Singapore chỉ mặt băng đảng Trung Quốc trộm đồ trên máy bay


Công dân Trung Quốc Diệp Lương Phúc (Yue Liangfu), 32 tuổi, bị kết án 9 tháng tù giam hồi tháng 7.2013 vì hành vi lấy trộm đồ của hành khách trên chuyến bay của SilkAir cách đó 1 tháng - Ảnh: MediaCorp

Trong vài năm gần đây, các chuyến bay của các hãng hàng không Singapore - gồm Singapore Airlines (SIA), SilkAir và Tigerair - liên tục bị đối mặt với nạn hành khách bị trộm đồ.

Thủ phạm trên phương tiện lưu thông được coi là cao cấp này không ai khác hơn là các công dân Trung Quốc.

Văn phòng Tổng chưởng lý Singapore (AGC) - cơ quan tương đương Viện KSND tối cao của Việt Nam - hôm 31.12 cho hay, cảnh sát nước này đã bắt 47 tên trong năm 2013. Con số của năm 2012 là 36.

Điều đáng lưu ý là trong số các tên trộm này, phần đông đến từ tỉnh Hà Nam. Có 41 tên bị bắt năm 2013 và 29 tên bị bắt năm 2012 đến từ tỉnh trung đông của Trung Quốc này.

AGC tin rằng những tên này thuộc các băng đảng tội phạm có tổ chức.

Truyền thống ăn cắp!

Những con số mà AGC đưa ra không hề làm ngạc nhiên những người đến từ Hoa lục.

Phó giáo sư Lý Minh Giang (Li Ming-jiang) từ Viện nghiên cứu chiến lược quốc tế thuộc Đại học Công Nghệ Nanyang của Singapore nói với báo Straits Times rằng người Hà Nam vốn “nổi tiếng” trộm cắp.

“Tại các thành phố lớn ở Trung Quốc, ấn tượng chung của mọi người là những hành động tội phạm như buôn bán trẻ em, lừa đảo, bán đồ dỏm... nhiều khả năng là do người Hà Nam thực hiện”.

Thầy giáo Diêu Lạc Giang đến từ thành phố Lạc Dương, tỉnh Hà Nam, cũng thừa nhận: “Người Hà Nam xưa nay vốn chẳng có danh giá gì mấy ở Trung Quốc. Nay tin này lại càng đổ thêm dầu vào lửa”.

Là tỉnh đông dân nhất Trung Quốc với hơn 100 triệu người, Hà Nam cũng là một trong những tỉnh có thu nhập bình quân đầu người thấp nhất trong cả nước.

“Độc chiêu” trộm trên máy bay

Qua điều tra nhiều vụ, AGC cũng đúc kết được công thức hoạt động của những tay trộm Hà Nam như sau:

Từ Đại lục, Macau hoặc Hồng Kông, bọn này bay qua Singapore và dừng lại trong vòng một ngày, sau đó bay tiếp sang các nước Đông Nam Á khác, đặc biệt là Indonesia và Campuchia.

Trên mỗi chuyến bay của SIA, SilkAir hay Tigerair, bọn này luôn đi 2 tên.

Chọn lúc các hành khách khác say ngủ, một trong hai tên này sẽ đi mở ngăn hành lý trên đầu hành khách, lấy những chiếc túi có khả năng chứa đồ có giá trị như túi đựng máy tính, túi xách tay.

Tại chỗ ngồi của mình, tay này lục lọi túi xách và lấy đi những tài sản quý giá, đưa cho tên thứ hai, rồi trả túi xách lại chỗ cũ.

Trong nhiều vụ, do tình thế bất lợi, tay trộm không thể giao của lấy cắp cho đồng bọn, nên nhét đại trong nhà vệ sinh trên máy bay.

Đề phòng

Sau quá nhiều vụ trộm lặp đi lặp lại, các hãng hàng không Singapore cho biết trước khi máy bay cất cánh, tổ bay có phát thông báo nhắc hành khách lưu ý những tài sản quý giá, không để trong hành lý ở cabin phía trên đầu, cũng như báo với tiếp viên nếu thấy có hành vi khả nghi.

Bên cạnh đó, tiếp viên của các hãng này cho biết họ cũng tăng cường theo dõi những cử động của hành khách suốt chuyến bay.

Tigerair còn nói họ sẵn sàng cấm bay những tội phạm và nghi phạm mà họ biết.

Trong khi đó, AGC cho hay họ đang theo dõi sát sao chiều hướng của loại tội phạm mới này. “Nếu đà tăng này cứ tiếp diễn và nhận thấy cần phải tăng mức án của loại tội trạng này, chúng tôi sẽ kiến nghị lên tòa án vào thời điểm thích hợp”, đại diện AGC nói.

Hiện tại, theo luật hình sự Singapore, hành vi trộm này này có mức án tối đa 3 năm tù giam và phạt 10.000 SGD (168 triệu đồng).

Cho đến thời điểm này, mức án cao nhất mà tòa Singapore tuyên phạt những tên trộm Trung Quốc là 16 tháng tù giam, được đưa ra hồi tháng 9.2013.

Nghị sĩ Hri Kumar Nair, Chủ tịch Ủy ban Luật pháp và Nội vụ của Quốc hội, ủng hộ việc xử lý nghiêm hơn các tên tội phạm có tổ chức này.

“Những tên này không trộm đồ vì bộc phát lòng tham mà là có kế hoạch chu đáo. Ngoài ra, hành động của chúng còn làm tổn hại ngành hàng không và ngành du lịch vốn đóng vai trò quan trọng trong nền kinh tế của chúng ta. Chưa kể, nó cũng ảnh hưởng uy tín của SIA, vốn là một hãng hàng không danh giá và là biểu tượng của Singapore”, ông Nair nói.

Theo Thục Minh (TNO)

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm

Đọc nhiều
Tiện ích
Tin mới