TP.HCM đã từng xây dựng thành công một con chip “Make in Vietnam”, được xem như là nền móng cho chặng phát triển ngành công nghiệp chip trong tương lai.
Câu chuyện thành công của chip SG8V1
Từ năm 2012, UBND TP.HCM đã khởi động Chương trình phát triển công nghiệp vi mạch TP.HCM giai đoạn 2013-2020, trong đó có mục tiêu rất quan trọng là thiết kế và chế tạo được chip cho ứng dụng các hoạt động sản xuất, kinh doanh.
Mục tiêu này đã được Trung tâm Đào tạo và thiết kế vi mạch (ICDREC) thuộc ĐH Quốc gia TP.HCM hiện thực hóa thành công. Tuy nhiên, chặng đường khởi đầu không đơn giản vì các kỹ sư ICDREC tiến hành trên nền tảng gần như là con số 0, vì Việt Nam (VN) chưa có ngành công nghiệp bán dẫn.
Chỉ mất hơn một năm vừa học vừa làm, ICDREC đã thiết kế thành công chip vi xử lý 8 bit với tên gọi là SG8V1.
“Nhiều người ngạc nhiên tại sao chúng tôi lại bắt tay vào chip 8 bit khi thế giới đã sản xuất đại trà chip 64 bit. Tuy nhiên, với điểm xuất phát thấp, chip 8 bit là khởi đầu tốt nhất để học hỏi. Một khi đã nắm được công nghệ thì việc thiết kế chip phức tạp hơn sẽ không quá khó” - ông Ngô Đức Hoàng, nguyên Giám đốc ICDREC, nhớ lại.
Nhưng để biết được bản thiết kế có đáp ứng các yều cầu đề ra và đưa vào ứng dụng thực tiễn hay không, cần phải chế tạo thành sản phẩm. Đến đây lại vướng chuyện VN không có nhà máy sản xuất chip, phải gửi ra nước ngoài.
ICDREC đã đưa bản thiết kế đến TSMC, một công ty thiết kế và sản xuất chip hàng đầu thế giới tại Đài Loan (Trung Quốc) để gia công với số lượng 150.000 sản phẩm, cùng với kỳ vọng về một niềm tin công nghệ VN sẽ chen chân được với các đại gia trong làng vi mạch.
Khi nhận con chip hoàn thiện, sau khi thử các tính năng, ICDREC nhận thấy chip SG8V1 đã đáp ứng đầy đủ mặt kỹ thuật và đủ khả năng cạnh tranh với các sản phẩm quốc tế khác.
ICDREC tự mình đặt ra bài toán khó khác là phải thương mại hóa chip SG8V1. Trên thế giới, thị trường chip 8 bit vẫn có nhu cầu lớn với mức doanh thu hàng tỉ USD/năm. Tại VN, chip 8 bit ứng dụng rộng rãi trong các thiết bị như giám sát hành trình, điện kế điện tử, máy đo huyết áp, máy điều hòa nhiệt độ… nhưng là chip PIC nhập. Trong khi đó, chip SG8V1 hoàn toàn đảm nhiệm được trái tim của các thiết bị trên bởi đạt độ ổn định cao cả tính năng lẫn hiệu năng.
Ứng dụng trên diện rộng
Thời điểm năm 2013, giá thị trường giữa chip SG8V1 và chip PIC có sự chênh lệch đáng kể. Các công ty VN đang mua chip PIC với giá 75.000 đồng/chip với lô hàng 5.000 chip nhưng SG8V1 giá chỉ 40.000 đồng/chip cho lô hàng có số lượng 1.000 chip.
ICDREC tính toán thị trường thiết bị dân dụng sử dụng vi xử lý 8 bit khoảng 1 triệu chip/năm. Do đó, khi mua 1 triệu chip ngoại với giá 75.000 đồng/chip, mất 75 tỉ đồng, thì với chip SG8V1, chỉ tốn 40 tỉ đồng, tức tiết kiệm được 35 tỉ đồng.
Bài toán chi phí và giá tối ưu đã giúp ICDREC tự tin phát triển chip SG8V1 cho một loạt sản phẩm.
Cụ thể là ICDREC đã hợp tác với Công ty Saigon Track, đưa chip vào các thiết bị định vị GPS và thiết bị giám sát hành trình cho ô tô và xe máy. Chip SG8V1 ứng dụng trên thiết bị XM 100 chống trộm và định vị trên xe máy hay thiết bị X200 giám sát hành trình trên ô tô và đã có thị trường trên 30.000 chip/năm. Hợp tác với công ty điện lực để nhúng chip SG8V1 cho các sản phẩm điện kế điện tử một pha, ba pha. ICDREC còn kết hợp với các công ty xuất khẩu để phát triển sản phẩm khóa điện tử giám sát quản lý container nhằm theo dõi hành trình lẫn chống mất cắp; thiết bị định vị, giám sát hệ thống logistics, thiết bị đo độ ẩm hàng hóa…
Như vậy, ngay khi được thiết kế thành công, chip vi xử lý của VN được chính thức đưa ra thương mại và sản phẩm chip SG8V1 hoàn toàn có khả năng cạnh tranh về tính năng, giá thành so với các chip ngoại nhập. Đến năm 2017, Bộ KH&CN cùng Bộ Tài chính đã đánh giá toàn diện các tính năng cũng như ứng dụng sản phẩm của chip SG8V1. Sau quá trình thẩm định, các sản phẩm của ICDREC được định giá trị gần 300 tỉ đồng.
Ông Nguyễn Minh Tuấn, Chủ tịch Hội Công nghệ vi mạch bán dẫn TP.HCM (HSIA), đánh giá sản phẩm chip vi xử lý đầu tiên của VN SG8V1 đã thể hiện được trí tuệ Việt trong sản phẩm. Điều đó cho thấy các kỹ sư VN nắm vững các công nghệ nền và nghiên cứu các công nghệ mới có khả năng ứng dụng phù hợp với hiện trạng và tiềm năng phát triển của đất nước.
Đây là sự kiện hết sức quan trọng đối với ngành công nghệ cả nước, vì góp phần vào mục tiêu làm chủ công nghệ, đẩy mạnh tỉ lệ nội địa hóa sản phẩm, chuyển dịch cơ cấu kinh tế của TP.HCM cũng như đóng góp tích cực vào quá trình công nghệ hóa, hiện đại hóa đất nước.
“VN hoàn toàn đủ năng lực để thiết kế chip, điều còn thiếu hiện nay là xây dựng nhà máy sản xuất chip. Đáp ứng vấn đề này, VN có thể gia nhập vào nhóm sản xuất chip trên thế giới” - ông Tuấn cho biết.•
Có khoảng 5.000 kỹ sư thiết kế chip
Hiện có khoảng 50 doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực thiết kế chip tại VN với tổng số lao động hơn 5.000 kỹ sư VN và đang có xu hướng tăng chủ yếu tại TP.HCM (85%), Hà Nội (8%), Đà Nẵng (7%).
Việc phát triển hệ sinh thái doanh nghiệp hỗ trợ và đội ngũ kỹ sư thiết kế chip, kỹ sư điện tử sẽ giúp VN dần nâng bậc và tham gia sâu hơn trong các công đoạn trong chuỗi giá trị vi mạch bán dẫn.
Mục tiêu đến năm 2030, Trung tâm Điện tử và vi mạch bán dẫn TP.HCM có thể đào tạo được trên 50.000 kỹ sư thiết kế vi mạch bán dẫn.