Chiều 29-7, Tổ công tác của Thủ tướng đã họp với đại diện các bộ, ngành nhằm đôn đốc triển khai nhiệm vụ xây dựng chính phủ điện tử. Nhiều khó khăn, vướng mắc của các bộ, ngành cũng được các đại diện phản ánh tới tổ công tác.
“Triển khai hệ thống thông tin một cửa điện tử, trong đó có tiếp công dân, xử lý đơn thư, Thanh tra Chính phủ (TTCP) đang cố gắng nghiên cứu để đưa ra một quy trình nhưng thực sự là khó” - Phó Tổng TTCP Trần Ngọc Liêm nói.
Theo ông, đã tiếp dân là phải gặp trực tiếp, lắng nghe ý kiến của người dân. “Nghe cụ thể, nghe hết, thậm chí nghe hết rồi vẫn đang còn khó khăn. Quá trình giải quyết khiếu nại, tố cáo thì có những vụ rất lâu, rất dài, phức tạp” - Phó Tổng TTCP nêu thực trạng và khẳng định tiếp dân qua mạng Internet là vấn đề khó. Tuy nhiên, TTCP đang nghiên cứu và cố gắng triển khai việc này để giảm tối đa việc người dân phải đi lại.
Tổ công tác của Chính phủ tại buổi làm việc chiều 29-7. Ảnh: TN
“Tinh thần là vẫn phải làm, vừa tiếp dân truyền thống vừa tiếp dân qua mạng” - Phó Tổng TTCP nói. Ông cho biết TTCP đã lấy ý kiến để xây dựng quy trình tiếp dân qua mạng.
Liên quan đến văn bản điện tử có ký số, Phó Tổng TTCP thừa nhận tỉ lệ thực hiện thấp. Theo ông, hiện cơ sở hạ tầng đang trục trặc, Tập đoàn Viễn thông quân đội Viettel hiện đang nâng cấp và cố gắng đến hết tháng 8 thì chữ ký số của TTCP sẽ thực hiện bảo đảm.
“Ở đây cũng có cái khó. Kết luận thanh tra nếu là mật thì đương nhiên không được đưa lên trục liên thông văn bản quốc gia. Nhưng kết luận không phải mật thì lấy chữ ký số cũng vô cùng khó khăn vì kết luận mấy chục trang, chưa kể kèm theo các tài liệu nữa” - ông Trần Ngọc Liêm phản ánh.
Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Hà Công Tuấn cũng cho biết công việc của các bộ đang nặng hơn. “Vẫn phải ký nháy, ký tươi để lưu đồng thời mất công ký chữ ký điện tử” - ông Tuấn nói và cho rằng đang thời kỳ quá độ nên phải chấp nhận, không thể nhanh hơn được.
Đánh giá việc triển khai xây dựng và phát triển chính phủ điện tử thời gian qua, Phó Chủ nhiệm Văn phòng Nguyễn Cao Lục nhận định quá trình này đã có bước tiến cả về nhận thức và hành động, đạt được nhiều kết quả đáng khích lệ. Tuy nhiên, vẫn có một số nhiệm vụ triển khai chậm và chưa đáp ứng yêu cầu. Đáng chú ý, một số bộ, cơ quan chưa ban hành quy chế tiếp nhận, xử lý, phát hành và quản lý văn bản điện tử; chưa thực hiện đúng quy định về thể thức, hình thức ký số; đặc biệt tỉ lệ văn bản điện tử có ký số gửi qua trục liên thông văn bản quốc gia còn thấp và vẫn còn tình trạng gửi văn bản điện tử ký số không gửi đầy đủ thành phần hồ sơ kèm theo (nếu có) hoặc không được ký số hoặc không chuyển đúng địa chỉ… gây khó khăn trong quá trình tiếp nhận, xử lý văn bản.