Trưa 5-3, Chánh Văn phòng UBND TP.HCM Võ Văn Hoan đã chủ trì buổi họp báo về tình hình kinh tế-xã hội, quốc phòng-an ninh tháng 2.
Điều chỉnh ranh dự án Bình Quới - Thanh Đa
Trả lời câu hỏi liên quan đến các dự án lớn trên địa bàn, ông Võ Văn Hoan cho biết các dự án lớn ở TP.HCM như Bình Quới - Thanh Đa, 146 Đồng Khởi, tứ giác Mả Lạng đang có sự chuyển động. Quan điểm của TP là khuyến khích đấu thầu, đấu giá và khuyến khích tư nhân tham gia.
“Riêng dự án Bình Quới - Thanh Đa, TP.HCM rà soát lại quy hoạch cũ, điều chỉnh cho phù hợp thực tế. Quy hoạch trước đây do nhà đầu tư cũ đề xuất không còn phù hợp, thực tế cũng có nhiều biến động. TP chủ trương tạm thời cấp giấy phép xây dựng tạm trong vùng quy hoạch nên cũng cần phải rà soát, điều chỉnh lại ranh quy hoạch của dự án” - ông nói.
Ông lý giải thêm: Trên thực tế có những nơi nếu lấy hết ranh dự án gây khó cho dân nên có thể để tự phát triển, miễn sao phù hợp quy hoạch và làm sao ít ảnh hưởng đến đời sống người dân.
Một thông tin khác liên quan đến dự án này, ông Hoan cho biết Sở Kế hoạch và Đầu tư đang xây dựng tiêu chí để tổ chức đấu thầu chọn nhà đầu tư, đã trình UBND TP để xem xét, cân nhắc, từ đó tổ chức đấu thầu theo đúng quy định.
Dự án khu đô thị sinh thái Bình Quới - Thanh Đa được phê duyệt vào năm 1992. Đến năm 2004, TP thu hồi, giao đất cho Tổng Công ty Xây dựng Sài Gòn nhưng không thể triển khai. Tiếp đến, TP.HCM giao cho một tập đoàn trong nước lập đồ án quy hoạch phân khu 1/2.000. Từ đó dự án tiếp tục rơi vào quên lãng, mãi đến cuối năm 2015, Liên danh Tập đoàn Bitexco và Emaar Properties PJSC được UBND TP.HCM chỉ định là nhà đầu tư dự án. Giữa năm 2017, Emaar Properties PJSC xin rút.
Liên quan đến dự án khu đô thị mới Thủ Thiêm, ông cho biết sắp tới TP sẽ tổ chức một cuộc họp báo riêng về vấn đề Thủ Thiêm để thông tin cụ thể các nội dung bà con quan tâm.
Ông Nguyễn Thành Phong chủ trì buổi họp về tình hình kinh tế-xã hội sáng 5-3. Ảnh: T.LÂM
Ông Hoan cho biết hiện trung ương đang hoàn thiện kết luận cuối cùng về thanh tra toàn diện khu đô thị Thủ Thiêm, trên cơ sở này TP sẽ triển khai thực hiện. “Còn những cam kết trước đó của TP như xin lỗi người dân hay triển khai những việc phải làm theo Thông báo 1483, về cơ bản TP đang thực hiện” - ông nói. “Giải quyết vấn đề Thủ Thiêm không thể trong một ngày, một bữa nhưng trong năm 2019 TP.HCM cố gắng giải quyết cơ bản các vấn đề bà con khiếu nại, bức xúc” - ông nói.
Người phát ngôn UBND TP cho biết TP sẽ tiếp tục giải quyết với những trường hợp đồng thuận, còn những trường hợp chưa đồng thuận sẽ gặp gỡ, trao đổi để đạt được kết quả. Ông cũng mong bà con bình tĩnh, chia sẻ với TP. “Chính sách đưa ra dù có ưu đãi, tiên tiến, tạo điều kiện như thế nào đi chăng nữa thì không phải mọi người liên quan đến khiếu nại đều sẽ ổn định cả. Chúng ta chấp nhận có sự khác biệt ở một vài trường hợp”- ông Hoan nói.
TP.HCM đang thiếu nhiều lãnh đạo
Tại cuộc họp kinh tế-xã hội sáng cùng ngày, ông Nguyễn Thành Phong, Chủ tịch UBND TP.HCM, cho biết địa phương chỉ còn ba lãnh đạo trực tiếp điều hành công việc. Ngoài ông và hai cấp phó Lê Thanh Liêm, Trần Vĩnh Tuyến thì Phó Chủ tịch Huỳnh Cách Mạng đang bị bệnh và bà Nguyễn Thị Thu vừa qua đời hôm 20-2. “Anh Mạng mới vừa ngã bệnh, bên trái, bên phải tôi giờ chỉ còn hai người...” - ông Phong nói.
TP.HCM cũng đang khuyết vị trí giám đốc Sở GTVT và giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư vì hai người này đã được điều động sang đơn vị khác. Ngoài ra, nhiều doanh nghiệp nhà nước trực thuộc UBND TP cũng thiếu vị trí tổng giám đốc nhưng chưa có người thay thế. Từ đó, ông Phong cho biết sẽ cố gắng kiện toàn nhân sự đầu tháng 4-2019.
Theo ông Võ Văn Hoan, Thành ủy, UBND đang tập trung rà soát đội ngũ cán bộ để sắp xếp nhằm đáp ứng thực tiễn, yêu cầu công việc hiện nay. Với hai phó chủ tịch phải bổ sung, ông cho biết là đã chuẩn bị được một người, sắp tới sẽ tính thêm một người nữa nhưng ông không nêu cụ thể người này là ai.
Nhân sự ở Văn phòng UBND TP.HCM, ông cũng thông tin là hiện chỉ còn ba phó chánh văn phòng nhưng thực hiện nhiệm vụ thực chất là hai, vì một người đang tạm ngưng việc để phục vụ cho công tác khác. “Lãnh đạo văn phòng đang rất khó khăn nên phải nỗ lực hỗ trợ, chia sẻ, cộng đồng trách nhiệm. Do đó, hoạt động cơ bản vẫn ổn định tuy có vất vả hơn” - ông Hoan nói.
Người phát ngôn của UBND TP cho hay công tác nhân sự là công việc rất phức tạp. “Lần này TP sẽ làm công tác nhân sự mang tính dài hơi hơn, không chỉ cho giai đoạn 2019-2020 mà Thành ủy, các cấp ủy phải tập trung kiện toàn nhân sự” - ông Hoan nói.
Không để heo bệnh lọt vào TP.HCM Để ứng phó với bệnh dịch tả heo châu Phi, ông Lê Thanh Liêm, Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP.HCM, cho biết diễn biến dịch heo hết sức phức tạp. Bệnh này nếu bị nhiễm thì 100% heo chết. “Phải tuyệt đối không để heo ở TP.HCM bị dịch; không để thịt heo bị bệnh lọt vào TP.HCM”. Đại diện Sở NN&PTNT cho hay đã triển khai kịch bản giả định là tiếp nhận nguồn heo từ các tỉnh phía Bắc có dịch để có giải pháp ứng phó và yêu cầu các lực lượng liên quan, các địa phương kiểm soát chặt tại trạm giao thông; các chợ đầu mối, cơ sở giết mổ. Ông cũng cho hay là đã yêu cầu ngưng mua heo từ phía Bắc mà tập trung nhận heo từ các vùng an toàn. Bà Phạm Khánh Phong Lan, Trưởng ban An toàn thực phẩm TP, cho rằng nguy cơ dịch tả heo châu Phi về TP là có nhưng phải tuyên truyền cho người dân biết là dịch này không lây cho người. “Việc giá cả chênh lệch (nguồn heo từ các tỉnh phía Bắc có giá thành rẻ hơn - PV), thị trường TP.HCM là thị trường mở nên khả năng lây nhiễm là hoàn toàn có thể xảy ra” - bà Lan nói và cho rằng khi có heo bệnh vào TP, thịt heo bệnh mổ ra sẽ có khả năng bị nhiễm khuẩn, gây thêm nhiều loại bệnh khác. “Chúng tôi bố trí lực lượng để chốt chặn, kiểm tra nguồn gốc, kể cả nhìn bằng mắt để phát hiện heo bệnh từ kinh nghiệm của anh em” - bà Lan nói và cho rằng đến giờ này chưa phát hiện heo bệnh dịch tả heo châu Phi vào TP.HCM... |