Mua sắm một bữa, nhịn cả tuần
Ngọc Mỹ (sinh viên năm 1 trường ĐH Kinh Tế - Luật) được ba mẹ “viện trợ” 2 triệu rưỡi mỗi tháng. So với bạn bè cùng trang lứa, Mỹ khá dư dả vì không phải đóng tiền nhà (ở kí túc xá với chi phí không đáng kể), lại được gia đình cho riêng tiền học.
Tuy nhiên, cô bạn luôn than thở: “Hai tuần cuối cùng trong tháng là hai tuần mình cảm thấy chật vật nhất, vì lúc đó mình đã xài hết sạch tiền, phải vay mượn bạn bè rồi đầu tháng trả lại. Vòng lặp cứ tiếp diễn và mãi mình chẳng có dư”.
Hỏi ra mới biết, ngay khi được gia đình gửi tiền, cô nàng sẽ rút sạch để mua quần áo, giày dép, phụ kiện, thậm chí còn làm tóc (dù chẳng cần thiết), đồ ăn, bánh kẹo…
Cô nàng luôn trong tình trạng khó chịu khi…dư tiền và luôn muốn xài hết số tiền hiện có. “Vì tháng nào mình cũng được chu cấp tiền mà, tội gì không xài chứ! Sống là phải…hưởng thụ!”, Ngọc Mỹ nói.
Khác với Ngọc Mỹ, Thanh Vân (sinh viên năm 2 ĐH Công nghiệp) không được gia đình cho nhiều tiền. “Sau khi đóng tiền nhà, tiền mạng, nạp card điện thoại, tiền ăn của mình cũng còn chẳng bao nhiêu.
Là con gái ai mà không thích mua sắm. Cứ hai tuần là mình mua một chiếc áo, một đôi giày hoặc một món phụ kiện nào đó, nhưng rồi phải nhịn ăn cả tuần sau đó. Mình chấp nhận nhịn ăn để được làm đẹp trong khả năng có thể”, Vân chia sẻ.
Các bạn trẻ nên học cách quản lý tiền bạc, tránh tiêu xài hoang phí. (Ảnh minh họa).
Làm thêm vẫn thấy…thiếu thốn
Phương Uyên (sinh viên năm 2 trường ĐH KHXH & NV) ngoài việc được gia đình chu cấp 2 triệu mỗi tháng còn có một khoản tiền kha khá từ việc làm PG. “Nếu chăm chỉ, mình có thể kiếm được 2 triệu nhờ vào công việc part-time này.
Tuy vậy, chẳng tháng nào mình có dư cả. Ngoài việc mua sắm quần áo, mình còn thích la cà quán xá và ăn uống. Có khi trong suốt tuần, mỗi ngày mình chi gần 100 ngàn chỉ để…uống café với bạn bè.
Khi đã tiêu xài phí phạm rồi thì không cách nào tiết kiệm lại được. Vì khi tiết kiệm được một khoản nhỏ, mình đã nghĩ đến chuyện mua sắm và số tiền ấy lại hết veo”, Uyên kể.
Còn Quốc Thành (sinh viên năm 3 CĐ Kinh tế đối ngoại) luôn có 4 triệu mỗi tháng (tính luôn tiền gia đình trợ cấp và tiền làm thêm). Tuy nhiên, do thói quen xài sang nên mỗi lần đi mua sắm, anh chàng đã mất…gần nửa khoản tiền đó.
Thành cho biết: “Mua một chiếc quần jeans thôi cũng cả triệu bạc. Có khi đi sinh nhật bạn bè, mình mất 500 ngàn vào quần áo và 300 ngàn vào quà tặng, chưa kể hay bao bạn bè khi đi chơi nữa”
“Tiêu hoang” - vẫn có thể tiết kiệm
Với những bạn đã mạnh tay “chịu chi” từ trước đến giờ, nếu bảo họ tiết kiệm ngay thì khá khó. Việc tiết kiệm đòi hỏi có một sự kiên nhẫn và chịu khó, biết nghĩ xa. Nếu bạn là người phóng khoáng và chẳng bao giờ có thói quen tiết kiệm, hãy bắt đầu từ những việc đơn giản sau:
- Luôn giữ một khoản nhất định trong thẻ và tuyệt đối không rút khoản này.
- Bạn có thể tự tạo một tài khoản tiết kiệm và gửi tiền dư của mình vào đó mỗi tháng. Việc này sẽ hạn chế tối đa “cơn nghiện mua sắm” của bạn.
- Mua một chiếc ống heo thật to bự để nhét tiền lẻ vào mỗi khi bạn ăn uống hoặc mua sắm. Sau vài tháng, bạn sẽ bất ngờ với số tiền dành dụm được.
- Nếu bạn cảm thấy mình không thể không…tiêu tiền, hãy dùng giải pháp “thanh toán trước”, tức là bạn có thể đóng tiền học trước vài tháng, đóng tiền nhà trước vài tháng, mua những món đồ lưu niệm để tặng bạn bè dần, mua thẻ điện thoại trước để khi nào cần thì nạp…
Việc này giúp bạn giữ lại được một khoản tiền kha khá trong tài khoản đấy. Vì khi đã chi tiêu quá nhiều, bạn có khuynh hướng…ngại chi tiêu thêm nữa.
Sẽ có những lúc bạn rất cần có một khoản tiền tiết kiệm để chi cho những việc đột xuất (học thêm một môn ngoại ngữ, đổi điện thoại, đột nhiên thích mua một món đồ công nghệ…). Khi ấy, bạn sẽ không hối hận vì mình đã từng “dè sẻn chi tiêu” đâu. Chịu chi có thể khiến bạn vui nhưng sẽ có lúc bạn cảm thấy tiếc vì sự “vung tay quá trán” của mình.