ThS Vũ Anh Tuấn, giảng viên bộ môn Quy hoạch và quản lý giao thông vận tải - Trường ĐH GTVT, nhấn mạnh.
Có thể né đóng phí và dẫn đến ùn tắc
. Phóng viên: Ông nhận xét thế nào về giải pháp thu phí mà TP.HCM dự định áp dụng để giảm ùn tắc giao thông trong khu vực trung tâm, thưa ông?
+ Ông Vũ Anh Tuấn: Các biện pháp quản lý nhu cầu giao thông và quản lý việc sử dụng phương tiện giao thông đã được nhiều nước trên thế giới áp dụng thành công, trong đó có việc thu phí để giảm thiểu ùn tắc. Việc thu phí sẽ tạo ra sự thay đổi đáng kể, cải thiện chất lượng giao thông. Tuy nhiên, khi thực hiện các biện pháp này thì hầu như đều gặp những ý kiến trái chiều, phản đối. Đơn giản là vì người sử dụng ô tô cá nhân không muốn phải đóng phí.
Như ở TP Stockholm (Thụy Điển), trước khi thu phí thì có khoảng 55% những người được lấy ý kiến phản đối và số còn lại thì ủng hộ hoặc không có ý kiến. sau khi biện pháp này được áp dụng thì chất lượng giao thông được cải thiện và con số ủng hộ cho biện pháp này đã tăng lên 60%.
. Nhưng một số ý kiến lo ngại về các ảnh hưởng tiêu cực của biện pháp này?
+ Biện pháp này không ảnh hưởng đến quyền sở hữu của người dân, song nếu thu phí thì nó tác động trực tiếp đến việc sử dụng ô tô cá nhân. Đây là loại phương tiện chiếm diện tích không gian đường lớn nên khi bị tác động thì sẽ cải thiện được tình trạng giao thông theo hướng tốt hơn. Ngoài ra, tiền thu phí còn tạo ra nguồn kinh phí để cải thiện hệ thống giao thông.
Cần lưu ý là nếu không có các nghiên cứu kỹ thì sẽ gây ra tình trạng chuyển tuyến, tránh né việc đóng phí và dẫn đến ùn tắc tại các khu vực chuyển tuyến này. Ngoài ra, người dân sống trong vùng thu phí vẫn đóng phí bình thường như những trường hợp khác cũng không phù hợp.
Liên quan đến công nghệ thu phí thì bắt buộc phải áp dụng công nghệ hiện đại, không phải dừng lại đưa tiền, thối tiền sẽ gây ra ùn tắc tại những nơi thu phí. Việc thu phí phải thực hiện tự động, xe cộ vẫn lưu thông bình thường.
Ô tô cá nhân ở TP.HCM tăng lên từng ngày không có kiểm soát khiến nhiều nơi ô tô tràn ngập mặt đường. Trong ảnh: Ô tô xếp hàng dài trên đường vào trung tâm quận 1, TP.HCM. Ảnh: HOÀNG GIANG
Phải có hệ thống giao thông công cộng thay thế
. Giao thông công cộng có vai trò như thế nào đối với biện pháp này, thưa ông?
+ Nhà nước bắt buộc phải cung cấp, có hệ thống giao thông công cộng thân thiện thay thế khi triển khai thu phí. Như Singapore có hệ thống giao thông công cộng hoàn chỉnh, người dân không cần có phương tiện cá nhân mà vẫn dễ dàng đến được nơi mình muốn. Thực tế, ở TP.HCM chưa được như thế. Cho nên khi thu phí sẽ có một số người vẫn chấp nhận đóng phí để đi ô tô và có một bộ phận chuyển sang sử dụng xe máy. Đành rằng một chiếc ô tô con chiếm không gian gấp năm lần xe máy thì ít nhiều biện pháp trên vẫn cải thiện được tình trạng giao thông. Song cần phải cân nhắc thêm các hiệu quả về an toàn giao thông, về môi trường.
. Nếu như vậy, thực tế hiện nay việc TP.HCM đặt ra yêu cầu thu phí liệu có phù hợp?
+ Song hành với việc phát triển giao thông công cộng thì việc thu phí hạn chế ô tô cá nhân là bước đi phù hợp, khôn ngoan và dễ chịu nhất cho cả người dân lẫn các cơ quan quản lý. không phải chờ cho đến khi giao thông công cộng hoàn chỉnh thì mới tính đến việc thu phí mà lúc này việc tổ chức nghiên cứu để có biện pháp quản lý, sử dụng phương tiện cá nhân là cần thiết.
Nếu không, đi kèm với việc tăng trưởng kinh tế và lộ trình giảm thuế, số ô tô cá nhân tăng lên nhanh chóng và kèm đó là thói quen sử dụng ô tô cá nhân tự do, thoải mái sẽ gây ra nhiều khó khăn cho việc thực hiện các giải pháp quản lý việc sử dụng.
. Xin cám ơn ông.
“Không cần đột phá!” Mới đây, có lần phỏng vấn một chuyên gia về giải pháp giảm kẹt xe cho TP.HCM, chúng tôi đặt câu hỏi: “Là người có nhiều công trình nghiên cứu về giao thông ở TP.HCM, ông có giải pháp đột phá nào không?”. Gần như ngay lập tức, vị này thốt lên với vẻ bực bội: “Không cần phải đột phá!”. Sau đó vị chuyên gia giải thích TP.HCM phát triển chậm hơn các TP hiện đại trên thế giới hàng chục năm, thậm chí hàng trăm năm, vì thế chỉ cần làm theo cách mà các TP khác đã làm là tốt lắm rồi, chẳng cần phải đột phá. Và theo ông, để giảm kẹt xe bắt buộc phải phát triển vận tải hành khách công cộng và giảm xe cá nhân (xe máy và ô tô). Ngoài ra chẳng còn cách nào khác tốt hơn vì nếu có thì các nước tiên tiến cũng đã làm rồi. Chúng tôi cùng quan điểm với vị chuyên gia trên, phải hạn chế xe cá nhân mới mong nạn kẹt xe ở TP.HCM giảm xuống. Tất nhiên, việc giảm xe cá nhân không nên thực hiện theo kiểu cấm cản, hạn chế quyền mua xe, quyền sở hữu tài sản của người dân, mà phải có những giải pháp khác thay thế để người dân lựa chọn. Có lần sang Tokyo, Nhật Bản chúng tôi ngạc nhiên khi thấy ở TP hiện đại này lại có rất ít ô tô cá nhân. Tôi hỏi anh bạn đang làm việc cho một công ty xây dựng tại đây thì được giải thích trong công ty của anh chỉ có vài sếp đứng đầu mới sử dụng ô tô riêng. Không phải những người còn lại không có điều kiện mua xe mà vì phí lưu thông ở Tokyo đối với ô tô rất đắt đỏ. Những điểm dừng, đậu xe, phí được tính theo giờ, càng lâu thì phí càng tăng. Ngoài ra, hệ thống vận tải hành khách công cộng, nhất là hệ thống tàu điện ngầm ở Tokyo rất tiện lợi nên người dân không cần có phương tiện cá nhân cũng chẳng ảnh hưởng gì. TRUNG THANH |