Theo đó, trước thực tế hiện nay cho rằng việc giao định mức quỹ BHYT xuống các cơ sở khám chữa bệnh (KCB) gây khó khăn cho các cơ sở y tế, ông Vũ Xuân Bằng, Phó Trưởng ban Chính sách, BHXH Việt Nam, cho rằng người dân cũng như khá nhiều cơ sở y tế đang hiểu sai về quy định BHXH giao định mức quỹ BHYT cho các cơ sở KCB.
Thực tế hằng năm Chính phủ sẽ giao cho BHXH kế hoạch và dự toán chi phí KCB. Từ đó, BHXH căn cứ dự toán của mình và căn cứ trên từng số thẻ của từng đơn vị ở mức bình quân, sau đó tính ra chi phí giao dự toán. “Tôi nhấn mạnh là giao dự toán chứ không phải định mức, ép buộc các cơ sở KCB. Thực tế các tỉnh bị bội chi mỗi năm rất nhiều và với số bội chi này BHXH đều bỏ quỹ ra thanh toán. Năm 2016, chúng ta có 51 tỉnh bội chi, số tiền bội chi bù qua bù lại gần 74.000 tỉ đồng. Như vậy phải hiểu là giao dự toán, tính bình quân cả một đơn vị để các đơn vị liệu cơm gắp mắm chứ không phải giao định mức cụ thể từng người” - ông Bằng nhấn mạnh.
Nhấn mạnh ý kiến của ông Bằng, ông Lê Văn Khảm cho rằng người dân không nên hiểu rằng giao định mức là mỗi người dân đến trạm y tế xã khám bệnh thì được quy định xài bao nhiêu tiền. Hiểu lầm này là do một số đơn vị vận dụng quá máy móc và không đúng luật, gây thiệt hại cho người dân.
“Sắp tới chúng tôi sẽ tham mưu để nghiên cứu trình Chính phủ Nghị định 105 về quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật BHYT. Trong nghị định này sẽ không còn cái gọi là giao quỹ cho đơn vị nữa, thay vào đó các cơ sở KCB sẽ thực hiện đúng chức năng, nhiệm vụ chuyên môn của mình. Còn nhiệm vụ giám định trả đúng và tính tổng mức chi phí trên cả năm để đảm bảo quyền lợi thuộc về trách nhiệm của cơ quan BHXH. Giúp các cơ sở KCB không chịu áp lực quá lớn về việc có bao nhiêu tiền để dùng như hiện nay nữa” - ông Khảm nói.