Bộ Công an đang lấy ý kiến về dự thảo thông tư quy định nhiệm vụ, quyền hạn, hình thức, nội dung và quy trình tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm hành chính về giao thông đường bộ của CSGT (thay thế Thông tư số 01/2016/TT-BCA). Đáng chú ý là lần đầu tiên đã có quy định chi tiết về việc xử lý vi phạm trong lĩnh vực trật tự an toàn giao thông (ATGT) từ hình ảnh do người dân cung cấp.
Hình ảnh phải rõ không gian, thời gian
Theo Bộ Công an, hình ảnh có dấu hiệu vi phạm về trật tự, ATGT được ghi/thu bằng thiết bị kỹ thuật của tổ chức, cá nhân hoặc được đăng tải trên các phương tiện thông tin đại chúng phải đảm bảo các điều kiện: Phản ánh khách quan, trung thực, rõ ràng về không gian, thời gian, địa điểm, đối tượng; còn thời hiệu xử phạt theo quy định của pháp luật xử lý vi phạm hành chính; hình ảnh được đăng trên phương tiện thông tin đại chúng có đăng ký hoạt động theo quy định của pháp luật…
Tổ chức, cá nhân khi ghi nhận được hình ảnh, cung cấp cho đơn vị CSGT nơi xảy ra vụ việc phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về tính xác thực của hình ảnh đã cung cấp.
Đối với CSGT, khi tiếp nhận, thu thập phải xem xét hình ảnh, nếu đảm bảo điều kiện quy định thì ghi chép vào sổ theo dõi, sẽ trực tiếp thực hiện hoặc báo cáo thủ trưởng đơn vị chỉ đạo thực hiện biện pháp xác minh, thu thập các thông tin, tài liệu, tình tiết, chứng cứ chứng minh hành vi vi phạm và xử lý theo quy định của pháp luật.
Trường hợp không thuộc thẩm quyền, tuyến, địa bàn phụ trách thì cán bộ phải chuyển cho đơn vị CSGT có thẩm quyền.
Đặc biệt, thông tư quy định lực lượng CSGT phải bảo đảm bí mật họ tên, địa chỉ, bút tích và thông tin khác của tổ chức, cá nhân đã cung cấp hình ảnh.
CSGT đang kiểm tra đối với tài xế. Ảnh minh họa: TP
Sẽ dùng hình ảnh từ mạng xã hội
Thượng tá Nguyễn Quang Nhật, Phó Trưởng phòng Tuyên truyền, phổ biến pháp luật về trật tự, ATGT (Cục CSGT), cho biết trước khi có dự thảo thông tư nêu trên, trong quá trình xây dựng nghị định sửa đổi Nghị định 46/2016 Bộ Công an đã đề xuất việc xử phạt từ hình ảnh do người dân cung cấp.
“Việc quy định trong thông tư nhằm cụ thể hóa vào văn bản quy phạm pháp luật để phát huy toàn dân phòng, chống vi phạm về trật tự ATGT” - Thượng tá Nhật nói.
Cũng theo ông Nhật, hiện một số đơn vị đã áp dụng việc xử phạt thông qua hình ảnh do người dân, báo chí cung cấp. Nhưng khi thông tư mới của Bộ Công an ra đời với các quy định chặt chẽ như nêu trên, việc này có thể triển khai ở tất cả đơn vị CSGT trên toàn quốc.
“Chúng tôi sẽ mở ra nhiều kênh để tiếp nhận thông tin, như tiếp nhận trực tiếp hoặc email. Ngoài ra, thời gian tới cục sẽ nghiên cứu, đề xuất việc cho CSGT các địa phương tiếp nhận thông tin, hình ảnh vi phạm giao thông qua kênh mạng xã hội” - ông Nhật thông tin.
Bộ GTVT ủng hộ Khi đề nghị sửa đổi Nghị định 46/2016, Sở GTVT Hà Nội và TP.HCM nhiều lần đề xuất cho thanh tra giao thông được xử phạt người vi phạm kết cấu hạ tầng kỹ thuật cầu đường từ hình ảnh do người dân cung cấp hoặc từ hình ảnh từ camera giám sát cầu đường… Bộ GTVT cho rằng trên thực tế, từ hình ảnh của người dân cung cấp, bằng các biện pháp nghiệp vụ, thanh tra giao thông sẽ xử lý kịp thời nhiều hành vi vi phạm nghiêm trọng, gây bức xúc trong dư luận xã hội, xâm hại đến an toàn của cầu, đường... Tuy nhiên, việc quy định sử dụng các hình ảnh do cá nhân, tổ chức cung cấp lại chưa được thể hiện cụ thể trong các văn bản quy phạm pháp luật. Bộ GTVT cho rằng cần thiết phải bổ sung các quy định liên quan đến nội dung này. Hà Nội, TP.HCM đang thí điểm Thực tế, một số đơn vị CSGT đã áp dụng việc xử phạt từ hình ảnh do người dân cung cấp hoặc báo chí đăng tải, trong đó có Hà Nội và TP.HCM đã nâng cao hiệu quả xử lý vi phạm. Tuy nhiên, thực tế cũng gặp khó khăn là hình ảnh không đạt chất lượng, độ rõ nét không đảm bảo, thời gian chụp hành vi vi phạm cũng không đầy đủ… Ngoài ra, với các xe đã mua bán, cho, tặng… nhưng chưa sang tên đổi chủ thì PC08 gặp rất nhiều khó khăn trong việc tìm ra người vi phạm. Một cán bộ PC08 Công an TP Hà Nội |