Như vậy, hoạt động tạm bợ, không phép của các nhà hàng nổi, du thuyền sau nhiều năm chính thức chấm dứt.
Từ sáng sớm, lực lượng cưỡng chế đã dựng rào chắn phong tỏa mọi con đường dẫn vào khu vực bến thủy Hồ Tây để tiến hành cưỡng chế cầu dẫn, sàn nổi xuống các du thuyền.
Ngõ tắt gần xưởng phim truyện Việt Nam (đi từ đường Thụy Khuê) vào khu vực bến thủy cũng bị dựng rào chắn, phong tỏa.
Sàn nổi dẫn xuống một nhà hàng nổi tại khu vực bến thủy Hồ Tây (đường Nguyễn Đình Thi) đang bị công nhân phá dỡ.
Máy xúc, nhiều phương tiện và hàng trăm người được huy động để cưỡng chế cầu dẫn, sàn nổi của các nhà hàng, du thuyền tại bến thủy Hồ Tây.
Căn lán bảo vệ đầu đường dẫn xuống nhà hàng nổi Eureka đang bị lực lượng công nhân tiến hành phá dỡ.
Công nhân tháo dỡ sàn cầu dẫn vào nhà hàng nổi Potomac tại khu vực bến thủy Hồ Tây.
Lực lượng công nhân phá dỡ cầu dẫn xuống nhà hàng nổi, du thuyền.
Tại hiện trường, Phó Chủ tịch UBND quận Tây Hồ Nguyễn Lê Hoàng cho hay tại khu vực bến thủy Hồ Tây (đường Nguyễn Đình Thi) hiện có sáu đơn vị lắp đặt sàn cứng, cầu dẫn khung thép, đóng cọc cố định xuống lòng hồ mà không được cơ quan có thẩm quyền chấp thuận. Trong đó, bốn đơn vị đã ngừng hoạt động kinh doanh nhưng vẫn neo đậu phương tiện thủy và lắp đặt các công trình khác.
Ngoài ra, có 10 đơn vị vẫn đang hoạt động phương tiện thủy, phục vụ kinh doanh giải trí, ăn uống, nuôi trồng, khai thác thủy sản trong phạm vi Hồ Tây mà không được cấp phép.
“Sau khi tháo dỡ cầu dẫn, sàn nổi, các du thuyền sẽ được đưa về điểm tập kết tại khu vực Đầm Bảy (phường Nhật Tân). Sau đó, chúng tôi sẽ lên kế hoạch tháo, di dời triệt để các phương tiện khỏi Hồ Tây theo chỉ đạo của TP” - ông Hoàng nói.
Trước đó, UBND quận Tây Hồ đã ra “tối hậu thư” yêu cầu các nhà hàng nổi, du thuyền tại khu vực bến thủy Hồ Tây phải di dời trước ngày 10-3, nếu không sẽ bị cưỡng chế. Từ ngày 20-2 đến ngày 10-3, quận cũng sẽ cưỡng chế tháo dỡ khu vực cầu dẫn, sàn nổi dẫn xuống các du thuyền, nhà hàng nổi tại khu vực này.