Siêu thị tại TP.HCM tiếp tục tăng vận chuyển hàng hóa ra miền Trung

(PLO)- Bộ Công thương yêu cầu các doanh nghiệp phân phối, tăng cường điều phối nguồn cung, tập trung nguồn lực để vận chuyển hàng hóa cung ứng các mặt hàng thiết yếu trong hệ thống phân phối của mình tại các tỉnh miền Trung.

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Ngày 20-9, Bộ trưởng Bộ Công thương ký và ban hành công điện về việc chủ động chuẩn bị dự trữ, cung ứng hàng hóa thiết yếu ứng phó ảnh hưởng cơn bão số 4 (Soulik).

Công điện được gửi Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước, Tổng cục trưởng Tổng cục Quản lý thị trường, Giám đốc Sở Công thương các tỉnh, thành phố Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, Đà Nẵng... các doanh nghiệp (DN) cung ứng, phân phối hàng hóa thiết yếu.

Bộ Công thương yêu cầu Vụ Thị trường trong nước thực hiện công tác điều tiết hàng hóa thiết yếu giữa các tỉnh, thành phố được dự báo tại các vùng, khu vực có nguy cơ bị ngập lụt… với các tỉnh, thành phố khác khi có đề nghị của địa phương.

Ưu tiên điều tiết hàng hóa từ các vùng, khu vực trong tỉnh, thành phố và trong khu vực miền Trung.

vận chuyển hàng hóa
Các siêu thị đảm bảo nguồn cung ứng hàng hóa dồi dào, cam kết giá ổn định

Sở Công thương các tỉnh, thành phố rà soát kế hoạch, phương án dự trữ và cung ứng hàng hóa, vật tư, nhu yếu phẩm để đáp ứng kịp thời nhu cầu trong trường hợp xảy ra thiên tai. Nhất là các mặt hàng thiết yếu như lương thực, thực phẩm (LTTP) nước uống, xăng dầu, vật liệu xây dựng,....

Đôn đốc các DN phân phối hàng hóa, siêu thị, thương nhân phân phối xăng dầu trên địa bàn tham gia cung ứng hàng hóa thiết yếu theo kế hoạch đã được phê duyệt.

Thường xuyên kiểm tra nắm bắt tình hình khu vực có nguy cơ bị cô lập do mưa lũ. Tổ chức bán hàng kịp thời (trong điều kiện đảm bảo an toàn) phục vụ nhu cầu tiêu dùng và phòng chống thiên tai tại địa phương trước trong và sau bão.

Đối với các DN phân phối, tăng cường điều phối nguồn cung, tập trung nguồn lực để vận chuyển hàng hóa cung ứng các mặt hàng thiết yếu trong hệ thống phân phối của mình tại các tỉnh miền Trung. Ưu tiên cung ứng cho các khu vực chịu ảnh hưởng của bão, ngập lụt, chia cắt cục bộ.

Tích cực phối hợp với các đơn vị chức năng, Sở Công thương địa phương bị ảnh hưởng của bão cung cấp hàng hóa cứu trợ, nhu yếu phẩm cho người dân, đặc biệt là tại các địa bàn bị chia cắt.

Đại diện Saigon Co.op cho biết, trước tình hình ảnh hưởng bão số 4, đơn vị đã sẵn sàng kế hoạch ứng phó.

Theo đó, 19 siêu thị Co.opmart, 31 cửa hàng thực phẩm Co.op Food tại khu vực miền Trung từ tỉnh Thanh Hóa đến tỉnh Bình Thuận đã nhanh chóng tăng lượng dự trữ nguồn hàng tăng gấp 3 lần so với ngày thường. Hàng hóa dự trữ gồm gạo, mì gói, đường, nước mắm, dầu ăn, hạt nêm, bột ngọt. Rau xanh, củ quả, thịt heo, bò, gà các loại…

Bên cạnh đó, các trung tâm phân phối Saigon Co.op trên toàn quốc lập kế hoạch vận chuyển, điều tiết nguồn hàng kịp thời cho khu vực miền Trung.

Hơn nữa, hiện nay các siêu thị Co.opmart, Co.op Food khu vực miền Bắc đã nhanh chóng khắc phục hậu quả từ bão số 3, sẵn sàng vận chuyển hàng hóa đã được hệ thống dự trữ từ trước để chi viện chi miền Trung.

Tương tự, từ ngày 19 đến 22-9, MM Mega Market Việt Nam tăng thêm hai chuyến xe vận chuyển hàng hóa gồm rau củ quả, tương đương 10 tấn hàng từ Lâm Đồng đến trung tâm MM Mega Market Đà Nẵng.

Từ Đà Nẵng vận chuyển đi các trung tâm phân phối khác tại miền Trung.

Siêu thị đảm bảo đầy đủ thịt, cá với lượng dự trữ tăng gấp ba lần so với ngày thường. Ngoài ra, thịt, cá đông lạnh nhập khẩu từ 12-15 tấn.

Ngoài ra, các siêu thị cũng cam kết giữ giá bình ổn.

Video đang xem nhiều

Đọc thêm