“Chúng tôi không dẫn độ công dân của mình”, hãng AFP dẫn lời Ngoại trưởng Adel bin Ahmed al-Jubeir tuyên bố tại cuộc họp báo ở Riyadh vào cuối hội nghị thượng đỉnh của tổ chức Hội đồng Hợp tác vùng Vịnh hôm 9-12.
Ông Erdogan đã nhiều lần kêu gọi Saudi Arabia chuyển giao các nghi phạm trong vụ sát hại nhà báo Khashoggi.
Ông Khashoggi, một cộng tác viên cho tờ The Washington Post, đã bị sát hại không lâu sau khi vào lãnh sự quán của Saudi Arabia ở Istanbul hôm 2-10.
Cố nhà báo Jamal Khashoggi. Ảnh: HAARETZ
Một tòa án của Thổ Nhĩ Kỳ tuần qua đã tống đạt trát bắt cựu lãnh đạo tình báo Saudi Arabia Ahmad al-Assiri và cựu cố vấn Hoàng gia Saud al-Qahtani, theo đề nghị của công tố viên trưởng Istanbul.
Ông al-Assiri thường xuyên tham gia các cuộc họp kín của thái tử Mohammed bin Salman với các quan chức nước ngoài, còn ông al-Qahtani là một cố vấn hàng đầu cho thái tử.
Cả hai đã bị cách chức sau khi Riyadh thừa nhận ông Khashoggi bị giết tại lãnh sự quán.
Theo phía Thổ Nhĩ Kỳ, đã có một nhóm 15 người Saudi được phái đi để giết ông Khashoggi.
Tổng thống Erdogan nói rằng lệnh giết nhà báo trên đến từ cấp cao nhất của chính phủ Hoàng gia Saudi Arabia nhưng ông khẳng định đó không phải là quốc vương Salman.
Trong chuyến công du Nam Mỹ cuối tuần qua, nhà lãnh đạo Thổ Nhĩ Kỳ khăng khăng nói rằng Saudi Arabia phải bàn giao các nghi phạm nhưng Riyadh không hợp tác.
Saudi Arabia cho đến nay đã bắt giữ 21 người liên quan đến vụ sát hại nhà báo Khashoggi.
Bất chấp đồn đoán rằng thái tử Mohammed đã ra lệnh giết, Saudi Arabia vẫn cực lực bác bỏ sự dính líu của ông này vào vụ việc.
Vụ sát hại ông Khashoggi đã ảnh hưởng xấu đến danh tiếng của Saudi Arabia và các nước phương Tây bao gồm Mỹ, Pháp và Canada đã áp đặt trừng phạt đối với khoảng 20 công dân Saudi Arabia.