Cử tri bức xúc chuyện phường đông dân nhưng thiếu trường học

(PLO)- Nhiều khu dân cư thiếu trường học là do trong quá trình xây dựng, một vài bộ phận đã thiếu sự kiểm tra, giám sát.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Sáng 7-10, tổ đại biểu Quốc hội (ĐBQH) đơn vị số 5, đoàn ĐBQH TP.HCM đã có buổi tiếp xúc cử tri quận Tân Phú trước kỳ họp thứ 4, QH khóa XV.

Tổ ĐBQH đơn vị 5 gồm Thiếu tướng Nguyễn Minh Đức, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội; Phó Giám đốc Sở KH&ĐT TP.HCM Trần Anh Tuấn; Chủ tịch Liên đoàn Lao động TP.HCM Trần Thị Diệu Thúy.

Kiến nghị với đoàn ĐBQH, nhiều cử tri đã đề xuất TP xây thêm trường học để đảm bảo chất lượng giáo dục tốt nhất. Theo cử tri, hiện có nhiều phường đã thành lập hơn 20 năm, mật độ dân cư đông nhưng không có trường tiểu học.

Một cử tri khác phản ánh thực tế việc áp dụng chương trình giáo dục mới, sách giáo khoa mới còn gặp nhiều vướng mắc, lãng phí. Đơn cử, sách giáo khoa in sẵn bài tập, học sinh chỉ việc điền đáp án, sau khi dùng xong thì không thể tái sử dụng.

Cử tri nêu thêm trường hợp có nhiều học sinh học từ lớp 1 đến lớp 4 được giáo viên phê là "Học sinh giỏi" nhưng chưa biết biết làm toán, làm văn. Khi học sinh không học tốt ở trường thì phụ huynh lại bỏ thêm tiền cho cháu đi học thêm, khi ấy vừa tốn tiền của phụ huynh vừa gây áp lực cho các cháu.

Thiếu tướng Nguyễn Minh Đức, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội phát biểu tại hội nghị. Ảnh: BẢO PHƯƠNG

Thiếu tướng Nguyễn Minh Đức, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội phát biểu tại hội nghị. Ảnh: BẢO PHƯƠNG

Trả lời kiến nghị của cử tri, Thiếu tướng Nguyễn Minh Đức, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội nhìn nhận, thực tế tại nhiều TP, đô thị phát triển, khi chính quyền cấp phép xây dựng những dự án, khu dân cư luôn kèm theo quy định là phải có trường học, y tế. Có những khu chung cư có mật độ dân cư đông bằng cả một phường/ xã của vùng nông thôn nhưng lại thiếu đất xây trường học.

“Nguyên nhân của việc này là trong quá trình thực hiện đã thiếu sự kiểm tra, giám sát” - ông Đức nói.

Theo ông Đức, Nhà nước quy định mỗi lớp học chỉ 35 - 40 học sinh nhưng đâu đó có những nơi vẫn thực hiện chưa tốt. Nhiều trường thiếu lớp học dẫn đến việc "nhồi nhét", có lớp học sinh nhiều gấp đôi số lượng cho phép trong khi thiếu giáo viên và chất lượng giáo viên nhiều nơi chưa đáp ứng yêu cầu.

Thiếu tướng Nguyễn Minh Đức cũng cho rằng việc học sinh chưa biết làm văn, làm toán vẫn được lên lớp cao, giáo viên vẫn phê "Học sinh giỏi" là do bệnh thành tích. Đoàn ĐBQH sẽ ghi nhận và truyền đạt ý kiến này đến Bộ trưởng GD&ĐT để có hướng xử lý, khắc phục.

“Trong kỳ họp lần này, chúng tôi sẽ tiếp tục có ý kiến tham mưu và tìm ra những giải pháp tốt nhất để việc phát triển giáo dục càng ngày càng tốt hơn” - Thiếu tướng Nguyễn Minh Đức nói và cho biết hiện QH có một chuyên đề giám sát về vấn đề sách giáo khoa. Chuyên đề này thực hiện nhiệm vụ giám sát để tìm ra những điểm bất hợp lý trong vấn đề sách giáo khoa.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm