Chiều 14-10, Thường trực HĐND TP Hà Nội tổ chức phiên giải trình về quản lý, đầu tư hệ thống các công trình hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội trong các khu đô thị, khu nhà ở trên địa bàn.
Tại phiên giải trình, các ĐB HĐND TP Hà Nội nêu vấn đề: Nhiều khu đô thị mới của Hà Nội đang thiếu trầm trọng trường học, bãi đỗ xe, khu vui chơi, vườn hoa, cây xanh. Điều này gây bức xúc dư luận và ảnh hưởng đến đời sống người dân. Đồng thời đề nghị UBND TP Hà Nội, các sở ngành, địa phương liên quan giải trình rõ trách nhiệm và nêu giải pháp khắc phục.
ĐB Trần Khánh Hưng (Ba Vì). Ảnh: TP |
Đặc biệt, ĐB Trần Khánh Hưng (Ba Vì) đề cập đến tình trạng thiếu trường học tại các khu đô thị mới trên địa bàn quận Hoàng Mai.
“Sự việc phải bốc thăm cho các cháu vào trường mẫu giáo Hoàng Liệt (quận Hoàng Mai) gây bức xúc cho cử tri. Đề nghị Chủ tịch UBND quận Hoàng Mai cho biết, trách nhiệm của quận đến đâu và có giải pháp gì để khắc phục?” - ĐB nêu.
Cũng tại phiên giải trình, các ĐB HĐND TP Hà Nội cũng yêu cầu UBND TP Hà Nội và sở ngành liên quan thông tin rõ kết quả các đợt thanh, kiểm tra, áp dụng các chế tài đối với các chủ đầu tư chậm triển khai các công trình hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội.
Giải trình về khu đô thị trên địa bàn thiếu trường học, Chủ tịch UBND quận Hoàng Mai Nguyễn Minh Tâm cho biết quận đã nhiều lần yêu cầu chủ đầu tư đẩy nhanh tiến độ xây dựng dự án, đồng thời đề nghị UBND TP kiên quyết thu hồi các dự án chậm triển khai.
Cụ thể ông Tâm cho hay, các khu đô thị do HUD (Tổng công ty Đầu tư phát triển nhà và đô thị) đầu tư trên địa bàn quận đang thiếu trường học. “Quận đã đề nghị Tổng Công ty HUD bàn giao lại cho TP 7 ô đất quy hoạch xây trường học, 7 ô đất bãi đỗ xe thuộc phường Hoàng Liệt. Nếu được bàn giao các ô đất này, quận Hoàng Mai sẽ đầu tư ngay các công trình để đáp ứng nhu cầu của nhân dân” - ông nói.
Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Dương Đức Tuấn. Ảnh: TP |
Tham gia giải trình, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Dương Đức Tuấn phân tích: “Thực tế nhiều khu đô thị các chủ đầu tư làm hạ tầng kinh doanh trước để có lợi nhuận, sau đó hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội mới chạy theo sau. Trong khi đó, yêu cầu của cơ quan quản lý nhà nước là các công việc này phải được triển khai đồng bộ”.
Cũng theo ông Tuấn, trách nhiệm chính thuộc về phía chủ đầu tư, bên cạnh đó là trách nhiệm đôn đốc, giám sát, quản lý của cơ quan nhà nước. “Hiện nay các quy định pháp luật để xử lý đã có rồi, trong đó có biện pháp mạnh như thu hồi, cưỡng chế đầu tư. Tới đây cần phải rút kinh nghiệm để cương quyết xử lý” - ông Tuấn nhấn mạnh.
Chủ tịch UBND TP Hà Nội Trần Sỹ Thanh. Ảnh: TP |
Còn Chủ tịch UBND TP Hà Nội Trần Sỹ Thanh thì khẳng định công tác giám sát trong quá trình đầu tư và sau đầu tư là có vấn đề. “Trách nhiệm là của UBND TP, các sở. Có buông lỏng, buông lỏng mới thế. Chúng tôi xin nhận trách nhiệm trước nhân dân, trước các đồng chí lãnh đạo và có kế hoạch triển khai cụ thể hơn để HĐND TP giám sát” - ông nói và cho hay để giải quyết tình trạng này phải có giải pháp hài hoà lợi ích của các bên nhà nước, chủ đầu tư và người dân.
Theo báo cáo của UBND TP Hà Nội, TP có 266 dự án khu đô thị, khu nhà ở có quy mô diện tích từ 2 ha trở lên. Trong đó có 98 dự án đã cơ bản hoàn thành, đưa vào khai thác, sử dụng; 168 dự án đang triển khai đầu tư và đầu tư chưa hoàn chỉnh.
Qua rà soát, có 60% khu đô thị rộng từ 2 ha trở lên chưa hoàn thiện hạ tầng xã hội như trường học, trạm y tế nhưng đã cho người dân vào ở.
Đại diện Sở KHĐT Hà Nội cho hay, nguyên nhân để xảy ra tình trạng trên có trách nhiệm của chủ đầu tư trong việc chậm bàn giao hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội. Từ đầu năm 2022 đến nay, Sở này đã tiến hành 36 cuộc thanh, kiểm tra, kết quả xử phạt được hơn 3 tỷ đồng.