“Uống rượu bia, điều khiển phương tiện cơ giới nguy hiểm không khác gì đang cầm trong tay một khẩu súng. Uống rượu bia, một người tốt đã thành kẻ giết người…”.
Ông Khuất Việt Hùng, Phó Chủ tịch chuyên trách Ủy ban ATGT Quốc gia nhấn mạnh nhiều lần như vậy khi nói về sự nguy hiểm của việc uống rượu, bia lái xe, điển hình là vụ tai nạn khiến hai người phụ nữ tử vong sáng 1-5 ở Hà Nội, tại buổi tọa đàm về cách nào ngăn chặn tài xế uống rượu bia, do báo Giao Thông tổ chức, diễn ra ngày 3-5.
Làm sao để chứng minh tội giết người ?
Điều 260 Bộ luật hình sự về tội vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ quy định chỉ xử lý hình sự khi đã gây thiệt hại cho người khác, hoặc có khả năng thực tế dẫn đến hậu quả nghiêm trọng (có khả năng làm chết từ 3 người trở lên hoặc gây thiệt hại về tài sản 1.500.000.000 đồng…) nếu không được ngăn chặn kịp thời.
LS Đặng Văn Cường, Đoàn Luật sư TP Hà Nội, cho rằng hiện nay Điều 260 của Bộ luật Hình sự đã quy định các hành vi vi phạm quy định về an toàn giao thông đường bộ gây hậu quả nghiêm trọng và chưa gây hậu quả. Như vậy, người điều khiển phương tiện say rượu lái xe dù chưa gây hậu quả cũng bị xử lý hình sự, nhưng để rõ hơn sắp tới cần có hướng dẫn cụ thể hơn. Đối với trường hợp gây tai nạn giao thông chết người, tùy từng trường hợp có thể xử lý tội giết người.
“Tuy nhiên, tội giết người là phải cố ý, tức mong muốn hậu quả chết người xảy ra với người khác hoặc cố ý gián tiếp (bỏ mặc hậu quả giết người xảy ra). Còn đối với trường hợp gây tai nạn giao thông nhưng vô ý giết người thì không xử tội giết người được…”, LS Cường phân tích.
Cùng quan điểm, ông Đỗ Đức Hồng Hà, Ủy viên Thường trực Ủy ban Tư pháp Quốc hội, cho rằng các quy định hiện hành đã cho phép xử lý hình sự đối với các tài xế say rượu nhưng chưa gây hậu quả. Tuy nhiên, việc tài xế say rượu lái xe có nên cho là tội giết người hay không phải xem xét vì phải chứng minh được tài xế cố ý hay vô ý, nếu không cố ý thì không thể xử tội giết người.
Vụ tai nạn xảy ra ở hầm Kim Liên (Hà Nội) gây bức xúc về các hành vi say rượu lái xe.
Còn chút băn khoăn, ông Khuất Việt Hùng, cho rằng lái xe khi được cấp bằng phải biết uống bia, rượu lái xe bị cấm và gây chết người, nhưng vẫn thực hiện. “Chúng ta có cần làm rõ điều này để có ứng xử phù hợp. Tôi cho rằng say rượu lái xe không khác nào cầm trong tay khẩu súng…”, ông Hùng phản biện.
Đáp lại, ông Đỗ Đức Hồng Hà vẫn cho rằng tội giết người là tội cố ý, nếu không cố ý không thể xử tội giết người. Vì khung hình phạt cho hành vi này cao nhất là tử hình: “Chúng ta đừng vì dư luận đang quá bức xúc mà đưa thành nội dung khác…”, ông Hà nhấn mạnh.
Xem xét tăng chế tài
Bà Phan Thị Thu Hiền, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ Việt Nam, cho rằng các chế tài ở Nghị định 46/2016 về quy định xử phạt hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt hiện hành rất mạnh. Cụ thể, mức vi phạm 0,4mg/lít khí thở bị phạt tiền từ 16-18 triệu đồng. Tuy nhiên, mức phạt này đủ sức răn đe hay chưa cần nghiên cứu.
“Sắp tới khi sửa Nghị định 46 chúng tôi sẽ xem xét tăng mức tiền xử phạt, tăng thời gian tước giấy phép lái xe và nhiều hình thức phạt bổ sung khác... Nhưng mức phạt phải phù hợp với sự phát triển kinh tế - xã hội…”, bà Hiền nói.
Nói thêm về việc nghiên cứu sửa Nghị định 46, ông Lê Văn Thanh, Vụ An toàn giao thông (Bộ GTVT), cho rằng hiện các hành vi sử dụng chất kích thích khi lái xe đang được nghiên cứu tăng mức phạt lên 30 triệu đồng và tăng thời gian tước giấy phép lái xe. Tuy nhiên, việc tăng nặng mức xử phạt ở đây cần hiểu là không phải cứ tăng cao lên là được mà phải phù hợp với thực tiễn, đảm bảo hiệu lực thi hành và đảm bảo tính răn đe.
Trong khi đó, ông Nguyễn Mạnh Thắng, Quản trị Diễn đàn Ô tô+, cho rằng cứ tăng chế tài thật nặng lên, cơ quan thực thi pháp luật làm thật chuẩn, dân sẽ theo. Đề nghị lực lượng thực thi công vụ trên đường cần phải làm nghiêm, không được nể nang người vi phạm mới sợ.
Đồng tình, ông Đỗ Đức Hồng Hà, cho rằng xử lý vi phạm giao thông cần phải nghiêm minh, tuyệt đối không thể xin, cho… “Đồng thời, mỗi chúng ta ở đây hãy là một tuyên truyền viên, làm gương từ trong gia đình đến cơ quan, khu phố, cộng đồng…”, ông Hà nhấn mạnh.
Người sống sót thì tàn tật PGS.TS Nguyễn Đức Chính, Trưởng phòng Hợp tác quốc tế Bệnh viện Việt Đức, cho biết trung bình mỗi ngày bệnh viện tiếp nhận cấp cứu trên 300 bệnh nhân đủ các loại về tai nạn thương tích, riêng tai nạn giao thông thời gian đỉnh điểm lên tới 150 ca/ngày. Đáng nói, những bệnh nhân tai nạn giao thông tới bệnh viện thường trong tình trạng nghiêm trọng, bị chấn thương sọ não, nguy cơ tử vong cao chiếm tới 1/3, số còn lại nếu sống phải chịu cảnh tàn tật, là gánh nặng cho gia đình, xã hội. |