Ngày 31-3, ông Nguyễn Hồng Minh, Tổng Cục trưởng Tổng cục Dạy nghề - Bộ LĐ-TB&XH, khẳng định như vậy tại Hội nghị về công tác tuyển sinh, tổ chức thi tốt nghiệp năm 2016 và phương hướng, nhiệm vụ năm 2017 diễn ra tại TP.HCM.
Hội nghị có đại diện các Sở LĐ-TB&XH, các trường cao đẳng (CĐ), trung cấp từ Thừa Thiên-Huế đến Cà Mau.
Ông Minh cho biết ngoài 30 trường CĐ Sư phạm do Bộ GD&ĐT quản lý, hiện cả nước có gần 2.000 trường CĐ, trung cấp do ngành LĐ-TB&XH quản lý.
Để chuẩn hóa chương trình đào tạo bậc CĐ, trung cấp theo hệ thống giáo dục nghề nghiệp, Bộ LĐ-TB&XH sẽ rà soát mạng lưới dạy nghề chất lượng cả nước. Cùng đó, yêu cầu các trường này phải chuyển đổi chương trình đào tạo theo hệ thống giáo dục nghề nghiệp, trong đó 50% thời lượng dành cho thực hành.
Ngoài ra, Bộ cũng xây dựng lộ trình tự chủ đối với trường công, đến năm 2020 phải hoạt động theo cơ chế tự chủ. Theo đó, hệ thống các trường CĐ, trung cấp được giao toàn quyền tự chủ về cơ cấu, tài chính, hoạt động đào tạo…
“Bộ sẽ siết chặt việc mở ngành, nghề đào tạo tại các trường đảm bảo chất lượng, mở ngành có đúng với hoạt động thực tiễn hay không, chỉ được tuyển sinh ngành đã đăng ký, nếu vi phạm các quy định này sẽ bị phạt nặng” - ông Minh lưu ý.
Ông Phạm Đức Thắng, Phó Vụ trưởng, Vụ Dạy nghề chính quy - Tổng Cục dạy nghề, thông tin năm 2016 các trường CĐ, trung cấp cả nước đã thu hút 2,3 triệu người học nghề. Theo báo cáo của các Sở LĐ-TB&XH các tỉnh, mức lương khởi điểm CĐ nghề là 4,2 triệu đồng/tháng, trung cấp nghề là 3,6 triệu đồng/tháng.
Ông Thằng cho rằng khó khăn trong tuyển sinh nghề là do công tác phân luồng học sinh sau khi tốt nghiệp THCS vào học nghề chưa đạt kết quả. Tỉ lệ học trung cấp đạt khoảng 5%-7%, thấp hơn nhiều do với mục tiêu đặt ra 30% vào năm 2020.
Hội nghị thu hút hàng trăm đại biểu từ các sở LĐ-TB&XH, các trường CĐ, trung cấp các tỉnh thành phía Nam tham dự. Ảnh: P.ĐIỀN
Ngoài ra, một bộ phận xã hội nhận thức chưa đúng và đầy đủ về vai trò của giáo dục nghề nghiệp trong quá trình đào tạo nguồn nhân lực cho phát triển kinh tế-xã hội. Công tác hướng nghiệp trong các trường THPT, THCS chưa được quan tâm đúng mức.
Về công tác tuyển sinh năm 2017, ông Thắng cho biết các trường trong hệ thống giáo dục nghề nghiệp cả nước sẽ thu hút 2,2 triệu người, trong đó trình độ CĐ, trung cấp là 540.000 người, hệ sơ cấp và dưới ba tháng 1,6 triệu người.
Để đảm bảo người học nghề ra trường có việc làm, các cơ sở đào tạo nghề phải phối hợp chặt chẽ với đơn vị sử dụng lao động để hạn chế tình trạng lãng phí cho gia đình, xã hội.
Dự kiến năm 2017, hệ thống giáo dục nghề nghiệp có số sinh viên tốt nghiệp các trình độ đào tạo là 1,9 triệu người, trong đó CĐ, trung cấp là 450.000 người, sơ cấp và dưới ba tháng là 1,4 triệu người.