Sinh viên thực tập bị bỏ rơi: Thực tập như... món nợ?

Báo Pháp Luật TP.HCM số ra ngày 30-3 có bài “Sinh viên thực tập bị bỏ rơi” phản ánh tình trạng tại một kỳ thực tập tốt nghiệp, nhiều sinh viên như “người thừa” tại các cơ quan, doanh nghiệp khiến sinh viên có tâm lý chán nản với nghề ngay từ khi chưa ra trường.

Tuy nhiên, chuyện không dừng lại ở đây. Không chỉ sinh viên bị “bỏ rơi” mà chính các sinh viên cũng đã tự “bỏ rơi” mình, không quan tâm đến kỳ thực tập, xem đó như một “món nợ đời”. Câu chuyện của những sinh viên đã và đang trải qua kỳ thực tập để minh chứng thêm cho vấn đề này.

Được nhờ photocopy là mừng húm!

Năm 2002, tôi cũng đến kỳ thực tập kế toán. Cũng may, cô bạn tôi có người quen ở công ty bao bì nên cả hai đứa được nhận vào thực tập.

Ở đây, mọi người niềm nở với chúng tôi nhưng phụ việc và sổ sách kế toán thì... không bao giờ! Mỗi tuần ba buổi chiều đến công ty đúng là đáng sợ, phòng máy lạnh mát rượi đến nỗi mắt cứ díp lại. Bởi vậy, mỗi khi được nhờ đi photocopy (ở phòng bên cạnh) là chúng tôi mừng húm vì ít ra cũng có việc để làm, để đi tới đi lui. Cũng may, thỉnh thoảng chị kế toán lại có một vài quyển hóa đơn mới và chúng tôi được phép phụ việc đóng dấu công ty lên các tờ hóa đơn. Chúng tôi cũng lân la, gợi ý chị ơi cho em phụ ghi sổ cái này, cho em phụ ghi chép cái kia... thì chị kế toán luôn ngần ngại, nói “Thôi, để chị làm cho lẹ”.

Các anh chị cũng thường bảo chúng tôi: “Có gì không hiểu thì cứ hỏi”. Lý thuyết thì chúng tôi đã học thuộc hết rồi nhưng không được mó tay vào ghi chép sổ sách thì biết thắc mắc chỗ nào?

Kết thúc kỳ thực tập, tôi cũng có học thêm được nhiều việc nhưng không phải là nghiệp vụ kế toán!

H.L

Thực tập là dịp để... nghỉ ngơi!

Hai năm học tại Trường trung học Văn thư Lưu trữ, học sinh chúng tôi phải trải qua một đợt kiến tập và một đợt thực tập. Trong đợt kiến tập năm ngoái, tình trạng chạy chỗ kiến tập đã diễn ra. Chủ yếu các bạn về quê để kiến tập vì ở quê, gia đình quen biết được nhiều, có thể xin cho các bạn vào kiến tập tại các cơ quan của tỉnh, huyện, xã.

Có được một chỗ ngồi trong cơ quan, có bạn “may mắn” được phân công làm đúng một việc là đóng dấu hoặc photocopy, hết đợt kiến tập mà không được vận dụng một chút kiến thức nào. Nhưng như vậy vẫn tốt hơn những bạn được đưa vào cơ quan chỉ để rót nước, pha trà cho cấp trên hoặc cầm xâu chìa khóa đi mở cửa và đóng cửa.

Đây là chuyện của những bạn do quen biết, xin xỏ để vào kiến tập, còn với những học sinh có người thân ở cơ quan thì vô tư, họ dửng dưng trước việc phải đi thực tập. Ba tháng kiến tập trở thành kỳ nghỉ vui vẻ, đến cuối kỳ họ chỉ cần viết báo cáo và đưa cho người quen nhận xét thật tốt, ký tên, đóng dấu là xong. Báo cáo của họ vẫn rất cao điểm vì họ được người quen viết luôn báo cáo và nhận xét. Bạn nào không có người giúp đỡ đến cỡ đó thì mượn những quyển báo cáo cao điểm của năm trước về photocopy rồi nộp. Điểm vẫn cao như thường!

Năm nay, còn hai tuần nữa là đến đợt thực tập. Lớp tôi ai cũng chuẩn bị về quê, gọi điện thoại cho ba mẹ ở nhà chuẩn bị lo chỗ thực tập. Chỉ còn lại một con số rất ít ở lại thành phố để tự tìm cho mình một cơ hội tiến thân. Và mọi chuyện lại vẫn cứ tiếp diễn...

(tuean188@yahoo.com.vn)

Họ chủ yếu chạy theo điểm số!

Sau khi nhận xét và cho điểm trung bình hai trong số bốn sinh viên thực tập vì không đảm bảo kỷ luật và sự trung thực trong thời gian thực tập, tôi được biết cả hai sinh viên ấy đã bỏ phiếu nhận xét của tôi và xin phiếu ở cơ quan khác. Một người được 9,5 điểm.

Trước đó, hai bạn đã năn nỉ tôi rất dữ để thay đổi điểm. Một bạn nói kết quả thực tập rất quan trọng, sẽ ảnh hưởng đến điểm thi tốt nghiệp và khả năng xin việc làm. Đồng thời, bạn ấy sẽ về Bắc xin việc ở một tờ báo nhỏ nào đó chứ không “dám” ở lại Sài Gòn nữa.

Tôi đã trả lời rằng tôi không thể thay đổi nhận xét trong phiếu thực tập vì đó là kết quả của cả một thời gian theo dõi sát sao việc thực tập cũng như thái độ đối với công việc của các bạn ấy. Nhiều lần trong thời gian thực tập, tôi lấy làm lạ vì các bạn ấy không hỏi gì cả mặc dù tôi luôn nhắc các bạn ấy nên hỏi nếu có vướng mắc việc gì. Thế nhưng hầu như các bạn ấy không hỏi gì hết.

Sau đó, tôi không thấy hai bạn ấy quay lại xin thay đổi nhận xét. Tôi đã hơi mừng. Ai dè tôi mừng hụt. Họ đã tìm được nơi khác dễ dãi hơn tôi...

Một người bạn làm nghề giáo nói tôi sao không dễ dãi một chút, bị điểm trung bình chắc mấy bạn kia ghét tôi lắm. Có thể! Nhưng thực sự tôi không muốn các bạn ấy lại bắt đầu con đường nghề nghiệp cam go này (nếu sau này các bạn đi làm báo) bằng sự không trung thực. Các bạn ấy làm sao có thể giữ gìn sự ngay thẳng của ngòi bút, làm sao có thể nhận ra sự thật và dám bảo vệ sự thật, khi khởi đầu đã là sự không trung thực với chính mình, và khi người hướng dẫn bước đầu làm quen với nghề báo của họ cũng hưởng ứng sự không trung thực đó?

Hoàng Xuân

PGS-TS Nguyễn Đông Phong, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Kinh tế TP.HCM:

Thực tập để sinh viên thể hiện năng lực

Hàng năm, hàng ngàn sinh viên Trường ĐH Kinh tế TP.HCM thực tập tại nhiều cơ quan, doanh nghiệp trong và ngoài nước. Nhà trường luôn khuyến khích sinh viên tự tìm chỗ thực tập đúng ngành mình học. Nếu sinh viên tìm chỗ thực tập không được thì nhà trường tìm hộ thông qua giáo viên phụ trách.

Trong suốt thời gian thực tập, sinh viên làm gì, ở đâu nhà trường không cần phải theo dõi sát sao, chi tiết. Tất cả các ngành của Trường ĐH Kinh tế TP.HCM sinh viên thực tập trên cơ sở kế hoạch cụ thể của giáo viên đưa ra và yêu cầu sinh viên phải hoàn tất khi đến làm việc cụ thể với nơi thực tập. Kết quả thực tập không do đơn vị tiếp nhận sinh viên đánh giá, xếp loại. Dựa trên công việc hoàn thành theo kế hoạch, nơi thực tập đánh giá, nhà trường cho điểm và đánh giá năng lực từng sinh viên. Đào tạo theo nhu cầu, đó là cầu nối giữa nhà trường-sinh viên-doanh nghiệp, sinh viên nào thụ động thì coi như bỏ lỡ một cơ hội...

QUỐC VIỆT ghi

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm