Chiều 19-10, bão số 7 đi vào biên giới Việt-Trung và suy yếu. Người dân ở hai địa phương đã quay trở lại với cuộc sống thường nhật. Trong TP, nhiều người dân thư thả đi bộ, mua sắm…
Mong dự báo chính xác hơn
Cùng ngày, theo báo cáo của UBND tỉnh Quảng Ninh, công tác chuẩn bị đón bão số 7 trước đó được chuẩn bị tốt. Sở GD&ĐT tỉnh Quảng Ninh cho 293.000 học sinh nghỉ học; bà con nông dân gặt ngày gặt đêm 5.456 ha lúa; chủ động di dời 7.136 hộ dân khi có tình huống bất lợi; di dời gần 3.000 người vùng ven biển để tránh bão. Sau khi bão không về như dự báo, người dân lại hối hả mưu sinh, làm việc...
Văn phòng UBND TP Hải Phòng cũng ra thông báo thời tiết trên địa bàn TP cũng không có nhiều biến động. Đồng thời phía Hải Phòng (cũng như Quảng Ninh) cho biết địa phương không có thiệt hại gì trong bão số 7.
Tuy nhiên, bão không đi qua Hải Phòng, Quảng Ninh như dự báo cũng khiến cho nhiều người dân khá lo về công tác dự báo. “Chúng tôi gần cảng nên rất cần bản tin dự báo chính xác nhất” - lãnh đạo một công ty tại Hải Phòng bày tỏ nguyện vọng. Đại diện UBND TP Hải Phòng cũng mong muốn có những bản tin dự báo chính xác hơn.
Người dân hối hả gặt lúa tránh bão số 7 nhưng may mắn bão không vào. Ảnh: HĐ
Dự báo hướng đi của bão Haima. (Nguồn: nchmf.gov.vn)
Siêu bão mới tiến vào biển Đông
Chiều 19-10, Trung tâm Khí tượng Thủy văn Trung ương cho biết vị trí tâm siêu bão Haima cách đảo Luzon khoảng 260 km về phía đông. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm siêu bão mạnh cấp 17 (200-220 km/giờ), giật trên cấp 17. Dự báo đến 16 giờ ngày 20-10, vị trí tâm bão cách quần đảo Hoàng Sa khoảng 680 km về phía đông đông bắc. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm bão mạnh cấp 14 (150-165 km/giờ), giật cấp 17.
Trong 24-48 giờ tiếp theo, bão có khả năng đổi hướng di chuyển theo hướng tây bắc, mỗi giờ đi được 20-25 km. Đến 16 giờ ngày 21-10, vị trí tâm bão ở trên đất liền phía Bắc Hong Kong (Trung Quốc). Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm bão mạnh cấp 13 (135-150 km/giờ), giật cấp 16. Do ảnh hưởng của bão, vùng biển phía bắc khu vực bắc biển Đông có gió mạnh cấp 8-11, vùng gần tâm bão đi qua cấp 12-14, giật cấp 17. Biển động dữ dội.
Chủ tịch Quốc hội yêu cầu chống dịch bệnh ở vùng lũ TP.HCM ủng hộ 3 tỉ đồng cho đồng bào vùng lũ Quảng Bình. Sáng 19-10, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đã đi kiểm tra tình hình khắc phục hậu quả lũ lụt; thăm hỏi, trao quà cứu trợ cho người dân huyện miền núi Hương Khê, huyện Vũ Quang (Hà Tĩnh). Chủ tịch Quốc hội mong bà con tiếp tục đoàn kết, giúp đỡ nhau, đặc biệt trong lúc khó khăn, hoạn nạn. Chủ tịch Quốc hội chỉ đạo địa phương phải bảo đảm an ninh, trật tự và bình ổn giá cả các mặt hàng thiết yếu; đảm bảo vệ sinh, phòng chống dịch bệnh và xử lý kịp thời các vấn đề mới nảy sinh sau khi lũ rút.
Đoàn lãnh đạo TP.HCM trao tiền ủng hộ người dân vùng lũ Quảng Bình. Ảnh: CTV • Ngày 19-10, đoàn lãnh đạo TP.HCM do bà Võ Thị Dung, Phó Bí thư Thành ủy TP.HCM và bà Thân Thị Thư, Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy, dẫn đầu đến thăm hỏi bà con trong vùng lũ ở tỉnh Quảng Bình. Đoàn đã trao 3 tỉ đồng cho người dân các vùng rốn lũ ở Quảng Bình. Đây là số tiền do nhân dân, cán bộ, chiến sĩ ở TP.HCM quyên góp, ủng hộ. Cùng ngày, đoàn đến thăm hỏi, trao 200 suất quà (1 triệu đồng/suất) cho bà con vùng rốn lũ ở xã Tiến Hóa, Mai Hóa (huyện Tuyên Hóa) và chín xã vùng nam thị xã Ba Đồn. LỆ THỦY - ĐẮC LAM Hà Tĩnh cần hỗ trợ 2.000 tấn gạo Chiều 19-10, tỉnh Hà Tĩnh không còn gia đình nào bị lũ ngập sâu. Tuy nhiên, hai xã Phương Điền và Phương Mỹ (huyện Hương Khê) vẫn đang bị cô lập, các con đường vẫn đang chìm trong nước. Hàng ngàn người tình nguyện đang giúp người dân dọn bùn, vệ sinh và khôi phục sản xuất. Hiện nay người dân cần hỗ trợ, nhất là các loại giống ngô, lúa, cây ăn quả... Ông Đặng Quốc Khánh, Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh, cho biết Bộ NN&PTNT đã báo cáo, đề xuất Chính phủ hỗ trợ 2.000 tấn gạo và 2.000 tấn giống; hỗ trợ hóa chất tiêu độc, khử trùng môi trường chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản. Ngoài ra, Bộ cũng đề xuất hỗ trợ 50 tỉ đồng để khắc phục nhà cửa cho nhân dân; 200 tỉ đồng để tu sửa, nâng cấp cơ sở hạ tầng bị hư hỏng do mưa lũ… Đ.LAM __________________________________________ Phòng lũ quét sau bão số 7 Theo bản tin cuối cùng về bão số 7 phát lúc 15 giờ ngày 19-10 của Trung tâm Khí tượng Thủy văn Trung ương, áp thấp nhiệt đới suy yếu từ bão số 7 đã đi vào đất liền phía nam tỉnh Quảng Tây (Trung Quốc). Bão số 7 đã gây gió mạnh cấp 8-9, giật cấp 10-11 trên vùng biển bắc vịnh Bắc Bộ, sóng biển cao 3-4 m. Vùng ven biển các tỉnh Quảng Ninh đến Thái Bình đã có gió mạnh cấp 6-7, giật cấp 8. Các tỉnh Quảng Ninh, Lạng Sơn, Cao Bằng đã có mưa to. Dự báo lũ quét và sạt lở đất có nguy cơ xảy ra ở khu vực vùng núi thuộc các tỉnh Quảng Ninh, Lạng Sơn và Cao Bằng. Cấp độ rủi ro thiên tai: Cấp 1. |