Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai Cao Tiến Dũng đã chủ trì buổi làm việc với các sở, ngành và UBND TP Biên Hòa để nghe báo cáo về tiến độ lập hồ sơ đề xuất chủ trương đầu tư dự án Khu đô thị - thương mại dịch vụ tại KCN Biên Hòa 1 vào ngày 10-6.
Theo báo cáo của UBND TP Biên Hòa, hiện nay diện tích của KCN Biên Hòa 1 sẽ được chuyển đổi công năng là hơn 327ha.
Diện tích này sẽ được phân chia làm 2 khu vực gồm: khu vực xây dựng Trung tâm hành chính, chính trị của tỉnh có diện tích 44ha và khu vực đầu tư dự án khu đô thị thương mại dịch vụ có diện tích hơn 283ha.
Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai Cao Tiến Dũng chủ trì buổi làm việc. Ảnh: VH. |
Về phương án lựa chọn hình thức đầu tư, TP Biên Hòa đưa ra 2 phương án gồm: đấu giá quyền sử dụng đất và đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư.
Trong đó, theo đánh giá, phương án đấu giá quyền sử dụng đất có nhiều ưu điểm như: phù hợp với các quy định của pháp luật về đất đai hiện hành, khai thác có hiệu quả quỹ đất, nâng cao giá trị đất đai đối với khu đất có vị trí lợi thế thương mại cao… Tuy nhiên, để thực hiện phương án này, tỉnh Đồng Nai sẽ phải bố trí nguồn ngân sách rất lớn để bồi thường, giải phóng mặt bằng tạo quỹ đất sạch.
Phát biểu kết luận buổi làm việc, Chủ tịch UBND tỉnh Cao Tiến Dũng thống nhất lựa chọn phương án đấu giá quyền sử dụng đất để thực hiện dự án Khu đô thị - thương mại - dịch vụ Biên Hòa 1.
Việc đấu giá quyền sử dụng đất sẽ được thực hiện đấu giá từng khu vực. Việc đầu tư xây dựng hệ thống hạ tầng kỹ thuật sẽ thực hiện theo hình thức đầu tư công.
Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai yêu cầu TP Biên Hòa và các đơn vị liên quan rà soát, thực hiện phân chia khu vực triển khai dự án thành các khu vực để thực hiện công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng và đấu giá quyền sử dụng đất.
Một góc KCN Biên Hòa 1. Ảnh: VH. |
Trước mắt, sẽ thực hiện công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng, đấu giá quyền sử dụng đất với khu đất rộng khoảng 78ha. Để tính toán tổng mức đầu tư đối với khu vực này, UBND TP Biên Hòa và các đơn vị liên quan cần tính toán năng lực tài chính, kinh phí để thực hiện công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng, xây dựng hệ thống hạ tầng kỹ thuật.
Sở Lao động Thương binh và Xã hội tính toán số lượng lao động tại các doanh nghiệp trong khu vực này và tổng nguồn kinh phí hỗ trợ.
Sở TN-MT phối hợp với Sở Xây dựng tính toán phần kinh phí bồi thường, hỗ trợ đối với tài sản trên đất của các tổ chức, doanh nghiệp trong khu vực. Sở Tài chính tính toán nguồn vốn cũng như giải pháp huy động vốn để thực hiện.
Trước đó, vào tháng 1-2021, Thủ tướng Chính phủ đã có văn bản về việc chấp thuận đưa KCN Biên Hòa 1 với tổng diện tích 335 ha ra khỏi Quy hoạch phát triển các KCN Việt Nam.
Sau đó UBND tỉnh Đồng Nai đã có văn bản chỉ đạo các cơ quan liên quan xây dựng phương án lựa chọn nhà đầu tư dự án Khu đô thị thương mại dịch vụ Biên Hòa 1 được chuyển đổi công năng từ KCN Biên Hòa 1.
Chính phủ cũng chỉ đạo UBND tỉnh cam kết về việc đảm bảo các quyền lợi hợp pháp của nhà đầu tư đang đầu tư trong KCN và người dân trong khu vực.
Đồng thời, tỉnh phải tuân thủ trình tự, thủ tục của pháp luật về quản lý sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất kinh doanh tại doanh nghiệp trong quá trình xử lý tài sản đã đầu tư vào khu công nghiệp của Tổng công ty Sonadezi.
KCN Biên Hòa 1 ra đời từ năm 1963, nằm sát sông Đồng Nai, đoạn qua địa bàn TP Biên Hòa. Việc chuyển đổi công năng của KCN này đã được tỉnh Đồng Nai có chủ trương từ hơn 10 năm qua.
Theo dự kiến của UBND tỉnh, đầu năm 2022 sẽ tiến hành bồi thường giải phóng mặt bằng KCN Biên Hòa 1 để thực hiện dự án chuyển đổi công năng xây dựng Khu đô thị thương mại dịch vụ Biên Hòa 1.