Các siêu thị có thể cung ứng thực phẩm cả tháng cho phía Bắc

(PLO)- Với năm trạm thu mua, hai kho trữ hàng lớn tại Bình Dương, sáu kho hàng hóa từ miền Trung trở ra, siêu thị MM Mega Market có khả năng cung ứng lên đến một tháng cho miền Bắc.

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Trước tình hình lũ lụt nghiêm trọng tại các tỉnh phía Bắc, các siêu thị tiếp tục tăng cường nguồn hàng hóa, nhất là thực phẩm tươi sống từ Lâm Đồng, Bình Dương đang được vận chuyển liên tục ra Hà Nội.

Đặc biệt, nhiều doanh nghiệp (DN) sản xuất lương thực thực phẩm ở TP.HCM sẵn sàng tăng ca cũng như góp sức đồng hành cùng người dân vượt qua khó khăn.

Nhà cung cấp đang gặp khó khăn trong vận chuyển

Đại diện Saigon Co.op cho biết, bão số 3 gây ảnh hưởng đến một số tỉnh thành miền Bắc dẫn đến gián đoạn chuỗi cung ứng, vận chuyển hàng hóa, đơn vị đã nhanh chóng tăng lượng hàng dự trữ cho khu vực miền Bắc gấp ba lần so với ngày thường.

Trung tâm phân phối tại Bắc Ninh được đặt trong trạng thái khẩn trương nhất, toàn bộ nhân viên được chia ca kíp, tăng ca làm việc để Trung tâm hoạt động 24/24 với nhiệm vụ xử lý và điều phối xe vận chuyển hàng hóa. Số lượng xe được Saigon Co.op điều hướng từ các trung tâm khác đến phục vụ riêng cho thị trường miền Bắc tăng gấp 3 lần.

Ngoài xe chuyên dụng, Trung tâm phân phối Saigon Co.op linh động sử dụng xe tải gọn nhẹ nhằm có thể di chuyển nhanh chóng.

Nhờ vậy, dù một số vùng đang bị ngập nhưng Saigon Co.op vẫn đảm bảo vận chuyển thông suốt toàn quốc đến Trung tâm phân phối miền Bắc và từ Trung tâm đến hệ thống Co.opmart, Co.op Food.

Theo Saigon Co.op, hiện nay rau ăn lá, trái cây chịu ảnh hưởng nhiều nhất nên siêu thị đã tăng cường mặt hàng này từ Đồng Nai, Lâm Đồng, Đà Lạt, một số tỉnh miền Tây Nam Bộ.

"Chúng tôi đã đặt hơn 200 tấn rau muống, cải ngọt, bí đao, cải thảo, dưa leo, cà chua, xà lách… vận chuyển liên tục. Đồng thời, hướng dẫn nhà cung ứng thịt gia súc, thịt gia cầm giao sản phẩm trực tiếp đến siêu thị, vừa đảm chất lượng tươi mát cũng như khai thác tối đa hệ thống vận chuyển của hai bên", đại diện Saigon Co.op cho biết.

Bà Trần Kim Nga, Giám đốc đối ngoại MM Mega Market Việt Nam cho biết, tại siêu thị MM Mega Market Hạ Long do xung quanh mất điện diện rộng nên bà con có nhu cầu mua lẻ những mặt hàng như đèn pin, bếp cồn, bánh mì tươi, mì gói.

Tại Mega Market MM Thăng Long (Hà Nội), chiều tối 10-9, lượng khách tăng đột biến, chủ yếu mua dự trữ các mặt hàng tươi sống, mì, sản phẩm vệ sinh nhà cửa… đặc biệt bánh mì tươi được mua rất nhiều.

Ngày 11-9, do mưa to từ sáng nên khách hàng thưa thớt. Đơn hàng giao bằng xe tải cho khách B2B chậm hơn dự kiến do đường xá bị lụt, khó di chuyển một vài tuyến đường.

Theo bà Nga, những ngày qua tại các siêu thị MM Mega Market phía Bắc giá các mặt hàng thiết yếu vẫn giữ mức ổn định. Những mặt hàng dầu ăn, bột mì, mì gói, đồ hộp, các loại đồ khô… sức mua tăng 50%, có lúc lên đến 80%. Nhu cầu tăng đặc biệt với bánh mì tươi sản xuất tại chỗ. Hàng pin, đèn pin, bếp cồn, cồn khô… được tăng cường và dự kiến nhu cầu sẽ tiếp tục tăng.

Cũng theo bà Nga, từ lâu MM Mega Market đã tập trung xây dựng chuỗi cung ứng khép kín và được củng cố bởi năm trạm thu mua cung ứng hàng hóa, hai kho trữ hàng lớn tại Bình Dương cùng sáu kho giao hàng B2B (Depot) từ miền Trung trở ra Bắc như Phan Thiết, Đồng Hới, Thanh Hóa, Sa Pa…

“Trữ lượng hàng hóa MM có khả năng cung ứng lên đến một tháng cho miền Bắc. Bên cạnh đó, chúng tôi còn có hệ thống xe tải nhỏ giao hàng tại các Depot có khả năng vận chuyển hàng hóa đến các khu vực lân cận”- bà Nga nói.

Tuy nhiên, bà Nga cho biết một số nhà cung cấp hiện đang gặp khó khăn trong vận chuyển hàng hóa, hàng hóa hư hỏng do mưa lũ. Siêu thị thu mua tối đa theo khả năng cung ứng của nhà cung cấp, đồng thời ưu tiên cho các nhà cung cấp có khả năng tập trung hàng hóa tại kho trữ hàng trung tâm của MM tại Bình Dương.

Theo bà Nga, việc di chuyển xe hàng từ Nam ra Bắc và từ các kho miền Bắc đến khách hàng vẫn được đảm bảo và tăng số lượng gấp ba lần. Tuy nhiên không tránh khỏi sẽ có chậm trễ do điều kiện đường xá đang chịu ảnh hưởng của lũ và mưa ở khu vực Trung Bắc Bộ.

kho hàng hóa
Người dân tập trung mua bánh mì tại MM Mega Market Hồng Bàng -Hải Phòng chiều 10-9.

Người dân không mua tích trữ

Bà Trần Thu Quỳnh, Giám đốc thu mua khu vực miền Bắc và miền Trung- Aeon Việt Nam cho biết, tại các Trung tâm Bách hóa tổng hợp và siêu thị Aeon khu vực phía Bắc ghi nhận sức mua tăng mạnh. Nhóm hàng rau xanh, nước và đồ ăn sẵn tăng khoảng 50%. Thịt, cá tươi sống tăng khoảng 30% do khách hàng có xu hướng tích trữ hàng hóa.

Cũng theo bà Quỳnh, tại khu vực phía Bắc đơn vị đã nâng lượng hàng đặt hàng từ nhà cung cấp gấp hai, ba lần. Đặc biệt là các mặt hàng tươi sống như rau, củ, quả các loại, thịt, cá.

Aeon Việt Nam vẫn liên tục làm việc với nhà cung cấp, vận chuyển rau từ Đà Lạt ra miền Bắc. Vì vậy, khách hàng yên tâm mua đủ theo nhu cầu sử dụng, không cần tích trữ, mua gom hàng hóa.

Theo Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công thương) tính đến 11 giờ sáng ngày 11-9, ghi nhận báo cáo của Sở Công thương các tỉnh thành như tại Hải Phòng, các siêu thị nguồn cung hàng hóa tăng 80%-100% ,chủ yếu là các mặt hàng thiết yếu.

Do tâm lý lo ngại mưa lũ, sạt lở tại các tỉnh phía Bắc kéo dài, ngay từ chiều ngày 10-9, người dân vào mua sắm tại các siêu thị tăng đột biến 150%-170% so với ngày thường.

Người dân xếp hàng dài mua thịt, cá, rau xanh, các loại đồ ăn sẵn, bánh mì, sữa, nước. Giá cả hàng hóa tại các siêu thị vẫn ổn định so với ngày thường.

Nhìn chung đối với các khu vực chưa bị ngập lụt, chia cắt tình hình cung ứng hàng hóa vẫn được bảo đảm. Các khu vực bị ngập, lụt, chia cắt, Sở Công thương, các doanh nghiệp đang phối hợp với lực lượng chức năng cung ứng mì, lương khô, bánh mì, nước uống đóng chai đến cho người dân.

Bộ Công thương khuyến cáo người dân bình tĩnh, phối hợp với các cơ quan quản lý nhà nước, lực lượng chức năng khắc phục thiệt hại và dự trữ nhu yếu phẩm đủ dùng. Không tích trữ hàng hóa quá mức cần thiết để ưu tiên các khu vực chịu ảnh hưởng nặng nề do bão gây ra.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm