Nhiều người bày tỏ quan điểm hình ảnh đó quá phản cảm, quá dã man, nhất là đối với con trâu được coi là đầu cơ nghiệp của nhà nông.
Tìm hiểu thông tin, chúng tôi được biết cảnh tượng nêu trên diễn ra tại đền Đông Cuông (xã Đông Cuông, huyện Văn Yên, Yên Bái).
Theo thông lệ, cứ vào ngày Mão bất kỳ của đầu năm mới, người dân đem đến đền Đông Cuông một con trâu trắng, tiếp đó họ dùng những sợi dây thừng dài buộc cổ trâu cột vào một cành cây to. Đến khi khai hội, cả làng từ già đến trẻ xúm lại kéo sợi dây thừng treo trâu lơ lửng trên cây cho đến khi trâu chết hẳn mới chặt dây thả xuống, mổ trâu theo nghi thức cúng tế. Lễ treo trâu có ý nghĩa cầu cho một năm mưa thuận gió hòa, mùa màng tốt tươi, nhân dân được thái bình, no ấm.
Trao đổi với chúng tôi về thông tin này, ông Lê Xuân Định, Phó Giám đốc Sở VH-TT&DL tỉnh Yên Bái, xác nhận tại địa phương mình có lễ hội với mô tả như trên. Tuy nhiên, hình ảnh trên mạng là hình ảnh cũ của năm ngoái. Năm nay lễ này sẽ diễn ra vào ngày 13 tháng Giêng (tức ngày 9-2). Theo ông Định, việc treo và mổ trâu tế lễ là bình thường, hơn nữa lại mổ vào khoảng 0 giờ nên ít người chú ý.
Khoản 3 Điều 4 Thông tư 15/2015 của Bộ VH-TT&DL quy định: “Không tổ chức các lễ hội có nội dung: Kích động bạo lực, truyền bá các hành vi tội ác bao gồm những hoạt động trong đó có thể hiện cảnh trái với truyền thống yêu hòa bình và nhân ái của dân tộc Việt Nam, cụ thể: Mô tả cảnh đâm chém, đấm đá, đánh đập tàn bạo; Mô tả cảnh rùng rợn, kinh dị; Mô tả cảnh thỏa mãn, khoái trá của kẻ gây tội ác; Mô tả các hành động tội ác khác…”. Khi chúng tôi dẫn chiếu quy định này, ông Định cho biết sẽ có sự điều chỉnh. “Sẽ không có cảnh treo trâu nữa, cũng không để du khách tham quan việc mổ trâu” - ông Định nói.
Cùng ngày, trao đổi với chúng tôi, bà Trịnh Thị Thủy, Cục trưởng Cục Văn hóa cơ sở (Bộ VH-TT&DL), khẳng định đã nắm được thông tin này. “Chúng tôi đã kiểm tra và khẳng định đó là hình ảnh của những năm trước. Sau khi Bộ VH-TT&DL ban hành Thông tư 15 thì dứt khoát không cho tái diễn tập tục mang tính bạo lực, man rợ. Vì vậy năm nay hình ảnh đó tại lễ hội sẽ không lặp lại” - bà Thủy khẳng định.
Cũng theo bà Thủy, hiện nay cộng đồng và các địa phương đang nỗ lực để dần loại bỏ các yếu tố phản cảm, tàn bạo... ra khỏi lễ hội.