Scarborough trở thành khu bảo tồn biển

Tại cuộc họp báo ngày 21-11 ở Manila (Philippines), cựu Tổng thống Fidel Ramos đã tuyên bố hoan nghênh quyết định của Tổng thống Rodrigo Duterte biến bãi cạn Scarborough thành khu bảo tồn biển.

Ông nhận xét thành lập khu bảo tồn biển là hình thức cao nhất trong bảo vệ nguồn lợi thủy sản theo định nghĩa của LHQ.

Trước đó, báo Rappler (Philippines) đưa tin tại cuộc họp báo trong khuôn khổ hội nghị APEC hôm 20-11 (giờ địa phương) ở thủ đô Lima (Peru), cố vấn an ninh quốc gia Hermogenes Esperon Jr thông báo Tổng thống Duterte sẽ ký sắc lệnh phê chuẩn bãi cạn Scarborough thành khu bảo tồn biển.

Ông giải thích đây chính là biện pháp hiệu quả nhất để xử lý tranh chấp với Trung Quốc.

Sau khi Tổng thống Duterte ban hành sắc lệnh, hoạt động đánh bắt cá bên trong bãi cạn sẽ bị cấm, bãi cạn sẽ trở thành bãi cá đẻ cần được bảo vệ để phục hồi nguồn cá. Dù vậy, ngư dân Philippines và Trung Quốc vẫn có thể đánh bắt xung quanh bãi cạn.

Ngư dân Philippines đánh bắt tại khu vực bãi cạn Scarborough. Ảnh: NEW YORK TIMES

Sẽ không có quân đội Philippines hiện diện tại bãi cạn Scarborough mà chỉ có nhân viên dân sự thuộc lực lượng cảnh sát biển phụ trách quản lý địa bàn và ngư dân.

Ngoài ra, ông Esperon cũng thông báo Philippines và Trung Quốc đã nhất trí tổ chức cho lực lượng cảnh sát biển tuần tra chung ở bãi cạn Scarbrough.

Ông cho biết Tổng thống Duterte đã trình bày kế hoạch biến bãi cạn Scarborough thành khu bảo tồn biển trong cuộc hội đàm song phương với Chủ tịch Tập Cận Bình hôm 19-11 bên lề hội nghị APEC.

Bộ trưởng truyền thông của tổng thống Martin Andanar cho biết ông Tập Cận Bình đã chấp nhận đề nghị của Tổng thống Duterte.

Trong hội đàm, ông Tập cam kết ngư dân Philippines sẽ tiếp tục tự do đến bãi cạn Scarborough và sẽ được đào tạo nhiều ngành nghề kiếm sống như nuôi trồng thủy sản.

Báo South China Morning Post cho biết ông Tập nói Philippines và Trung Quốc đang đứng trước tình hình mới.

Ông kêu gọi hai nước tăng cường trao đổi ở mọi cấp, xúc tiến thảo luận các vấn đề chung vào thời điểm thích hợp và tái lập các cơ chế song phương trong nhiều lĩnh vực.

Trong khi đó, ngày 20-11, lực lượng cảnh sát biển Đài Loan thông báo cảnh sát biển và hải quân sẽ tổ chức diễn tập tìm kiếm cứu nạn tại vùng biển đảo Ba Bình (thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam) vào cuối tháng 11-2016.

Vẫn chưa rõ mức độ và lịch trình diễn tập cũng như các khí tài sử dụng trong diễn tập như thế nào.

Ngoài ra, cảnh sát biển và hải quân Đài Loan cũng diễn tập chung nhằm bảo vệ tàu cá Đài Loan và “tăng cường năng lực chống khủng bố trên biển” để bảo đảm an ninh cho ngư dân Đài Loan.

Reuters ghi nhận đây là cuộc diễn tập đầu tiên từ khi bà Thái Anh Văn cầm quyền hồi tháng 5.

Đài VOA nhận xét đây là cuộc diễn tập bất thường của Đài Loan ở biển Đông

Chuyên gia Jonathan Spangler, Giám đốc nhóm tư vấn về biển Đông ở Đài Bắc, nhận xét: “Từ lâu Đài Loan đã cố xây dựng trở thành một tác nhân hòa giải trong tranh chấp biển Đông”.

GS Nathan Liu ở ĐH Minh Truyền (Đài Loan) nhận xét: “Thật ra thế giới không quan tâm nhiều đến yêu sách chủ quyền của Đài Loan”. Nguyên do vì Trung Quốc đã xem Đài Loan là một bộ phận lãnh thổ Trung Quốc, do đó yêu sách của Đài Loan cũng được xem là yêu sách của Trung Quốc.

__________________________________

100 cảnh sát biển Đài Loan đang đồn trú trái phép trên đảo Ba Bình. Cảnh sát biển thay quân đội trú đóng từ năm 2000. Đảo Ba Bình dài 1.400 m, rộng 400 m, là đảo lớn nhất thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam. Trung Quốc và Đài Loan gọi là đảo Thái Bình. Sau khi chiếm đóng đảo, Đài Loan đã xây đường băng, bệnh viện và khu nhà ở.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm