Sở GTVT yêu cầu đơn vị kinh doanh vận tải thực hiện 3 giải pháp, 4 lưu ý

(PLO)- Sau khi kiểm tra Công ty TNHH Thành Bưởi, Sở GTVT TP.HCM yêu cầu các đơn vị kinh doanh vận tải khẩn trương thực hiện ba giải pháp, bốn lưu ý.

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Lãnh đạo Sở GTVT TP.HCM cho biết để thực hiện nghiêm các quy định về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải bằng xe ô tô tại Nghị định số 10/2020 của Chính phủ và Thông tư số 12/2020 của Bộ GTVT, sở yêu cầu các đơn vị kinh doanh vận tải khẩn trương thực hiện nhiều giải pháp.

Ba giải pháp

Thứ nhất, Sở GTVT TP.HCM yêu cầu các đơn vị kinh doanh vận tải tổ chức rà soát, chấn chỉnh, giám sát và rút kinh nghiệm trong quá trình tổ chức hoạt động. Từ đó, các đơn vị cần đáp ứng các yêu cầu về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải bằng xe ô tô theo quy định.

van-tai-1.jpg
Sở GTVT yêu cầu các đơn vị kinh doanh vận tải khẩn trương thực hiện ba giải pháp. Ảnh: ĐÀO TRANG

Trong đó, các đơn vị kinh doanh vận tải lưu ý có nơi đỗ xe theo quy định; Người có trình độ chuyên môn về vận tải là người có chứng chỉ sơ cấp chuyên ngành vận tải hoặc có bằng tốt nghiệp trung cấp chuyên ngành vận tải trở lên; xây dựng và thực hiện các nội dung của quy trình đảm bảo an toàn giao thông.

Thứ hai, đơn vị kinh doanh vận tải cần tăng cường rà soát, hoàn thiện tổ chức bộ máy, thiết bị, phần mềm; quản lý điều hành; quy định cụ thể bộ phận quản lý an toàn giao thông và thực hiện đầy đủ theo quy định.

Thứ ba, đơn vị kinh doanh vận tải cần tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến việc chấp hành pháp luật các quy định về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải bằng xe ô tô.

Đồng thời, các đơn vị cần tuân thủ các quy định pháp luật khác có liên quan của cơ quan có thẩm quyền đối với tài xế và nhân viên phục vụ trên xe.

4 nội dung cần lưu ý

Bên cạnh việc khẩn trương thực hiện ba giải pháp trên, các đơn vị kinh doanh vận tải còn phải lưu ý bốn nội dung cụ thể.

Thứ nhất, đơn vị kinh doanh vận tải cần xây dựng và thực hiện kế hoạch về bảo dưỡng kỹ thuật và sửa chữa phương tiện theo quy định tại Thông tư số 53/2014 của Bộ GTVT.

van-tai-2.jpg
Các đơn vị kinh doanh vận tải cần niêm yết thông tin theo quy định. Ảnh: ĐÀO TRANG

Thứ hai, đơn vị kinh doanh vận tải cần lập, cập nhật đầy đủ quá trình hoạt động của phương tiện vào lý lịch phương tiện hoặc phần mềm quản lý phương tiện của đơn vị với các thông tin tối thiểu theo mẫu quy định.

Thứ ba, đối với đơn vị vận tải hành khách theo tuyến cố định cần niêm yết tại quầy bán vé tự bán.

Các thông tin niêm yết gồm có: Tên đơn vị kinh doanh vận tải, tên tuyến, giá vé (giá cước) đã kê khai theo mẫu quy định, lịch xe xuất bến của từng chuyến xe, dịch vụ phục vụ hành khách trên hành trình, khối lượng hành lý miễn cước; niêm yết trên xe; niêm yết trong xe theo quy định.

Các đơn vị kinh doanh vận tải có trách nhiệm quản lý, cấp và kiểm tra việc sử dụng lệnh vận chuyển; lưu trữ lệnh vận chuyển đã thực hiện trong thời gian tối thiểu ba năm.

Thứ tư, đối với đơn vị vận tải hành khách theo hợp đồng, du lịch, các đơn vị cần có hợp đồng vận chuyển bằng văn bản giấy của đơn vị kinh doanh vận tải đã ký kết trước khi thực hiện.

Trong hợp đồng cần có danh sách hành khách có dấu xác nhận của đơn vị kinh doanh vận tải.

Trường hợp sử dụng hợp đồng điện tử, tài xế phải có thiết bị để truy cập; báo cáo nội dung tối thiểu của hợp đồng vận chuyển trước khi thực hiện đến cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền.

Công ty TNHH Thành Bưởi bị xử phạt, tước giấy phép kinh doanh 3 tháng

Ngày 3-11, Thanh tra Sở GTVT TP.HCM đã ban hành quyết định xử phạt đối với Công ty TNHH Thành Bưởi, người đại diện pháp luật của doanh nghiệp là ông Lê Đức Thành - Giám đốc công ty.

Thanh tra Sở GTVT TP kết luận Công ty Thành Bưởi đã có tám hành vi vi phạm hành chính, tổng số tiền phạt là 91 triệu đồng.

Đồng thời, công ty này cũng bị áp dụng hình thức phạt bổ sung là tước quyền sử dụng Giấy phép kinh doanh vận tải bằng xe ô tô trong ba tháng.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm