Theo đại diện Sở Công Thương TP.HCM, một số điểm mới trong dự thảo lần hai là điều kiện thủ tục đăng ký tổ chức bán hàng đa cấp doanh nghiệp (DN) phải có vốn pháp định 10 tỉ đồng, ký quỹ tại ngân hàng thương mại với số tiền 5 tỉ đồng (trước đây ký 1 tỉ đồng). Cơ quan cấp giấy chứng nhận đăng ký tổ chức bán hàng đa cấp sẽ là Bộ Công Thương, thay vì Sở Công Thương.
Quy cấp phép về một mối
Hầu hết DN đều đồng ý việc quy về một mối này để việc quản lý thuận lợi hơn. Riêng với các tỉnh, thành thuộc trung ương, Bộ có thể ủy quyền cho các sở thực hiện theo bộ hồ sơ đăng ký bán hàng đa cấp trước đây đã làm.
Việc xây dựng lại nghị định về bán hàng đa cấp tại Việt Nam là cần thiết nhằm đáp ứng cho sự phát triển lành mạnh của ngành này. Ảnh: Wolfdna.com.
Bà Hạ Trâm, Giám đốc Công ty TNHH Mỹ phẩm Thường Xuân, nói tại Điều 15 quy định trước khi giấy chứng nhận đăng ký tổ chức bán hàng đa cấp hết hiệu lực hai tháng, DN phải thực hiện thủ tục gia hạn. Như vậy nếu hai tháng sau DN hết hiệu lực chứng nhận, trong vòng hai tháng đó DN đã nộp hồ sơ lên để cấp giấy phép mới nhưng Bộ chưa phản hồi thì DN có được hoạt động hay phải chờ đến khi Bộ cấp giấy phép?
Nếu nghị định có hiệu lực, trong thời hạn sáu tháng, các DN đã có giấy phép bán hàng đa cấp bắt buộc phải đăng ký và xin cấp giấy mới trở lại. Theo nhiều DN thì thời hạn sáu tháng là ngắn, gây khó cho DN. Ví dụ, cuối năm 2013 hoặc đầu năm 2014 DN mới có giấy phép từ các sở Công Thương thì vừa làm thủ tục cấp phép xong lại phải xin cấp mới. DN cũng đề nghị có quy trình chuyển đổi tự động sang giấy phép mới có thời hạn năm năm để không ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh hiện tại.
Ký quỹ bao nhiêu là hợp lý?
Từ quy định ký quỹ với mức 1 tỉ đồng nâng lên 5 tỉ đồng, đa số DN đề nghị thay vì ký quỹ bằng tiền mặt nên cho ngân hàng đứng ra bảo lãnh DN với số tiền 5 tỉ đồng, khi có sự việc gì xảy ra vẫn xử lý theo quy định của pháp luật.
Thế nhưng một số chuyên gia lại cho rằng việc ký quỹ 10 tỉ đồng hay 15 tỉ đồng cũng không giải quyết được bài toán thị trường. Việc ký quỹ trước đây là 1 tỉ đồng nay nâng lên 5 tỉ đồng nhằm đảm bảo trách nhiệm sau khi DN bán hàng đa cấp xảy ra sự cố. Thực tế có DN quy mô doanh số năm 10 tỉ đồng vẫn ký quỹ 5 tỉ đồng. Nên chăng giữ mức ký quỹ 1 tỉ đồng nhưng tùy quy mô hoạt động của DN hằng năm mà lấy mức ký quỹ theo phần trăm doanh thu. Ví dụ, quy định tỉ lệ 5% doanh thu thì DN có doanh số 100 tỉ đồng ký 5 tỉ đồng, DN có 10 tỉ đồng thì ký quỹ 500 triệu đồng...
Mặt khác, nếu áp dụng vốn pháp định 10 tỉ đồng thì toàn bộ DN đang có giấy phép phải sang Sở KH&ĐT thay đổi giấy đăng ký kinh doanh, bổ sung vốn pháp định. Hiện nay vốn điều lệ của DN đều dưới 10 tỉ đồng, khi quy định vốn pháp định 10 tỉ đồng cộng với ký quỹ 5 tỉ đồng nữa là 15 tỉ đồng. Trong lúc khó khăn mà cần tới 15 tỉ đồng thì hầu như DN vừa và nhỏ không tiếp cận được phương thức kinh doanh này, dễ kéo theo toàn bộ hệ thống DN đang có giấy phép phải ngưng hoạt động.
Sau buổi lấy ý kiến này, Sở sẽ tổng hợp các đề nghị vướng mắc của DN trình lên Bộ trước ngày 15-9-2013.
Ban hành nghị định mới là cần thiết Theo Cục Quản lý Cạnh tranh, hiện Nghị định 110/2005/NĐ-CP, Thông tư 19/2005/TT-BTM và Thông tư 35/2011/TT-BCT là các văn bản pháp luật đầy đủ nhất quy định về quản lý hoạt động bán hàng đa cấp. Các văn bản này đã được thực thi gần tám năm, tuy nhiên nghị định tới nay bộc lộ nhiều bất cập, gây khó khăn cho các đơn vị quản lý và DN trong việc chấp hành pháp luật. Cục Quản lý Cạnh tranh đã đứng ra chủ trì, xây dựng nghị định về quản lý bán hàng đa cấp thay thế cho các văn bản nêu trên. Bán hàng đa cấp là gì? Trong nghị định về quản lý hoạt động bán hàng đa cấp do Chính phủ ban hành, tại Điều 2 đã định nghĩa: Bán hàng đa cấp là một phương thức tổ chức kinh doanh của DN thông qua nhiều cấp khác nhau, trong đó người tham gia sẽ được hưởng tiền hoa hồng, tiền thưởng và/hoặc lợi ích kinh tế khác từ kết quả bán hàng hóa của mình và của người khác trong mạng lưới do người đó tổ chức ra và được DN bán hàng đa cấp chấp thuận. |
TÚ UYÊN