Hiện nay, TP.HCM đang thiếu chỗ để xe trầm trọng trong khi các dự án xây dựng bãi xe ngầm dù đã có từ rất lâu nhưng chưa thể triển khai. Mới đây, Nghị quyết 98 của Quốc hội đã cho phép TP được xây dựng nhà để xe tạm thời trên các khu đất do Nhà nước quản lý. TP.HCM đang gấp rút rà soát các khu đất để tiến hành ngay các nhà xe cao tầng theo hình thức lắp ghép. Pháp Luật TP.HCM đã trao đổi thêm với ông Ngô Hải Đường, Trưởng phòng Quản lý khai thác hạ tầng giao thông đường bộ, Sở GTVT TP.HCM, về cách thức triển khai các công trình này.
Vị trí dự kiến làm khu đậu xe thông minh ở Công viên Lê Văn Tám. Ảnh: ĐT |
Nhu cầu chỗ để xe là rất bức thiết
. Phóng viên: Được biết Sở GTVT sẽ triển khai thực hiện các nhà xe lắp ghép thông minh tại khu vực trung tâm TP trước. Vì sao, thưa ông?
+ Ông Ngô Hải Đường: Hiện nay, khu vực trung tâm TP ngoài việc có nhiều công trình thu hút người dân đến mua sắm, làm việc như các trung tâm thương mại, cao ốc văn phòng còn là nơi có nhiều địa điểm du lịch nổi tiếng. Đơn cử như phố đi bộ Nguyễn Huệ, các công viên Bến Bạch Đằng, 23 Tháng 9, 30 Tháng 4, nhà thờ Đức Bà, bưu điện TP.HCM, Thảo Cầm Viên, các bảo tàng... Theo đó, nhu cầu về đỗ xe của người dân tại các công trình, địa điểm này hiện là vấn đề cấp thiết.
Tính đến tháng 6-2023, TP.HCM đang quản lý 9 triệu phương tiện. Trong đó có hơn 900.000 ô tô và hơn 8 triệu mô tô, chưa tính lượng lớn xe vãng lai từ địa phương khác lưu thông trên địa bàn TP.
Hầu hết công trình trong phạm vi bán kính khoảng 500 m xung quanh trục đường Nguyễn Huệ (phạm vi khoảng 104 ha) có bố trí diện tích đỗ xe để phục vụ cho bản thân công trình theo quy chuẩn và không có thiết kế phục vụ công cộng. Ngoại trừ tòa nhà trung tâm thương mại Vincom Center dành thêm 20% diện tích thiết kế phục vụ công cộng. Bên cạnh đó, hiện nay chưa có công trình bãi đỗ xe nào tại khu vực trung tâm TP được triển khai xây dựng.
Mới đây, Quốc hội ban hành Nghị quyết 98/2023 về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP.HCM. Theo đó, tại khoản 10 Điều 6 có quy định về điều kiện chung cấp giấy phép xây dựng có thời hạn đối với các công trình công cộng bao gồm nhà để xe trên đất do Nhà nước quản lý.
Ngay sau khi Nghị quyết 98 ban hành, Sở GTVT đã thành lập tổ công tác để rà soát, báo cáo, đề xuất UBND TP.HCM xem xét các vị trí xây dựng, hình thức đầu tư công trình phù hợp theo quy định của pháp luật để triển khai trong thời gian tới.
“TP.HCM đang quản lý 9 triệu phương tiện. Trong đó có hơn 900.000 ô tô và hơn 8 triệu mô tô, chưa tính một lượng lớn xe vãng lai từ địa phương khác lưu thông trên địa bàn TP.”
Bốn vị trí làm nhà xe lắp ghép cao tầng
. Theo thông tin PV nắm được thì sở đã chọn được bốn điểm xây nhà xe lắp ghép tại khu vực trung tâm. Xin ông thông tin cụ thể hơn về các địa điểm này?
+ Mới đây, Sở GTVT TP.HCM đã có văn bản gửi Sở Xây dựng và các đơn vị liên quan về việc rà soát các vị trí đất do Nhà nước quản lý để làm nhà để xe công cộng lắp ghép thông minh. Vị trí đề xuất phải có hướng tiếp cận thuận lợi, không gây xung đột, ùn tắc giao thông.
Vì lý do như đã trao đổi, trước mắt sẽ tập trung tại các khu vực trung tâm TP, khu vực tập trung đông người. Theo đó, sở đề xuất bốn vị trí có thể xây dựng nhà để xe công cộng lắp ghép gồm: Đường Lê Lai (đoạn từ Phạm Hồng Thái đến đường Nguyễn Thị Nghĩa) tiếp giáp Công viên 23 Tháng 9.
Vị trí thứ hai là đường Hai Bà Trưng đoạn tiếp giáp Công viên Lê Văn Tám (đang tổ chức đỗ ô tô dưới lòng đường có thu phí), quận 1. Vị trí thứ ba là đường Hải Thượng Lãn Ông (đoạn tiếp giáp dải phân cách tim đường gần chợ Kim Biên) và tiếp theo là bến xe buýt Chợ Lớn, quận 5.
. Phương thức xây dựng, vận hành nhà xe cao tầng lắp ghép này được triển khai như thế nào?
+ Hiện nay, về công trình để xe lắp ghép thông minh trên thế giới được chia làm hai hệ thống. Trong đó có hệ tự động và hệ bán tự động. Các nhà đầu tư, chủ đầu tư được cơ quan nhà nước có thẩm quyền chấp thuận sẽ có trách nhiệm đầu tư xây dựng và quản lý vận hành công trình để xe công cộng này theo quy định pháp luật. Các đơn vị sẽ tổ chức đấu thầu đầu tư xây dựng và khai thác, vận hành theo hình thức đối tác công tư.
. Các nhà để xe thông minh này khi hoàn thành và đưa vào khai thác liệu có giải quyết “cơn khát” chỗ đậu xe hiện nay không?
+ Công trình để xe công cộng dạng lắp ghép hệ thống bán tự động có một số mặt thuận lợi như diện tích mặt bằng chiếm dụng nhỏ. Chẳng hạn, diện tích 49 m2 có thể bố trí khoảng 12 ô tô dưới chín chỗ ngồi. Thời gian thi công lắp đặt cũng như tháo dỡ để di dời đến vị trí khác ngắn với khoảng ba tháng. Không chỉ vậy, chi phí đầu tư thấp, thời gian thu hồi vốn nhanh…
Bên cạnh đó, số lượng phương tiện ô tô ngày càng gia tăng, nhu cầu đậu ô tô của người dân rất lớn. Do đó, việc triển khai các công trình này trên đất do Nhà nước quản lý trong thời gian tới là một trong những giải pháp trước mắt để đáp ứng một phần nhu cầu đậu ô tô trên địa bàn TP. Từ đó, góp phần bảo đảm trật tự an toàn giao thông, kéo giảm ùn tắc giao thông.
. Xin cảm ơn ông.•
Hai trong số các điều kiện cấp phép xây dựng tạm
với nhà để xe trên đất công
- Quy mô công trình phù hợp quy chuẩn xây dựng, không làm quá tải hạ tầng và bảo đảm cảnh quan đô thị, thời hạn tồn tại của công trình theo kế hoạch thực hiện quy hoạch đã được duyệt.
- Khi hết thời hạn tồn tại của công trình hoặc khi có yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền, chủ đầu tư cam kết tự phá dỡ công trình, nếu không tự phá dỡ thì bị cưỡng chế và chịu mọi chi phí cho việc phá dỡ. Trường hợp quá thời hạn này mà quy hoạch xây dựng chưa thực hiện, chủ đầu tư được tiếp tục sử dụng công trình đến khi cơ quan nhà nước có thẩm quyền thông báo yêu cầu phá dỡ công trình.
(Khoản 10 Điều 6 Nghị quyết 98/2023)