“Sờ gáy” các dự án bỏ hoang đất

“Dự án có tỉ lệ bồi thường dưới 50% sẽ bị hủy bỏ quyết định thu hồi, giao đất hoặc văn bản chấp thuận đầu tư” - đó là tiêu chí xử lý dự án chậm triển khai đã được UBND TP.HCM thông qua. Nhưng qua giám sát tại một số quận/huyện, HĐND TP đặc biệt quan tâm đến loại dự án đã bồi thường xong nhưng chậm triển khai xây dựng. Vấn đề này được các đại biểu HĐND tập trung chất vấn Sở TN&MT trong buổi giám sát việc lập, tổ chức thực hiện và quản lý quy hoạch trên địa bàn TP, ngày 8-5.

Bồi thường 100% cũng bị “trảm”

Trong 1.340 dự án nhà ở trên địa bàn TP, có một lượng lớn dự án đã bồi thường 100% nhưng chủ đầu tư không triển khai xây dựng. Nguyên nhân chủ yếu do thị trường bất động sản đóng băng. Nhiều khu đất bị bỏ hoang, cỏ mọc um tùm gây ô nhiễm môi trường. Ông Nguyễn Văn Trường, Phó Chủ tịch UBND huyện Nhà Bè (có 24 dự án thuộc dạng này), lo lắng: “Các dự án đã bồi thường xong nhưng để hoang đất lâu ngày không chỉ gây lãng phí mà còn có nguy cơ gây cháy rất cao, nhất là trong mùa khô như hiện nay (chủ yếu là cháy cỏ trên diện rộng - PV)”.

Dự án khu dân cư Thăng Long tại xã Bình Hưng, huyện Bình Chánh đã bồi thường 100% nhưng bấy lâu nay vẫn chưa triển khai xây dựng. Ảnh: V.HOA

Trong tháng 4, Sở TN&MT cùng UBND 11 quận, huyện đã trực tiếp làm việc với từng chủ đầu tư có dự án “treo” gây ảnh hưởng lớn đến đời sống người dân. Ngoài những dự án bị thu hồi do tỉ lệ bồi thường thấp, có những dự án dù bồi thường xong mặt bằng nhưng vẫn bị địa phương hoặc Sở TN&MT kiến nghị “trảm” do để hoang đất quá lâu.

Đơn cử như dự án khu nhà ở của Công ty TNHH Nhân Hoài tại phường 16, quận 8. Chủ đầu tư đã hoàn tất việc bồi thường, giải phóng mặt bằng nhưng nhiều năm nay không triển khai xây dựng, cũng không nộp tiền sử dụng đất. Quận 8 đã nhiều lần mời làm việc nhưng chủ đầu tư né tránh. Ngày 2-5, Sở TN&MT đã có văn bản đề nghị TP thu hồi dự án này. Tương tự, dự án khu nhà ở 2 ha tại phường Thới An, quận 12 được giao đất từ năm 2004 nhưng tới nay vẫn không triển khai xây dựng.

“Cần phải mạnh tay với dự án bỏ đất trống quá lâu bởi điều này gây lãng phí tài nguyên đất, ảnh hưởng tới nguồn thu ngân sách của TP” - ông Phạm Văn Bá, Trưởng ban Pháp chế HĐND TP, nhấn mạnh tại buổi giám sát.

Băn khoăn xử lý “hậu thu hồi”

Ý kiến của ông Bá được nhiều đại biểu đồng thuận. Nhưng ông Đào Anh Kiệt, Giám đốc Sở TN&MT, băn khoăn về hướng ra cho dự án sau khi thu hồi. “Nếu không tìm được lối ra cho dự án sau khi thu hồi, rất dễ xảy ra trường hợp Nhà nước dẫm lên vết xe đổ của doanh nghiệp” - ông Kiệt nói.

Sở TN&MT khẳng định các dự án đã bồi thường xong hiện nay khá nhiều. Việc bỏ hoang đất không chỉ gây lãng phí cho xã hội mà chính chủ đầu tư cũng bị thiệt hại. Để xử lý vấn đề này, Sở đề nghị dứt khoát phải thu hồi các dự án mà tổ chức được giao đất không phải bỏ tiền ra bồi thường. Phần đất này sẽ được bổ sung vào quỹ đất của TP để làm nhà ở xã hội, tái định cư, công viên cây xanh…

Còn với các dự án chủ đầu tư phải bỏ toàn bộ chi phí, Sở TN&MT đề xuất cho giãn tiến độ đầu tư để hỗ trợ doanh nghiệp trong bối cảnh khó khăn chung. Sở cũng kiến nghị TP cho phép chủ đầu tư được phép chuyển nhượng, liên danh liên kết cùng thực hiện dự án với điều kiện phải cam kết tiến độ, thời gian thực hiện. “Công tác gia hạn đầu tư sẽ kết thúc trong tháng 5. Trường hợp đã mở hết sức nhưng chủ đầu tư vẫn không thực hiện thì sẽ cho thu hồi dự án” - Sở TN&MT khẳng định.

VIỆT HOA

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm

Đọc nhiều
Tiện ích
Tin mới