nói thêm.
Tương tự, ông T. (chủ quán trà sữa trên đường Nguyễn Tri Phương, quận 10, TP.HCM) cho biết khách của quán ông đa phần còn ngồi trên ghế nhà trường. “Nghe tin một học sinh ở tỉnh bị ngộ độc nghi do trà sữa trân châu nên khách hàng nhí vào quán tôi giảm đáng kể” - ông T. than.
Ông T. cho biết hạt trân châu trước khi dùng phải cho vào nước đang sôi, khuấy nhẹ đều. Khi trân châu sôi đều thì vặn nhỏ lửa, vớt ra và rửa sạch. “Hạt trân châu lúc đầu nhỏ, khi luộc sẽ nở to. Trong khi đó, nếu hạt trân châu làm bằng nhựa thì không nở, nhìn là biết liền” - ông T. nói.
“Ngoài hạt trân châu, còn có sữa và trà. Những nguyên liệu này mua có nguồn gốc, pha chế hợp vệ sinh sẽ không gây ngộ độc. Nếu cơ quan chức năng không vào cuộc sớm thì khách hàng sẽ không yên tâm sử dụng trà sữa trân châu nữa. Điều này khiến những quán trà sữa có nguy cơ đóng cửa” - ông T. nói thêm.
Hai người cùng một triệu chứng mới nghi ngờ ngộ độc
TS Phan Thế Đồng, Phó Chủ tịch Hội Dinh dưỡng TP.HCM, cho rằng quán bán trà sữa cho học sinh nghi bị ngộ độc chắc chắn có bán cho những học sinh khác. “Chỉ khi nào hai học sinh trở lên có chung một triệu chứng sau khi dùng trà sữa trân châu của cùng một quán thì khi đó mới nghi ngờ bị ngộ độc thực phẩm” - TS Đồng nói.
Theo TS Đồng, tùy vào cơ địa sẽ có người dị ứng với trà sữa. Bên cạnh đó, nguyên liệu còn lẫn tạp chất, nước đá không an toàn, pha chế không hợp vệ sinh cũng là nguyên nhân gây ngộ độc thực phẩm. Chưa kể trước khi dùng trà sữa, em học sinh này có thể ăn uống những thứ khác nên ói mửa, đau bụng... “Do vậy, cần phải tìm hiểu thật kỹ nguyên nhân để có kết luận chính thức” - TS Đồng nêu quan điểm.
“Nếu hạt trân châu làm bằng nhựa sẽ rất dai, rất dễ nhận biết. Bên cạnh đó, ăn hạt trân châu làm bằng nhựa chỉ có thể gây đau bụng âm ỉ” - TS Đồng cho biết.
TS-BS Lê Thị Tuyết Phượng, Trưởng khoa Nội tiêu hóa BV Nhân dân 115 (TP.HCM), cho biết không loại trừ khả năng bệnh nhân nói trên bị ngộ độc một loại thực phẩm khác chứ không phải hạt trân châu. Cũng có khả năng bệnh nhân bị nhiễm trùng tiêu hóa nên đau bụng, ói mửa.
Theo TS-BS Phượng, nếu ăn nhầm trân châu giả làm bằng nhựa ít độc (loại nhựa dùng làm đồ chơi) thì sau đó nó sẽ bị thải ra ngoài theo phân chứ không thể mới ăn vào là bị ngộ độc. Còn nếu ăn nhằm hạt trân châu làm bằng nhựa có độc thì độc chất này phải tích lũy trong cơ thể thời gian dài mới gây ngộ độc.
Liên quan đến trà sữa trân châu kinh doanh trên địa bàn TP.HCM, bà Phạm Khánh Phong Lan, Trưởng ban Quản lý an toàn thực phẩm TP.HCM, cho biết đã chỉ đạo phòng Quản lý chất lượng tập hợp các tiêu chuẩn về trà sữa trân châu để thực hiện những bước tiếp theo. |