Sáng 9-9, nhiều siêu thị, cửa hàng tiện lợi, chợ truyền thống trên địa bàn Hà Nội đã hoạt động bình thường sau bão số 3. Nguồn hàng về các chợ truyền thống giữ ở mức tương đối ổn định, cơ bản đáp ứng nhu cầu mua sắm của người dân, giá cả các mặt hàng thực phẩm tăng nhẹ.
Khảo sát của PV tại chợ Đồng Xa (quận Cầu Giấy), chị Cù Thị Lý (tiểu thương kinh doanh mặt hàng rau, củ, quả) cho biết, chị đi nhập hàng từ sáng sớm, nhưng hôm nay lượng rau không nhiều, phần lớn là củ, quả. Trong khi đó, giá cả lại tăng nên chị Lý cũng chỉ lấy 1/2 lượng hàng so với ngày thường.
Đặc biệt các mặt hàng rau như: Rau muống, rau ngót, mồng tơi, cải, giá lên mức 18.000-20.000 đồng/bó; các loại củ, quả có giá dao động 35.000 - 40.000 đồng/kg... "Do mưa bão nên việc thu hoạch của nông dân và vận chuyển hàng hóa của thương lái khó khăn. Các loại củ, quả thì có sẵn nhưng rau khan hiếm nhiều. Bởi vậy mà giá cả đều tăng", chị Lý chia sẻ.
Chị Tuệ Minh (Hồ Tùng Mậu, Cầu Giấy) cho biết, sáng nay khi đi chợ chị không quá bất ngờ với giá rau xanh vì thông thường rau muống 12.000-15.000 đồng/bó, nay tăng lên 20.000 đồng/bó vẫn chấp nhận được. "Mình cũng thông cảm cho tiểu thương và bà con nông dân khi sau mưa bão, các loại rau bị hư hại nhiều".
Trái lại với mặt hàng rau, các mặt hàng thịt lợn, thịt gà, trứng..., giá cả vẫn ổn định như ngày thường. Cụ thể, ghi nhận của phóng viên tại chợ Nguyễn Đồng Chi (Nam Từ Liêm), sườn non, ba chỉ có giá 145.000 đồng/kg; bắp giò, nạc vai có giá 140.000 đồng/kg; mông sấn 120.000-130.000 đồng/kg; thịt gà công nghiệp 80.000 đồng/kg; trứng gà đỏ 25.000 đồng/10 quả...
Theo chia sẻ của một số tiểu thương, do nguồn cung ổn định vì được nhập hàng từ nhiều hộ chăn nuôi lợn, bò, cho nên giá các loại thịt không tăng nhiều trong đợt mưa bão.
Tuy nhiên, theo nhiều tiểu thương tại đây, sản lượng mặt hàng thủy hải sản về các chợ chưa thật sự dồi dào do phần lớn tàu, thuyền phải tránh bão. Hàng về chủ yếu là hải sản đông lạnh, hoặc ốc, ếch, sò...
Theo chị Ngô Liên, kinh doanh mặt hàng hải sản cho hay, bão số 3 khiến nhiều khu vực mất điện, tiểu thương ngành thủy hải sản phải sử dụng máy phát điện để chạy máy sục khí. Vì vậy, một số loại như cá trắm, cá chép có mức giá bán tăng nhẹ từ 1.000-3.000/kg tùy loại.
Còn tại các siêu thị, hàng hóa, thực phẩm liên tục được bổ sung trên các quầy, kệ, có nhiều mặt hàng tươi mới, bảo đảm nhu cầu người dân.
Chị Nguyễn Thị Trang, quản lý điểm siêu thị Winmart trên phố Nguyễn Cơ Thạch (Nam Từ Liêm, Hà Nội) cho biết, do chủ động nguồn rau xanh từ các trang trại, doanh nghiệp thuộc hệ thống công ty chủ quản, cũng như có kết nối nguồn hàng trước với nhiều nhà cung cấp, nên siêu thị không thiếu nguồn rau xanh, thịt cá.
Hệ thống siêu thị đã đặt hàng, tăng lượng dữ trữ hàng hoá thiết yếu 30% so với bình thường, do đó, giá cả hàng hoá không có biến động và các chương trình khuyến mại thúc đẩy tiêu dùng, bình ổn giá, vẫn được triển khai
Khảo sát tại chợ dân sinh ở Hà Nam cho thấy, thị trường thực phẩm tươi sống, rau củ và trái cây khá dồi dào. Tuy nhiên, giá một số loại thực phẩm tăng nhẹ so với trước thời điểm cơn bão số 3 đổ bộ vào đất liền. Và sức mua của người dân hiện tại thấp hơn những ngày trước bão số 3.
Chị Hiền (Tiểu thương kinh doanh rau củ) cho biết, giá rau củ có tăng nhẹ, tầm 2.000-4.000 đồng/mớ tùy loại nhưng không đáng kể so với thời điểm trước khi cơn bão số 3 về.
Tuy vậy, sau cơn bão việc vận chuyển hàng hóa có phần chậm và khó khăn hơn mọi ngày. Chị Nguyễn Phương Mai (phường Lương Khánh Thiện, Hà Nam) cho biết, hôm nay chị ra chợ mua thêm đồ cho con trai đi học tại Hải Phòng. Thực phẩm rau củ quả và cá có tăng nhẹ so với ngày thường nhưng không đáng kể, tôi nghĩ do mưa bão vận chuyển khó khăn hơn.