Hết ngày 31-12, cơ chế khuyến khích phát triển điện mặt trời tại Việt Nam theo Quyết định 13 (QĐ 13) sẽ hết hiệu lực. Do chưa có hướng dẫn mới của Bộ Công Thương nên Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) đã thông báo dừng mua điện mặt trời áp mái (ĐMTAM) phát triển sau ngày 31-12. Sau khi có thông tin này, nhiều người dân đang có ý định lắp ĐMTAM và đơn vị lắp đặt, đầu tư vào hệ thống này rất lo lắng.
Tạm ngưng nhập thiết bị
Ông Lý Văn Tường, quận 9 (TP.HCM) cho biết gia đình ông đang có ý định đầu tư ĐMTAM nhằm tiết kiệm điện cho gia đình. Tuy nhiên, ý định chưa kịp triển khai thì lại nhận được thông tin sẽ không được đấu nối và ký kết hợp đồng mua bán điện từ hệ thống ĐMTAM sau ngày 31-12. “Chúng tôi mong cơ quan chức năng sớm có văn bản hướng dẫn để người dân yên tâm lắp đặt, đầu tư hệ thống ĐMTAM nhằm khai thác tối đa nguồn năng lượng sạch này” - ông Tường nói.
Tập đoàn Điện lực Việt Nam thông báo sẽ dừng mua điện mặt trời áp mái phát triển sau ngày 31-12. Ảnh: ĐÀO TRANG
Lắp đạt công tơ đo đếm lượng điện đã bán lên lưới. Ảnh: ĐÀO TRANG
Ông Trần Văn Kiệt, Giám đốc Công ty Thiên Nam Solar, đơn vị cung cấp tấm pin mặt trời, cho biết sau khi có thông tin công ty rất hoang mang, công ty sẽ tạm ngưng nhập thiết bị tới khi có văn bản hướng dẫn. Bởi lẽ hiện nay người dân cũng rất dè chừng, thậm chí không dám lắp đặt vì không thể đấu nối, bán điện sau khi đầu tư.
Còn theo ông Bùi Việt Phương, Trưởng bộ phận marketing điện mặt trời, Công ty Kỹ thuật Đạt (DAT), là đơn vị cung cấp tấm pin điện mặt trời, hiện tại DAT đã phải điều chỉnh hoạt động kinh doanh, tính toán lại sản lượng thiết bị nhập về. Trong thời gian tới, ngoài giải pháp điện mặt trời hòa lưới, DAT sẽ thúc đẩy truyền thông về giải pháp điện mặt trời có lưu trữ năng lượng. Với giải pháp này, khách hàng có thể lưu trữ điện từ hệ thống vào giờ bình thường và phát lên sử dụng trong giờ cao điểm.
Đồng thời DAT cũng sẽ đề xuất, kiến nghị với cơ quan có thẩm quyền có thể chưa ghi nhận sản lượng và ký hợp đồng mua bán điện nhưng sớm ban hành văn bản cho phép các doanh nghiệp (DN), hộ gia đình được đấu nối các hệ thống ĐMTAM lắp đặt sau ngày 31-12 vào hệ thống điện quốc gia. “Văn bản này được ban hành thì khách hàng mới mạnh dạn đầu tư, lắp đặt hệ thống cho mục đích tiết kiệm điện, đặc biệt vào giờ cao điểm ban ngày” - ông Phương nói.
Đồng thời ông Phương cho rằng cơ quan có thẩm quyền sớm ban hành cơ chế khuyến khích cho các hộ gia đình, các DN đầu tư điện mặt trời sử dụng tại chỗ nhằm tiết kiệm điện. Đặc biệt là các DN sản xuất có phần mái nhà xưởng lớn trong các khu công nghiệp, khu chế xuất có nhu cầu sử dụng điện nhiều vào ban ngày (có tải tiêu thụ tại chỗ), các DN phải tham gia chương trình điều chỉnh phụ tải (DR).
Điều này giúp DN có thể đầu tư và không bị lãng phí vào những ngày không sản xuất hoặc thời điểm nhu cầu sử dụng điện ít hơn lượng phát ra từ hệ thống. Bên cạnh đó, DN có thể tham gia DR theo hình thức chủ động bổ sung thêm nguồn năng lượng thay vì điều chỉnh ca sản xuất (điều này rất khó cho DN), giảm sử dụng vào giờ cao điểm. Việc đầu tư và sử dụng tại chỗ cũng không ảnh hưởng nhiều đến hệ thống truyền tải lưới điện quốc gia.
Giá điện mặt trời giảm rất nhanh
Trao đổi với PV, đại diện Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo, cho biết từ tháng 5-2020, cơ quan này đã nghiên cứu cơ chế cho điện mặt trời, trong đó có ĐMTAM. “Chúng tôi thuê cả tư vấn nước ngoài, có sự hỗ trợ của GIZ để họ làm cho khách quan và chính xác. Tuy nhiên, biến động về giá của ĐMTAM nhanh quá nên các kết quả phải liên tục cập nhật, cứ rà đi soát lại mãi” - vị này nói.
Theo đó, đến giữa tháng 12, kết quả nghiên cứu về ĐMTAM đã có và đã được cục báo cáo lãnh đạo Bộ Công Thương. Dự kiến một, hai ngày nữa bộ sẽ trình Chính phủ cơ chế cho ĐMTAM của năm 2021. “Chúng tôi đề xuất trong thời gian tới vẫn mua ĐMTAM theo giá cố định nhưng mức giá sẽ thấp hơn so với QĐ 13. Theo kết quả tính toán của các cơ quan nước ngoài thì mức giá này có thể thấp hơn khoảng 20% so với mức giá cũ” - Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo cho biết.
Tiêu điểm Tính đến ngày 25-12 đã có 83.000 công trình ĐMTAM được đấu nối vào hệ thống điện với tổng công suất lắp đặt lên tới gần 4.700 MWp. Tổng sản lượng phát điện lên lưới từ ĐMTAM lũy kế đến nay đã đạt hơn 1,13 tỉ kWh.
Lý giải về đề xuất này, vị đại diện cho rằng: “vì giá điện mặt trời giảm rất nhanh, giá điện của năm 2021 sẽ giảm hơn so với giá theo QĐ 13. Trong lúc chờ Thủ tướng ban hành quyết định thì chúng tôi cũng kiến nghị Thủ tướng vẫn cho phép EVN tiếp tục ghi nhận công suất, sản lượng điện đã phát của các dự án mới đưa vào vận hành sau ngày 31-12, khi nào có giá mới thì áp vào”.
Nhiều ý kiến lo ngại nếu mức giá mới thấp hơn sẽ không khuyến khích được người dân và các nhà đầu tư tham gia, đại diện Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo cho biết mức giá mới được tính toán trên cơ sở giá thành thiết bị, chi phí lắp đặt…, do đó về cơ bản vẫn đảm bảo quyền lợi cho người đầu tư. Theo vị này, ý nghĩa cơ bản của ĐMTAM là khuyến khích các hộ dân, không nhằm mục đích khuyến khích nhà đầu tư. Còn khuyến khích các DN đầu tư tham gia thì mặt trời mặt đất, mặt trời nổi đầu tư tốt hơn.
Trả lời câu hỏi của PV: Không biết chính sách này sẽ kéo dài bao lâu trong khi người dân, nhà đầu tư nào cũng mong muốn có một chính sách dài hơi để yên tâm đầu tư? Đại diện Bộ Công Thương cho rằng giá điện mặt trời thay đổi rất nhanh, một năm giảm 25%-30% nên không thể có một chính sách dài hạn cho điện tái tạo.•
Điện phải được mua theo giá thị trường PGS-TS Đinh Trọng Thịnh, chuyên gia kinh tế, cho rằng điện mặt trời đang có giá ưu đãi, nếu tiếp tục có cơ chế giá theo như QĐ 13 thì EVN sẽ khó có nguồn bù cho khoản chênh lệnh mà Nhà nước đã có giá ưu đãi khuyến khích năng lượng mặt trời. “Giá mua điện mặt trời cao hơn nhiều so với giá bán và so với nhu cầu nên EVN không thể nào có nguồn bù đắp. Với mức giá ưu đãi như thế thì việc bán ra là lỗ nên Nhà nước cũng chỉ có thể ưu đãi trong một khoảng thời gian nhất định, địa bàn cụ thể, không thể nào kéo dài ưu đãi, khuyến khích suốt đời được” - PGS-TS Đinh Trọng Thịnh bày tỏ ý kiến. Ông Thịnh cũng cho rằng thời gian vừa qua các DN điện khác như nhiệt điện, thủy điện đều cảm thấy bất bình đẳng trong cạnh tranh. Do đó, đã đến lúc Nhà nước đưa ngành điện phát triển theo kinh tế thị trường. Mà để làm được thì việc đầu tiên là điện phải được mua theo giá thị trường. Về cơ chế giá cho điện mặt trời thời gian tới, ông Thịnh cho rằng các cơ quan quản lý nhà nước cần có sự nghiên cứu để xem xét việc phát triển điện mặt trời thế nào cho phù hợp với tổng thể quy hoạch phát triển điện năng nói chung. Đặc biệt là việc xử lý các phế thải của điện mặt trời như pin, các biện pháp để đảm bảo năng lượng sạch và vệ sinh môi trường về lâu về dài. Đồng thời cũng cần xem xét giá bán điện để tính chi phí mua điện cho hợp lý. Vì mua điện xong cũng cần chi phí cho truyền tải điện, cho phân phối điện, chi phí quản lý... như vậy mới định ra được mức giá chung cho các ngành năng lượng, kể cả năng lượng mặt trời hay điện gió, điện than, thủy điện... Ông Thịnh cho rằng các dự án điện mặt trời hiện nay cần phải tính toán giảm thấp các chi phí, hạ giá thành mới có thể cạnh tranh. “ĐMTAM là tận dụng diện tích, tận dụng bề mặt nên rõ ràng phải tính giá khác chứ không thể tính với giá cao ngất ngưởng như trước đây. Bản thân các DN này phải hạ giá thành để đáp ứng các nhu cầu ở mức bình quân chung. Chúng ta theo kinh tế thị trường rồi thì EVN với các DN phát điện sẽ cần có thỏa thuận mua hàng với nhau cho hợp lý theo thị trường” - ông Thịnh nói.