TP.HCM sẽ kiểm tra đột xuất nhiều doanh nghiệp vận tải

(PLO)- Từ nay đến cuối năm, Sở GTVT TP.HCM sẽ tổ chức kiểm tra toàn diện một số doanh nghiệp vận tải.

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Ngày 3-11, Sở GTVT TP.HCM tổ chức cuộc họp về hoạt động vận tải hành khách liên tỉnh bằng ô tô. Tại đây, Sở GTVT cho biết sẽ quyết liệt xử lý tình trạng “xe dù, bến cóc” cũng như những vấn đề còn tồn tại trong lĩnh vực hoạt động kinh doanh vận tải.

TP.HCM thường xuyên kiểm tra, xử lý

Ông Đỗ Ngọc Hải, Trưởng phòng Quản lý vận tải đường bộ, dù Chính phủ đã ban hành Nghị định 10/2020 về điều kiện kinh doanh vận tải bằng ô tô nhưng nhiều đơn vị vận tải chưa nghiên cứu kỹ các nội dung này. Mặc dù Sở GTVT TP cũng phối hợp với Cục Đường bộ Việt Nam tập huấn, tuyên truyền phổ biến, song qua kiểm tra thấy rằng các doanh nghiệp (DN) vẫn gặp vướng. Đơn cử như tình trạng đón trả khách vẫn thường xuyên diễn ra ở trụ sở, văn phòng đơn vị… Vì vậy, các đơn vị vận tải cần chú ý để chấn chỉnh tình trạng này.

P8_hinhbai__.jpg
Sở GTVT cho biết từ nay tới cuối năm sẽ kiểm tra đột xuất nhiều doanh nghiệp vận tải.
Ảnh: Đ.TRANG

Ông Hải cũng cho biết ngành giao thông TP luôn lập đoàn kiểm tra về tình hình kinh doanh vận tải. Trường hợp vận tải hành khách không có hợp đồng hoặc có mà không đầy đủ, nếu đoàn kiểm tra phát hiện sẽ gửi sang Cục Thuế để giám sát, xử lý theo quy định.

Ông Đàm Phan Phát, Phó Chánh Thanh tra giao thông Sở GTVT, cũng đề nghị các đơn vị vận tải bến xe phối hợp để kiểm tra các điều kiện an toàn khi xuất bến, từ bằng lái xe đến tốc độ di chuyển. Ban an toàn ở các bến xe, đơn vị vận tải phải tự giám sát chặt chẽ.

Ông Trần Quang Lâm, Giám đốc Sở GTVT TP.HCM, cho biết: Về lĩnh vực kinh doanh vận tải bằng ô tô, Chính phủ, Bộ GTVT đã có nhiều công điện, văn bản và triển khai đồng bộ trên cả nước. Riêng TP.HCM đã có Chỉ thị 22 để thiết lập trật tự, an toàn giao thông. Trước khi triển khai chỉ thị này, TP.HCM cũng đã lấy ý kiến của các sở, ngành, địa phương và quy rõ trách nhiệm của các đơn vị.

“Hiện có những DN quản lý rất tốt song cũng có DN ban hành rồi để đó, kiểm tra, giám sát nhưng buông lỏng. Vì vậy, chúng ta cần rút kinh nghiệm để làm tốt hơn, tránh tình trạng cơ quan chức năng kiểm tra, xử phạt mới khắc phục” - ông Lâm nói.

Sở GTVT TP đưa ra nhiều điểm mà các đơn vị vận tải thường xuyên vi phạm là rất chính xác. Tôi kiến nghị TP.HCM cần kiến nghị Cục Đường bộ Việt Nam, Bộ GTVT phân cấp hệ thống GPS về sở để theo dõi, phân tích và cảnh báo vi phạm tới các DN. Trường hợp DN vi phạm cần kiểm tra và xử lý. Bên cạnh đó, TP cần tăng cường “kiềng ba chân” gồm chính quyền địa phương, Sở GTVT và Công an TP để xử phạt “xe dù, bến cóc”.

Ông LÊ TRUNG TÍNH, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô hành khách TP.HCM

Sẽ tiếp tục kiểm tra toàn diện, đột xuất

Ông Trần Quang Lâm cho biết xuyên suốt trong thời gian qua Sở GTVT TP đều kiểm tra định kỳ đối với các đơn vị vận tải và Cục Đường bộ Việt Nam cũng kiểm tra hoạt động quản lý nhà nước đối với Sở GTVT định kỳ. “Như vậy, tại sao vẫn có tình trạng “xe dù, bến cóc”?” - ông Lâm đặt câu hỏi.

Theo ông Lâm, rõ ràng không chỉ riêng TP mà nhiều tỉnh, thành khác đều diễn ra tình trạng “xe dù, bến cóc”. Vậy làm sao để xử lý hết được “xe dù, bến cóc”? Ông cho rằng sẽ vất vả nhưng TP quyết tâm sẽ làm được và bản thân các DN sẽ tự thay đổi, điều chỉnh…

“Thanh tra Sở GTVT TP đã ban hành quyết định xử phạt nhà xe Thành Bưởi với mức độ xử phạt rất nặng. Để đưa ra quyết định này, chúng tôi đã họp với các sở, ngành và nhiều đơn vị khác để cân nhắc, bởi phía sau có rất nhiều cá nhân, hộ gia đình. Tuy nhiên cần xử lý nghiêm để làm gương, cảnh tỉnh và để các DN làm tốt hơn” - ông Lâm nhấn mạnh.

Ông Lâm thông tin sắp tới Sở GTVT TP sẽ thường xuyên đối thoại, trao đổi với các DN và đề nghị các DN ký cam kết dưới sự chứng kiến của Hiệp hội Vận tải hành khách và Ban An toàn giao thông TP. Đồng thời, Sở GTVT TP cũng thành lập một bộ phận lọc dữ liệu từ GPS để theo dõi. Từ nay đến cuối năm, sở cũng lên kế hoạch kiểm tra đột xuất nhiều DN vận tải (như nhà xe Thành Bưởi).

“Vì vậy, tôi đề nghị các đơn vị vận tải tự rà soát các vấn đề về nghĩa vụ thuế, BHXH, khám sức khỏe và các điều kiện hoạt động vận tải trong thời gian tới. Cục Thuế TP.HCM và Sở LĐ-TB&XH cũng sẽ tiến hành kiểm tra các vấn đề trên. Chúng tôi cam kết cố gắng và nỗ lực, cầu thị để làm tốt hơn, đóng góp cho sự phát triển của TP, đảm bảo việc đi lại của người dân thuận lợi hơn” - ông Lâm cho hay.•

Cần kiểm soát xe hợp đồng trá hình

Ông Nguyễn Lâm Hải, Phó ban Bến xe Miền Đông mới, cho biết: Thời gian qua việc hạn chế xe khách giường nằm theo khung giờ vào nội đô TP đã mang lại hiệu quả nhất định, giảm ùn tắc giao thông, giảm đón trả khách trong nội đô. Tuy nhiên, nhiều đơn vị vận tải đường dài thường cho xe xuất bến sau 22 giờ, như vậy không ngăn chặn được việc đón trả khách sai quy định.

Vì vậy, Bến xe Miền Đông mới kiến nghị hạn chế xe khách giường nằm vào nội đô TP 24/24 giờ để đảm bảo trật tự, an toàn giao thông, hạn chế đón trả khách sai quy định.

Ông Nguyễn Mạnh Tuấn, Trưởng phòng Kinh doanh Kumho Samco, nhận định hiện nay đa phần TP chỉ rút phù hiệu “xe dù, bến cóc” hoặc phạt tiền là chưa đủ nghiêm để răn đe nên các nhà xe cứ tái phạm.

Vì vậy, TP cần mời các đơn vị vận tải ký cam kết hoạt động đúng quy định. Trường hợp các DN vận tải cố tình vi phạm, đón trả khách sai quy định, chạy sai loại hình vận tải, TP cần thanh tra, kiểm tra. Trường hợp phát hiện DN đó có dấu hiệu trốn thuế, TP cần gửi hồ sơ qua Công an TP để điều tra và xử lý.

TP cần kiểm soát xe hợp đồng trá hình để đảm bảo cạnh tranh công bằng giữa các DN vận tải và không gây thất thoát ngân sách nhà nước.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm