Tăng tốc đưa trứng, rau, cá...từ miền Nam ra Bắc sau bão Yagi

(PLO)- Do lo ngại bị gián đoạn chuỗi cung ứng có thể xảy ra nếu các vùng như Hải Dương và Mộc Châu bị ngập vì bão Yagi, siêu thị đang tăng dự trữ nguồn hàng thực phẩm.

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Ngay buổi sáng 8-9 sau khi bão số 3 qua đi, các nhà bán lẻ đã mở cửa phục vụ nhu cầu mua sắm cho người dân các khu vực bị ảnh hưởng bão.

Dự báo giá rau quả Đà Lạt sẽ tăng

Là một trong những đơn vị cung cấp rau quả hàng ngày cho thị trường phía Bắc, ông Phạm Quốc Huy, Phó Tổng giám đốc Công ty VietFarm (Lâm Đồng) cho biết: Tại Đà Lạt, các nhà vườn cũng bị ảnh hưởng bởi cơn bão số 3, tuy nhiên chỉ diễn ra cục bộ ở một số điểm trũng.

Một số vườn của công ty cũng bị ảnh hưởng dẫn đến sản lượng rau quả không kịp cung ứng ra thị trường. Dù vậy, hiện nay hoạt động vận chuyển cung ứng thực phẩm tươi sống ra khu vực phía Bắc vẫn diễn ra bình thường.

"Ở chi nhánh miền Bắc của công ty chúng tôi đang phản hồi về tình trạng mất điện ảnh hưởng tới hệ thống điện bảo quản làm mát. Vì vậy, có thể khiến tỉ lệ rau quả hư hỏng hỏng sẽ tăng cao.

Mặt khác, do tâm lý chuẩn bị đón bão nên người dân thường tích lũy lương thực nhiều, tuy nhiên do bão gây ảnh hưởng nặng về hạ tầng điện nên việc trữ nông sản không hiệu quả, vì vậy nhu cầu tiêu dùng sau bão tăng cao"- ông Huy cho hay.

Cũng theo ông Huy, do công ty chủ động về logictics nên cước vận chuyển không tăng, đồng thời công ty đã ký hợp đồng với siêu thị với cam kết giá ổn định. Song, giá thực phẩm tăng nhẹ theo lượng cung mới bổ sung cho thị trường, ví dụ công ty cam kết cung ứng 10 tấn/ngày cho siêu thị, đầu mối với giá 10.000 đồng/kg, nay sản lượng tăng lên 12 tấn/ngày thì giá chỉ tăng 5% cho hai tấn tăng thêm.

“Bên cạnh đó, lâu nay hàng ngày chúng tôi cung cấp cho thị trường khu vực phía Bắc khoảng 3 tấn, sau bão chúng tôi đang đẩy sản lượng lên 5-7 tấn/ ngày. Hơn nữa VietFarm đang phối hợp cùng siêu thị điều tiết hàng hóa từ miền Nam ra miền Bắc nên đảm bảo cung cấp cho người dân thị trường này trong những ngày tiếp theo”- ông Huy chia sẻ.

nguồn hàng thực phẩm
Một nhà vườn tại tỉnh Hải Dương sau bão số 3. Ảnh: PQH

Đại diện Công ty TNHH Sản xuất thương mại nông sản Phong Thúy (Lâm Đồng) thông tin: Đối với thị trường miền Bắc, công ty cung cấp các loại rau quả cho kho tổng của các siêu thị, từ đó các siêu thị phân phối cho hệ thống bán lẻ.

Hàng tuần công ty vận chuyển hai đơn hàng, tương đương khoảng 10 tạ ra miền Bắc và sau bão vẫn đi đều. Hiện nay công ty cung ứng hơn 30 mã hàng cho siêu thị bán ra thị trường miền Bắc như xà lách, các loại bí, đậu cô ve, cà chua, hành tây…

Ông Lê Xuân Huy, Phó Tổng giám đốc Công ty C.P Việt Nam nhìn nhận, nhu cầu tiêu thụ các mặt hàng thực phẩm tươi sống như thịt heo, thịt gà, thực phẩm chế biến tại C.P tăng khoảng 3%-4%.

“Với hệ thống các trang trại chăn nuôi heo ở các tỉnh phía Bắc, nhà máy chế biến khép kín tại Hà Nội cùng kênh phân phối riêng công ty còn cung cấp cho các siêu thị lớn như: Go!, Aeon, VinMart… C.P có nguồn cung dồi dào. Thời gian tới dù một số địa phương vẫn còn khắc phục ảnh hưởng sau bão công ty vẫn đáp ứng đầy đủ”- ông Huy nói.

Theo đánh giá của đại diện DN, do ảnh hưởng bão số 3 các loại rau quả bị hư hại, sản lượng có sụt giảm nhưng hiện tại giá cả chưa biến động nhiều.

Nỗ lực để nguồn cung không bị gián đoạn

Ông Phạm Văn Hùng, Trưởng nhóm thu mua ngành hàng thực phẩm tươi sống Công ty MM Mega Market Việt Nam cho biết, trong một hai tuần tới, do lo ngại sự gián đoạn chuỗi cung ứng có thể xảy ra nếu các vùng như Hải Dương và Mộc Châu bị ngập vì bão Yagi, MM Mega Market đang thực hiện tăng dự trữ nguồn hàng thực phẩm.

"Chúng tôi vẫn nỗ lực duy trì nguồn cung ổn định nhất có thể với cam kết không tăng giá hàng hóa, đặc biệt là các mặt hàng tươi sống thiết yếu như rau củ quả thịt cá. Hiện tại chúng tôi đã tăng gấp ba chuyến xe vận chuyển rau củ quả từ trạm cung ứng ở Lâm Đồng ra các tỉnh phía Bắc. Dự kiến lên đến 40 tấn rau củ trong đêm 8 và 9-9"- ông Hùng cho hay.

MM Mega Market Việt Nam thông tin thêm, với các mặt hàng thịt, siêu thị vẫn đảm bảo nguồn cung thịt heo lớn do có trạm thu mua và trung chuyển thịt heo ngay tại Hà Nội. Từ Hà Nội, chúng tôi sẽ vận chuyển nguồn hàng tươi sống đi khắp các tỉnh Bắc Trung Bộ, đặc biệt như Quảng Ninh, Hải Phòng, Vinh...

Đại diện Saigon Co.op cho biết, hiện nay tại hệ thống siêu thị Co.opmart khu vực miền Bắc, các nhà cung cấp đã giao hàng đầy đủ. Hàng hóa thực phẩm thiết yếu đầy kệ sẵn sàng phục vụ nhu cầu mua sắm của người dân.

Trong khi đó, đại diện Central Retail Việt Nam cũng thông tin, tập đoàn có các tổng kho đặt ở ba miền Bắc, Trung Nam nên nguồn cung không bị gián đoạn. Từ sáng ngày 8-9, các siêu thị miền Bắc như Big C Thăng Long (Hà Nội), GO! Hải Phòng, GO! Hạ Long mở bán bình thường và hàng hóa đáp ứng đầy đủ nhu cầu của khách hàng.

nguồn hàng thực phẩm
Trứng gia cầm tại siêu thị Co.opmart Hà Nội. Ảnh: M.TRANG

Đảm bảo không để xảy ra tình trạng găm hàng, nâng giá bất hợp pháp

Bộ trưởng Bộ Công thương đã ban hành công điện đề nghị UBND các tỉnh, thành phố chỉ đạo Sở Công thương, Cục Quản lý thị trường và các lực lượng chức năng trên địa bàn tập trung triển khai công tác quản lý, giám sát thị trường. Qua đó xử lý nghiêm các hành vi vi phạm, kiên quyết không để tình trạng găm hàng, tăng giá bất hợp lý, đặc biệt là lương thực, thực phẩm, nhu yếu phẩm thiết yếu phục vụ nhu cầu tiêu dùng của người dân trong thời gian sau bão

Phát hiện kịp thời các diễn biến bất thường của hàng hoá lưu thông trên thị trường, nhất là đối với các mặt hàng thiết yếu. Qua đó, đảm bảo không để xảy ra các vi phạm liên quan đến găm hàng, nâng giá bất hợp pháp.

Bộ Công thương cũng cho hay, qua báo cáo từ Sở Công thương các địa phương chịu ảnh hưởng trực tiếp cơn bão số 3 như Quảng Ninh, Hải Phòng, Bắc Giang… cho thấy tình hình cung ứng hàng hóa thiết yếu lương thực, thực phẩm, xăng dầu cơ bản đảm bảo.

Tại Hà Nội hệ thống chợ không có thiệt hại lớn về tài sản, một số chợ bị bung, lật một số mái tôn gây dột cục bộ, vỡ kính thủy lực cây đổ cản trở lối vào… Các chợ đang tích cực khắc phục và thực hiện vệ sinh môi trường xung quanh chợ. Đa số các chợ đã hoạt động trở lại, hàng hóa đảm bảo phục vụ người dân.

Báo cáo của các đơn vị lớn trên địa bàn Hà Nội việc vận chuyển hàng hóa đến các đến các siêu thị, điểm bán bị chậm do cây đổ, tình hình giao thông gặp khó khăn. Tuy nhiên, sáng ngày 8-9, cơ bản các điểm bán đã mở cửa bán hàng bình thường, đảm bảo hàng hóa phục vụ người dân.

Một số các điểm bán hàng bị ảnh hưởng bởi tuyến đường ngập lụt và hoặc có hư hỏng về cơ sở vật chất sẽ hoạt động lại ngay sau khi được khắc phục.

Tại Hải Phòng, các siêu thị, chợ, cây xăng hoạt động bình thường. Một số chợ bị tốc mái hoặc bị ngập phía ngoài đường hoặc cây xanh đổ bên ngoài hoạt động thưa thớt. Một số cửa hàng xăng dầu bị ảnh hưởng đang khắc phục trước khi hoạt động trở lại…

Theo đánh giá của Bộ Công thương, ngày 8-9 nhiều siêu thị, cửa hàng tiện lợi, chợ truyền thống và cửa hàng tạp hóa tiếp tục mở cửa. Tuy nhiên, nhu cầu tiêu dùng trên thị trường sẽ trở lại bình thường, giá cả tại các chợ dân sinh sẽ tăng nhẹ. Những mặt hàng được tiêu thụ nhiều vẫn là thực phẩm mặt hàng thiết yếu.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm