Đại diện Tổng Công ty Cảng hàng không (CHK) Việt Nam (ACV) cho biết Ủy ban Quản lý vốn nhà nước (QLVNN) tại doanh nghiệp vừa có văn bản gửi Bộ GTVT khẳng định cơ quan này đồng ý phương án đề xuất của Bộ GTVT giao ACV làm chủ đầu tư dự án nhà ga T3 Tân Sơn Nhất bằng nguồn vốn doanh nghiệp.
Văn bản này nêu rõ CHK quốc tế Tân Sơn Nhất là một trong 21 cảng đang được giao ACV quản lý, khai thác, cung cấp chuỗi dịch vụ hàng không liên tục từ khu bay, sân đỗ máy bay, nhà ga hành khách. Vì vậy, việc để ACV đầu tư và khai thác thêm một nhà ga tại Tân Sơn Nhất vừa đảm bảo nguyên tắc mỗi CHK chỉ có một người khai thác, đồng thời tạo điều kiện thuận lợi cho việc khai thác hiệu quả, đồng bộ dây chuyền phục vụ với các nhà ga T1, T2 hiện có; tối ưu và nâng cao hiệu quả dự án và các công trình mà ACV đã đầu tư và đang khai thác.
Sân bay Tân Sơn Nhất đã trở nên chật chội và quá tải do lượng hành khách tăng nhanh thời gian qua. Ảnh: PHONG ĐIỀN
“ACV là doanh nghiệp hoạt động theo mô hình công ty cổ phần với tỉ lệ vốn nhà nước chi phối gần như tuyệt đối (95,4%), có năng lực, kinh nghiệm trong đầu tư, quản lý, khai thác các CHK, sân bay, có nguồn lực tài chính đảm bảo nhu cầu vốn của dự án” - Ủy ban QLVNN tại doanh nghiệp nêu rõ.
Trong trường hợp ACV được Thủ tướng chấp thuận đầu tư, Ủy ban QLVNN đề nghị ACV thực hiện trình tự, thủ tục, quyết định chủ trương đầu tư theo đúng quy định của Luật Đầu tư và các quy định pháp luật có liên quan.
Nói thêm về việc đầu tư, khai thác nhà ga T3, Chủ tịch HĐQT ACV Lại Xuân Thanh cho rằng khi xã hội hóa đầu tư hạ tầng hàng không, cần tránh tình trạng dự án nào dễ sinh lời thì kêu gọi vốn đầu tư, còn dự án nào khó nhằn mới để doanh nghiệp nhà nước tham gia. Điều đó vô tình tạo ra sự bất bình đẳng, đẩy doanh nghiệp nhà nước vào thế khó.
Như Pháp Luật TP.HCMđã đưa tin, trước đó Bộ GTVT có tờ trình Chính phủ phê duyệt chủ trương đầu tư dự án xây dựng nhà ga hành khách T3, sân bay Tân Sơn Nhất. Theo đó, Bộ GTVT đề xuất chọn phương án giao ACV đầu tư nhà ga T3. “Phương án này sẽ tạo thuận lợi cho quản lý, khai thác vì phải theo “luật chơi” chung của quốc tế quy định một CHK chỉ có một nhà khai thác” - đề xuất của Bộ GTVT nêu.
Được biết dự án xây dựng nhà ga T3 có kinh phí dự kiến hơn 11.430 tỉ đồng và khởi công vào quý III-2020, hoàn thành vào quý II-2022.
Trước đó, nhiều ý kiến cho rằng đây là dự án lớn nên phải đấu thầu cạnh tranh, không được chỉ định thầu. Tuy nhiên, lãnh đạo Vụ Kế hoạch đầu tư (Bộ GTVT) khẳng định việc đề xuất giao ACV là phương án tối ưu nhất. “Bên cạnh đó, đây là dự án thuộc nhóm A, phải trình Thủ tướng xin chủ trương đầu tư, quyết định cuối cùng giao đơn vị nào thuộc thẩm quyền của Thủ tướng…” - vị đại diện Vụ Kế hoạch đầu tư nhấn mạnh. |