Thuê bao tự nguyện 50.000/tháng
Buổi sáng tôi đến cơ quan, một đồng nghiệp có con đang học tại Trường tiểu học Kim Đồng (quận Ba Đình, Hà Nội) bức xúc với một thông báo của nhà trường về việc triển khai Sổ liên lạc điện tử. Cô kể về sự cần thiết của Sổ liên lạc điện tử đối với phụ huynh (mà nhà trường liệt kê), nào là: Biết được sự tập trung của con trên lớp, về tinh thần học tập, việc chấp hành kỷ luật, sự tiến bộ… cho đến việc… ăn có hết suất và cả việc nhà trường sẽ thông báo chuẩn bị bài vở, đồ dùng học tập cho đến con “được” nghỉ học do thời tiết, dịch bệnh và các bữa ăn bán trú ngày hôm sau… Trường cũng rất khéo khi yêu cầu phụ huynh phải viết đơn tự nguyện đóng khoản “tiền tin nhắn” này.
Nghe cô kể xong, cả phòng đều thắc mắc, tiện lợi thế thì sao cô phải bức xúc đến vậy, thì thái độ giận dữ của cô càng như thêm dầu vào lửa. Cô bảo: “Nếu ở lứa tuổi cấp 2, sự theo dõi này cũng có phần hợp lý, đằng này, con em mới học cấp 1, hầu hết phụ huynh đều trao đổi trực tiếp với giáo viên chủ nhiệm. Còn về kỷ luật, học sinh cũng chỉ trong khuôn viên nhà trường, có ăn hết suất hay không, cô có thông báo thì cũng chẳng thay đổi được. Lại còn vô lý nữa là nghỉ học do thời tiết thì được thông báo (Sao buồn cười thế, do thời tiết thì TV thông tin ra rả, chờ đến tin nhắn của nhà trường thì con em cũng đã đến trường trong thời tiết giá rét chỉ để nhìn được cái bảng thông báo của nhà trường chắc!). Đã thế, các chị có biết không, phí thu là 50.000đ/thuê bao/tháng?”.
Đây mới là mấu chốt của vấn đề! Cả phòng trố mắt, lặng im giây lát - tất cả cùng đang tính nhẩm trong đầu 50.000đồng/thuê bao/tháng x 60 cháu (tính trung bình sỹ số hiện tại các trường tiểu học hiện nay tại các thành phố lớn). Một tháng nhà trường thu 3 triệu đồng- 9 tháng sẽ là 27 triệu/lớp, con số này nhân tiếp với số lớp trong 1 trường tiểu học sẽ cho ra một con số khổng lồ - là tiền túi của phụ huynh - không phải để đầu tư cho giáo dục - chỉ để biết con em mình hôm đó học hành, ăn ngủ ra sao, những điều hoàn toàn có thể trao đổi với giáo viên, đó vừa là trách nhiệm của nhà trường và phụ huynh, vừa là cách để tạo mối liên hệ cần thiết giữa hai môi trường giáo dục: ở trường và ở nhà.
Phụ huynh có con học Trường tiểu học Kim Đồng cho biết, có trường cũng đã triển khai Sổ liên lạc điện tử, nhưng chỉ ở mức giá 50 nghìn/học kỳ, không hiểu sao trường con của tôi lại thu cao đến thế? Vẫn biết nhà trường cũng có sự liên kết với các nhà mạng, nhà mạng cũng có sự cạnh tranh với nhau nên không thể nào có sự chênh lệch đến mức đó. Vậy nên việc thu tiền với giá cao thế này thì chỉ có thể từ Ban Giám hiệu nhà trường mà thôi. Thế nên, thiết nghĩ, nếu có triển khai, cũng phải là mức phí hợp lý chứ đừng móc túi phụ huynh kiểu như trường này. Nhà có điều kiện thì chẳng đáng gì, nhưng những gia đình bình thường hoặc có hoàn cảnh khó khăn thì đúng là khoản tiền không nhỏ. Đóng thì bực, mà không đóng thì lại sợ con sẽ bị “có vấn đề”.

Năm học mới, học sinh tới trường với bao khoản phí đóng trên vai! (Ảnh minh họa)
Đây là sổ liên lạc điện tử ngoài ra còn vô số vấn đề nhà trường móc túi phụ huynh học sinh,Sở GDĐT và Bộ GD phải tổ chức những đoàn kiểm tra tất cả các trường học ( mời PHHS dự),nếu phát hiện dù chỉ là một sai trái nhỏ cần xử lý ngay.