Tình trạng lạm dụng bản sao chứng thực một lần nữa được lãnh đạo Bộ Tư pháp lên tiếng, nhân hội nghị sơ kết ba năm thi hành Nghị định 23 của Chính phủ về cấp bản sao giấy tờ và chứng thực chữ ký, hợp đồng sáng nay (29-11).
Thống kê của cơ quan này cho thấy chỉ trong ba năm qua, UBND cấp xã, phòng tư pháp, tổ chức hành nghề công chứng và các cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài đã phải cấp hơn 486 triệu bản sao giấy tờ, mà một tỉ lệ không nhỏ trong đó là không cần thiết.
Tình trạng lạm dụng này xảy ra phổ biến ở nhiều cấp, nhiều ngành, từ việc làm hồ sơ tuyển sinh, thi tuyển công chức, tuyển dụng lao động đến các giao dịch dân sự, mua bán... Việc này làm phát sinh chi phí không cần thiết cho người dân, gia tăng áp lực, quá tải công việc cho các cơ quan có trách nhiệm chứng thực.
Hội nghị sơ kết ba năm thực hiện Nghị định 23/2015/NĐ-CP và các văn bản hướng dẫn thi hành tại điểm cầu Bình Định. Ảnh: baobinhdinh
Lâu nay vẫn tưởng chỉ Hà Nội, TP.HCM - hai trung tâm kinh tế lớn, tập trung đông dân cư thì mới phải cấp bản sao nhiều nhưng thực tế thì Bà Rịa-Vũng Tàu mới là quán quân: Cấp tới 77 triệu bản sao so với 25,6 triệu ở Hà Nội và 49,7 triệu ở TP.HCM.
Cục trưởng Cục Hộ tịch, Quốc tịch, Chứng thực Nguyễn Công Khanh cho biết không chỉ gây lãng phí, hoạt động chứng thực bản sao ở một số nơi còn vi phạm pháp luật. Có trường hợp chứng thực bản sao mà không có bản chính để đối chiếu hoặc bỏ qua nghĩa vụ đối chiếu. Ở cấp xã vẫn có nơi giao việc chứng thực cho người không đúng chuyên môn; thu chi sai khoản phí chứng thực…
Tình trạng lạm dụng chứng thực, bản sao chủ yếu do hiểu biết, nhận thức chưa đúng đắn của các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp.
Về phía Bộ Tư pháp - cơ quan quản lý nhà nước về công tác này, ông Khanh cho biết sẽ đề xuất thí điểm bỏ yêu cầu bản sao chứng thực trong thủ tục hành chính của chính lĩnh vực hộ tịch, dần dần mở rộng sang các lĩnh vực khác thuộc ngành dọc tư pháp.
Khi đó, công dân đến giao dịch giải quyết thủ tục hành chính thì chỉ cần xuất trình bản chính để đối chiếu, trường hợp công dân không có bản chính thì các cơ quan nhà nước sẽ căn cứ vào những cơ sở dữ liệu sẵn có trong cơ sở dữ liệu về hộ tịch, cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư.