Sẽ không còn ngạch thẩm phán cao cấp, trung cấp, sơ cấp?

(PLO)-  Theo Chánh án TAND Tối cao, cần đổi mới cơ cấu chức danh tư pháp theo hướng sẽ đổi mới cơ cấu ngạch, bậc thẩm phán, gồm thẩm phán tối cao, thẩm phán và thẩm phán dự bị; Thẩm phán các ngạch bậc được bố trí ở tất cả các tòa án.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Theo kế hoạch, định hướng sửa đổi, bổ sung Luật Tổ chức TAND sẽ được báo cáo tại Hội nghị “Triển khai công tác cải cách tư pháp theo Nghị quyết số 27/NQ-TW ngày 9-11-2022 của Ban chấp hành Trung ương Đảng về tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam trong giai đoạn mới” do TAND Tối cao tổ chức tại Trung tâm Hội nghị Quốc gia vào ngày 26 và 27-2 sắp tới.

Chánh án tòa án các cấp sẽ tham dự, thảo luận và trình bày ý kiến về những vấn đề, cụ thể nội dung cần sửa đổi của luật.

Chánh án TAND Tối cao Nguyễn Hòa Bình. Ảnh: Website TAND Tối cao
Chánh án TAND Tối cao Nguyễn Hòa Bình. Ảnh: Website TAND Tối cao

Trước đó, tại Hội nghị tập huấn về “Đề án Cải cách tư pháp tại Tòa án nhân dân đến năm 2030, định hướng đến năm 2045 đáp ứng yêu cầu xây dựng, hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam” chiều 15-2, Chánh án TAND Tối cao Nguyễn Hòa Bình đã quán triệt toàn ngành tinh thần “Xây dựng nền tư pháp chuyên nghiệp, hiện đại, công bằng, nghiêm minh, liêm chính, phụng sự Tổ quốc, phục vụ Nhân dân” của Nghị quyết số 27-NQ/TW ngày 9/11/2022 Hội nghị lần thứ 6 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII.

Một số nội dung quan trọng được Chánh án nhấn mạnh: tập trung vào hoàn thiện chính sách, pháp luật liên quan đến tư pháp; bổ sung hệ thống pháp luật về tư pháp, tổ chức Tòa án, Thẩm phán, Hội thẩm nhân dân để bảo đảm tính độc lập của Tòa án theo thẩm quyền xét xử; xây dựng Tòa án điện tử, bước đầu hình thành phương thức tố tụng điện tử…; tiếp tục nghiên cứu để đổi mới chính sách, chế độ tiền lương, thời hạn bổ nhiệm và cơ chế bảo đảm để đội ngũ cán bộ tư pháp yên tâm công tác, nhất là đối với đội ngũ Thẩm phán nhằm đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới, lộ trình thực hiện từ nay đến năm 2030.

Theo Chánh án TAND Tối cao, để cải cách thật sự hiệu quả, cần thiết phải đổi mới tổ chức bộ máy Tòa án mạnh mẽ, bắt đầu từ việc sửa đổi, bổ sung Luật Tổ chức TAND trên cơ sở phát huy thành quả và khắc phục bất cập trong quá trình thực hiện từ năm 2014 đến nay.

Trong đó, cần đổi mới cơ cấu chức danh tư pháp theo hướng sẽ đổi mới cơ cấu ngạch, bậc thẩm phán, gồm thẩm phán tối cao, thẩm phán và thẩm phán dự bị. Thẩm phán các ngạch bậc được bố trí ở tất cả các tòa án.

Tức là về ngạch thẩm phán, chỉ giữ lại ngạch thẩm phán tối cao gồm 17 người; không còn ngạch thẩm phán cao cấp, trung cấp, sơ cấp; chỉ gọi chung là thẩm phán. Quy định như vậy sẽ dễ điều động thẩm phán từ tòa này qua tòa khác, tòa thấp lên tòa cao cao mà không bị vướng ngạch bậc.

Tiếp tục hoàn thiện chế định thẩm phán bằng cách: Thực hiện chế độ trách nhiệm tư pháp trọn đời; nâng tuổi nghỉ hưu của thẩm phán; nâng cao đạo đức thẩm phán; tách cấp bậc thẩm phán và cấp bậc hành chính; hoàn thiện cơ chế xử lý giám sát thẩm phán; cải cách chế độ hoạt động của Ủy ban Thẩm phán; có cơ chế kiểm soát bắt buộc đối với một số loại án cụ thể.

Cạnh đó, cần đổi mới và tăng cường công tác tuyển chọn, bổ nhiệm: mở rộng nguồn bổ nhiệm, mở rộng nhiệm kỳ.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm