Gây mất an toàn xã hội: Cần chế tài mới! - Bài 2

Sẽ có “thuốc đặc trị” cho hành vi sàm sỡ

Một trong các điểm đáng chú ý của dự thảo nghị định thay thế Nghị định số 167/2013 nâng mức phạt lên rất cao đối với các hành vi quấy rối tình dục, sàm sỡ ở nơi công cộng.

Mức phạt thấp không đủ răn đe

Thời gian qua, có nhiều vụ quấy rối tình dục chỉ bị xử phạt ở mức 200.000 đồng, gây bức xúc trong dư luận xã hội.

Ví dụ như vào tháng 3-2019, một nữ sinh 20 tuổi vào thang máy để lên căn hộ ở phường Nhân Chính, quận Thanh Xuân (Hà Nội) thì bị một người đàn ông không quen biết tán tỉnh, xin số điện thoại nhưng nữ sinh này từ chối. Sau đó, cô gái bị người đàn ông này dồn vào góc thang máy, ôm và hôn. Kết quả là người đàn ông này chỉ bị xử phạt hành chính 200.000 đồng về hành vi có cử chỉ, lời nói thô bạo, khiêu khích, trêu ghẹo, xúc phạm danh dự, nhân phẩm của người khác theo điểm a khoản 1 Điều 5 Nghị định 167/2013.

Một vụ việc khác xảy ra vào ngày 26-6-2019 trên tuyến xe buýt số 01 lộ trình từ Bến xe Gia Lâm đi Bến xe Yên Nghĩa (Hà Nội). Lúc này xuất hiện một người đàn ông H. trên xe đi về phía ghế ngồi của của một cô gái rồi thực hiện hành vi “tự sướng”. Phát hiện sự việc, một số hành khách đã la lớn để tài xế và phụ xe biết, giữ người này lại và thông báo cơ quan công an. Công an phường Ngã Tư Sở (quận Đống Đa) sau đó đã ra quyết định xử phạt hành chính 200.000 đồng đối với H. và cũng áp dụng theo điểm a khoản 1 Điều 5 Nghị định 167/2013.

Trong cả hai vụ việc nêu trên, ngay sau khi cơ quan chức năng ra quyết định với mức phạt 200.000 đồng cho mỗi trường hợp, dư luận ngay sau đó đã lên tiếng với sự bất hợp lý của các quy định hiện hành. Các chuyên gia tại thời điểm đó cho rằng mức phạt 200.000 đồng là chưa tương xứng với mức độ, hậu quả của các hành vi quấy rối tình dục, kích dục, khiêu dâm gây ra.

Trong quá trình soạn thảo dự thảo nghị định thay thế, Bộ Công an nhận định một số hành vi vi phạm hành chính trong Nghị định 167/2013 còn thiếu biện pháp khắc phục hậu quả và có mức phạt tương đối thấp nên chưa có tính răn đe, phòng ngừa vi phạm.

Chính vì vậy, tại khoản 5 Điều 6 của dự thảo đã đề xuất phạt tiền 5-8 triệu đồng đối với người nào thực hiện các hành vi như sàm sỡ, quấy rối tình dục; khiêu dâm, kích dục ở nơi công cộng.

Không chỉ tăng mức phạt lên gấp hàng chục lần so với mức phạt hiện hành (mức phạt hiện hành 100.000-300.000 đồng) mà dự thảo nghị định còn bổ sung thêm các hành vi vi phạm cụ thể như sàm sỡ, quấy rối tình dục, khiêu dâm, kích dục ở nơi công cộng. Quy định hiện hành chỉ nêu chung chung người nào có cử chỉ, lời nói thô bạo, khiêu khích, trêu ghẹo, xúc phạm danh dự, nhân phẩm của người khác thì bị xử phạt.

Đáng chú ý, một quy định mới cũng được bổ sung lần này đó là người nào thực hiện hành vi sàm sỡ, quấy rối tình dục ngoài bị phạt tiền thì còn bị áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả buộc xin lỗi công khai (trừ trường hợp nạn nhân có đơn không yêu cầu).

Năm 2019, người đàn ông cưỡng hôn thiếu nữ trong thang máy tại chung cư Golden Palm (Hà Nội) chỉ bị phạt 200.000 đồng gây xôn xao dư luận.
Ảnh: FACEBOOK 

Tăng mức phạt, buộc xin lỗi công khai là cần thiết

Luật sư (LS) Nguyễn Thành Nam, Đoàn LS TP.HCM, rất đồng tình với hướng sửa đổi trên của dự thảo.

“Thân thể, danh dự, nhân phẩm là bất khả xâm phạm, thế nhưng người thực hiện hành vi chỉ bị xử phạt hành chính 200.000 đồng. Pháp luật chưa có chế tài hình sự đối với hành vi quấy rối tình dục. Hiện nay, việc xử phạt hành chính thì quá nhẹ, hình sự thì cũng không bị xử lý trong khi hậu quả của hành vi quấy rối tình dục gây ra có thể rất nặng nề.

Do đó, tăng mức phạt lên 5-8 triệu đồng và có biện pháp khắc phục hậu quả buộc xin lỗi công khai thì mới mong có tính răn đe, giáo dục người vi phạm. Đây có thể xem là liều thuốc đặc trị cho hành vi này” - LS Nam chia sẻ.

Bên cạnh đó, TS Nguyễn Văn Tiến, giảng viên Trường ĐH Luật TP.HCM, hành vi khiêu dâm, kích dục ở nơi công cộng cũng được dự thảo bổ sung vào xử phạt ở mức như trên.

Đây là điều rất cần thiết để lấp khoảng trống pháp luật khi thời gian qua có nhiều trường hợp khiêu dâm, kích dục nơi công cộng mà không có chế tài để xử lý. Một số địa phương khi có sự việc xảy ra mà bị dư luận lên án rầm rộ thì đành phải gượng ép xử phạt theo hành vi có cử chỉ, lời nói thô bạo, khiêu khích, trêu ghẹo, xúc phạm danh dự, nhân phẩm của người khác (điểm a khoản 1 Điều 5 Nghị định 167/2013).

“Biện pháp khắc phục hậu quả là buộc phải xin lỗi công khai nếu nạn nhân có yêu cầu là một biện pháp rất cần thiết để răn đe người vi phạm. Tuy nhiên, việc xin lỗi công khai thì cần được hiểu như thế nào, phải thực hiện ra sao… Giả sử nạn nhân yêu cầu xin lỗi công khai nhưng phải giấu danh tính, thông tin, hình ảnh của nạn nhân thì có được không? Chỗ này dự thảo cần làm rõ” - TS Nguyễn Văn Tiến góp ý.

Phải làm rõ thế nào là quấy rối tình dục

Nghị định 145/2020 có quy định về quấy rối tình dục tại nơi làm việc. Cụ thể, việc quấy rối tình dục có thể xảy ra dưới dạng trao đổi như đề nghị, yêu cầu, gợi ý, đe dọa, ép buộc đổi quan hệ tình dục lấy bất kỳ lợi ích nào liên quan đến công việc…

Quấy rối tình dục tại nơi làm việc bao gồm các hành vi như có hành động, cử chỉ, tiếp xúc, tác động vào cơ thể mang tính tình dục hoặc gợi ý tình dục…

Tuy nhiên, đây chỉ là quy định đối với những hành vi quấy rối tại nơi làm việc được quy định trong Bộ luật Lao động, ở trong một phạm vi hẹp. Trong khi nạn nhân của các hành vi nêu trên hiện nay có thể diễn ra ở mọi lúc, mọi nơi, ở nơi công cộng khác... Do đó, cần có hướng dẫn cụ thể như thế nào là quấy rối tình dục ở nơi công cộng để việc xử phạt được khả thi.

LS NGUYỄN THÀNH NAMĐoàn LS TP.HCM 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm