Sẽ giải quyết dứt điểm vướng mắc về trợ giá xe buýt

Tại cuộc họp trao đổi với báo chí sáng 9-7, Sở GTVT TP.HCM khẳng định không có chuyện tạm ngưng hoạt động các tuyến xe buýt từ ngày 15-8. Theo đó, những khó khăn về trợ giá và quyết toán trợ giá xe buýt cho các hợp tác xã (HTX) sẽ được giải quyết trong thời gian tới.

Sắp “giải khát” cho các hợp tác xã

Ông Võ Khánh Hưng, Phó Giám đốc Sở GTVT TP.HCM, thông tin trong năm 2019, tình hình kinh doanh vận tải xe buýt tại các doanh nghiệp và HTX gặp nhiều khó khăn vì tính trợ giá không đủ.

Ông Hưng lấy ví dụ trong năm 2019, lượng hành khách đi xe buýt trên 5,6 triệu chuyến, song đầu năm TP chỉ tính 4,5 triệu chuyến. Tình hình này dẫn đến kinh phí trợ giá cấp về cho các HTX rất thấp. Trong khi đó, các doanh nghiệp thu không đủ chi, càng chạy càng lỗ.

“Chúng tôi rất trăn trở vì nhiều HTX bị nợ ngân hàng khi mua xe, nợ ngân hàng để có tiền trả lương cho nhân viên nhưng do kinh phí cấp như vậy nên không thể giải quyết ngay được. Sở GTVT đã tích cực đề xuất với TP để tính toán lại, để bù cho phần thiếu hụt đó. Đến nay, TP đã thông qua và cấp bổ sung kinh phí do thiếu hụt của năm 2019. Với cách làm và sự thống nhất đó, trong năm 2020 đã rút ra bài học để không tái diễn tình trạng này” - ông Hưng phân tích.

Cũng theo ông Hưng, năm 2020 dịch COVID-19 kéo dài, trước khi xe buýt ngưng hoạt động cũng chỉ chạy tối đa 20 khách/xe và ngồi giãn cách. Đến khi xe buýt ngưng hoạt động thì TP không cấp trợ giá xe buýt nữa.

Ông Hưng cho rằng đây chưa phải là vấn đề lớn, mà vấn đề là xác định số chuyến không chính xác như dự toán đầu năm. Sau khi tính toán theo tinh thần tính đúng, tính đủ với kế hoạch chạy năm nay và phần chi phí tăng giảm trong đợt dịch COVID-19 thì chi phí cần bổ sung là 161 tỉ đồng (ban đầu được duyệt 1.150 tỉ đồng).

“Hiện nay, trợ giá xe buýt năm 2019 đã được tính đúng, tính đủ và có quyết định điều chỉnh kinh phí. Trong vài ngày tới, các đơn vị sẽ nhận được trợ giá bổ sung. Riêng 2020 đã được thống nhất về mặt nguyên tắc, UBND TP cho phép tính đúng lại, cơ bản có sự thống nhất rồi, trung tâm cũng yên tâm để ký hợp đồng trợ giá” - ông Hưng nhấn mạnh.

Đại diện HTX 19-5 cũng cho hay các HTX xe buýt nói chung từ năm 2018, 2019 và 2020 gặp một số khó khăn, đến nay các khó khăn đó đã được giải quyết.

Dự kiến trong năm 2020, Sở GTVT sẽ mở năm đợt đấu thầu để doanh nghiệp có thể tham gia khai thác xe buýt. Ảnh: ĐÀO TRANG

Lý do xin bổ sung trợ giá

Sở GTVT cho biết những năm qua việc bố trí kinh phí trợ giá xe buýt ngày càng giảm, tỉ lệ trợ giá cũng có xu hướng giảm dần. Trợ giá không đủ cho hoạt động do quan điểm xe buýt phải tận dụng tối đa sức chứa (tối thiểu 45 hành khách/chuyến khi thẩm định giao dự toán kéo dài trong nhiều năm), tuy nhiên khối lượng vận chuyển bình quân có xu hướng giảm. Cụ thể, đến cuối năm 2019 chỉ đạt 29,7 hành khách/chuyến.

Ông Võ Khánh Hưng cho biết thêm: Trong kế hoạch trợ giá năm 2020, Sở Tài chính thẩm định là 4,5 triệu chuyến xe/năm, tương ứng với dự toán cho các tuyến xe buýt phổ thông là 956,5 tỉ đồng. Đây là một điều không thể thực hiện được trong năm 2020 bởi hiện nay chi phí tăng, phương tiện đã được các đơn vị đầu tư thay thế mới theo đề án đầu tư xe buýt.

Mở 20 tuyến buýt mới

Nhằm đáp ứng mục tiêu mở rộng khả năng phục vụ và đáp ứng nhu cầu đi lại của người dân các huyện Bình Chánh, Hóc Môn, Củ Chi và các quận 9, Bình Thạnh, Thủ Đức, Sở GTVT đã rà soát và nghiên cứu dự kiến mở 20 tuyến xe buýt mới theo danh mục mạng lưới tuyến. 

Theo ông Hưng, trường hợp buộc phải phân bổ theo dự toán trên thì sẽ xảy ra tình trạng tương tự giống các năm trước đây, các doanh nghiệp bức xúc kiến nghị như vừa qua. Do đó, Sở GTVT sẽ rà soát, lập dự toán bổ sung chi ngân sách trợ giá trong năm 2020 với số chuyến là hơn 6 triệu chuyến xe/năm.

Trước thực trạng năm nào cũng phải xin bổ sung trợ giá, gây ỳ ạch, các HTX và doanh nghiệp gặp khó, ông Hưng cho rằng dự toán hiện nay không còn phù hợp. Theo đó, Sở GTVT sẽ tích cực đề xuất với TP để tính toán lại, để bù cho phần thiếu hụt đó.

Về hướng phát triển hoạt động xe buýt sắp tới, ông Hưng cho hay Nghị định 32/2019 có quy định đấu thầu để doanh nghiệp vận tải được khai thác tuyến. Do đó, ngoài các HTX xe buýt, các doanh nghiệp vận tải đang khai thác tuyến thì các doanh nghiệp khác cũng có thể tham gia đấu thầu để khai thác.

Hiện Trung tâm Quản lý vận tải hành khách công cộng đang lên kế hoạch triển khai công tác tổ chức đấu thầu, lựa chọn đơn vị đủ năng lực cung cấp sản phẩm dịch vụ xe buýt trong năm 2020.

Hiện sở đã trình đề cương, dự toán kinh phí và kế hoạch lựa chọn nhà thầu thực hiện các gói thầu tư vấn khảo sát, lập hồ sơ thiết kế kỹ thuật khai thác, dự toán kinh phí trợ giá.

Triển khai nhiều đợt đấu thầu trong năm 2020

Thông tin về kế hoạch các doanh nghiệp có thể tham gia đấu thầu khai thác xe buýt, ông Đỗ Ngọc Hải, Trưởng phòng Quản lý dịch vụ vận tải, cho biết việc tổ chức đấu thầu đòi hỏi chất lượng dịch vụ các hãng cung cấp theo một chuẩn nhất định như loại xe, màu xe... Chất lượng xe và dịch vụ sẽ nâng cao, đòi hỏi các HTX cũng như doanh nghiệp phải đổi mới.

Sở GTVT sẽ tổ chức sáu đợt đấu thầu trong thời gian tới:

Đợt 1: Đấu thầu trên bốn tuyến xe buýt có trợ giá (1, 5, 65 và 152) theo yêu cầu của Ngân hàng Thế giới tại Chương trình cho vay hỗ trợ chính sách phát triển cho ngân sách TP. Sở GTVT đang gửi Sở Tài chính thẩm định lần hai dự toán gói thầu.

Các đợt 2, 3, 4, 5 dự kiến đấu thầu thêm 36 tuyến, trong đó có nhiều tuyến xe buýt mới được mở, đây là những tuyến kết nối với metro số 1.

Dự kiến từ đợt 1 tới đợt 5 sẽ tổ chức đấu thầu trong quý III-2020.

Đợt 6 sẽ lựa chọn nhà thầu cho bảy tuyến, trong đó có những tuyến mới như M01, M07, M09, M10 và dự kiến đấu thầu trong quý I-2021. 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm