Ngày 12-10, Cao Quốc Huy, kẻ bắt giữ hai cháu bé tại Trường Mầm non 10A (quận Tân Bình), vẫn lầm lì, không nói, không khai gì với công an. Cơ quan điều tra vẫn chưa thể xác định được động cơ gây án của Huy. Hiện công an vẫn đang tiếp tục điều tra và vẫn chưa khởi tố vụ án, khởi tố bị can với Huy. Theo một nguồn tin, công an dự định sẽ đưa Huy đi giám định tâm thần để có hướng xử lý.
Theo tìm hiểu của chúng tôi, Huy có tiền sử bệnh tâm thần.
Theo người mẹ ruột, Huy là con thứ hai và không có biểu hiện bệnh tật gì về tâm thần cho đến năm học lớp 11. “Năm 2002, Huy bị sốt nặng. Sau trận sốt đó, nó có biểu hiện lạ: lầm lì, ít nói, ít cười… Trong năm này, Huy mâu thuẫn với bạn học liên quan đến tiền bạc nên hẹn gặp nhau để giải quyết. Khi gặp, hai bên xô xát và Huy đâm người bạn này khiến người bạn tử vong. Sau đó Huy bị bắt về tội giết người. Trong quá trình điều tra, Công an TP.HCM nhận thấy Huy có nhiều biểu hiện lạ nên cho giám định tâm thần. Kết quả là Huy bị tâm thần phân liệt, không làm chủ được hành vi. Vì thế, Huy bị đưa đi chữa bệnh bắt buộc tại BV Tâm thần Biên Hòa-Đồng Nai” - mẹ Huy nói.
Sau khi chữa bệnh, tháng 8-2004, sức khỏe của Huy trở lại bình thường nên VKSND TP.HCM đình chỉ biện pháp chữa bệnh bắt buộc, giao trả Huy về cho gia đình. Trong biên bản giao trả ghi rõ: Gia đình chữa bệnh, quản lý không để Huy vi phạm pháp luật tiếp.
Sau khi giải cứu hai cháu bé, công an áp giải Huy về trụ sở ngày 11-10. Ảnh: X.NGỌC
“Gia đình vẫn đưa Huy đi khám bệnh định kỳ và uống thuốc thường xuyên. Huy không hề quậy phá và cũng không thích nói chuyện với ai. Những lúc Huy ra khỏi nhà, tôi đi theo thì thấy nó hay đến Công viên Lê Thị Riêng hoặc nơi vắng người, tìm một gốc cây ngồi nói chuyện một mình. Tôi thấy nó không gây nguy hiểm gì cho ai nên tôi cũng hơi yên tâm. Ai dè nó gây chuyện lớn…” - mẹ Huy nói.
Theo bà, sáng 12-10, bà đã đến Công an quận Tân Bình trình bày bệnh tình của Huy. “Tôi mong muốn công an đưa Huy đi giám định tâm thần. Nếu nó bình thường thì xử lý theo quy định; còn nếu nó tâm thần thì áp dụng biện pháp chữa bệnh lâu dài cho nó. Ai chẳng thương con nhưng nếu giữ con bên mình mà có thể gây hại cho người chung quanh, tôi sẽ thấy có tội với mọi người…” - bà rơm rớm nước mắt nói.
Theo Bộ luật Hình sự, nếu công an xác định được Huy bị tâm thần, mất khả năng nhận thức hoặc khả năng điều khiển hành vi trong lúc gây ra vụ bắt cóc thì Huy không phải chịu trách nhiệm hình sự. Trường hợp này, Huy sẽ bị áp dụng biện pháp bắt buộc chữa bệnh. Trường hợp trong lúc phạm tội Huy có năng lực trách nhiệm hình sự nhưng giờ mắc bệnh tâm thần thì cũng được áp dụng biện pháp bắt buộc chữa bệnh. Sau khi khỏi bệnh, Huy có thể phải chịu trách nhiệm hình sự.
Khen thưởng nóng cho Công an quận Tân Bình Sáng 12-10, Đại tá Nguyễn Minh Hùng, Phó Giám đốc Công an TP.HCM, thay mặt Công an TP trao thư khen và thưởng 3 triệu đồng cho tập thể cán bộ, chiến sĩ Công an quận Tân Bình về thành tích giải cứu an toàn cho hai trẻ mầm non. Theo đánh giá của công an, việc giải cứu thành công, an toàn tính mạng cho hai cháu bé, bắt nhanh kẻ gây án đã giải tỏa được tâm lý lo sợ cho hơn 300 phụ huynh có con học tại trường. Đại tá Nguyễn Minh Hùng, Phó Giám đốc Công an TP.HCM (phải), trao thư và tiền thưởng cho Công an quận Tân Bình. Ảnh: CTV Trao đổi với chúng tôi, Đại tá Hùng cho biết Công an TP cùng Công an quận Tân Bình đã đánh giá, rút kinh nghiệm việc giải cứu con tin. Đồng thời, đề nghị công an quận xem xét tổ chức tập huấn, hướng dẫn cho các trường học, cơ quan, tổ chức trên địa bàn quận để ứng phó với các trường hợp bị kẻ xấu tấn công tương tự. Quản bệnh nhân tâm thần ra sao? Theo ông Vũ Đình Sơn, Trưởng phòng Y tế Sở LĐ-TB&XH TP.HCM (nguyên Giám đốc Trung tâm Điều dưỡng người bệnh tâm thần), trường hợp này lẽ ra gia đình phải theo dõi sát sao và can thiệp sớm. Những người đã bị bệnh tâm thần phân liệt thể trầm cảm, thể hoang tưởng… sẽ không bao giờ hết bệnh. Khi gặp điều kiện thuận lợi thì bệnh lại bùng phát và có những hành động bất ngờ mà chính họ không kiểm soát được. Thường khi bệnh nhân có dấu hiệu ổn định, bệnh viện cho về nhà để theo dõi. Lúc này gia đình phải tuân thủ triệt để liều lượng và cách dùng thuốc của bác sĩ đã cho, không được tự ý ngưng thuốc giữa chừng. Tuy nhiên, nhiều gia đình không hiểu được nguy hiểm của căn bệnh, khi thấy người bệnh ổn định là tự ý ngưng thuốc không theo chỉ định của bác sĩ. Biên bản giao Huy cho gia đình chữa bệnh trong vụ giết người năm 2002. Dù người bệnh đã trở lại sinh hoạt bình thường nhưng gia đình vẫn phải để ý sát sao, khi thấy có những dấu hiệu như mất ngủ, hay đứng ngồi không yên, hoạt động quá độ (hưng cảm), lầm lì, ít nói hẳn đi (trầm cảm) thì cần phải đưa đến bác sĩ thăm khám, điều trị trở lại. Nếu gia đình đã đưa đi điều trị nhiều nơi rồi tình trạng bệnh sau đó vẫn không ổn, chuyển sang tình trạng mạn tính thì gia đình cần liên hệ với chính quyền phường để nơi đây gửi hồ sơ lên quận, quận sẽ đề xuất Sở LĐ-TB&XH ra quyết định đưa đi điều dưỡng bệnh tâm thần tại các trung tâm của Nhà nước. Thủ tục này chỉ mất vài ngày là xong. Hiện nay TP.HCM có hai trung tâm điều dưỡng dạng này là Trung tâm Điều dưỡng người bệnh tâm thần (ở Thủ Đức) và Trung tâm Điều dưỡng người bệnh tâm thần Tân Định (ở Bình Dương). Trung bình mỗi năm TP có khoảng 200-300 người được đưa đi điều dưỡng tại các trung tâm nói trên, trong đó gia đình đề nghị đưa đi khoảng 50 người. Với những người bị bệnh tâm thần sống ổn định tại gia đình mà người nhà không đề xuất đưa đi điều trị, chính quyền không thể cưỡng chế đưa đi. Chính quyền chỉ tập trung đưa đi điều trị những người tâm thần lang thang để tránh nguy hiểm cho xã hội. Theo chuyên gia tâm lý Lê Minh Công (nguyên Phó khoa Lâm sàng BV Tâm thần Trung ương 2), gia đình và cộng đồng không nên kỳ thị người tâm thần mà cần có cái nhìn bao dung với họ. Bệnh nhân tâm thần phân liệt rất cần sự hỗ trợ của gia đình và xã hội. Hằng tháng người nhà cần đưa bệnh nhân đến bác sĩ điều trị để lấy thuốc uống thường xuyên, trong gia đình cần tạo không khí vui vẻ, hướng người bệnh vào các hoạt động cộng đồng chứ không nên để họ có cảm giác bị bỏ rơi. T.MẬN |
ÁI NHÂN - XUÂN NGỌC