Di dời nhà hàng nổi Hồ Tây: Nhiều doanh nghiệp kêu cứu

Chủ trương này của Hà Nội nhằm cải tạo, chỉnh trang Hồ Tây thành điểm dịch vụ, du lịch theo chuẩn quốc tế. Ủng hộ chủ trương này nhưng nhiều doanh nghiệp (DN) vẫn kiến nghị được nhận bồi thường, hỗ trợ vì việc chấm dứt hoạt động gây thiệt hại lớn về kinh tế cho họ…

Sàn nổi, cầu dẫn của một nhà hàng nổi tại bến thủy Hồ Tây đang bị tháo dỡ. Ảnh: TRỌNG PHÚ

Chủ nhà nổi, du thuyền “kêu cứu”

Sáng 22-2, đại diện một số DN đang kinh doanh du thuyền, nhà nổi tại bến thủy Hồ Tây (đoạn đường Nguyễn Đình Thi) đã có cuộc gặp gỡ cung cấp thông tin cho báo chí.

Tại cuộc gặp, đại diện một số đơn vị kinh doanh dịch vụ tại đây thừa nhận từ năm 2009 đến nay họ chưa được Sở GTVT TP Hà Nội cấp phép hoạt động bến thủy nội địa trở lại, mặc dù đã nhiều lần làm đơn kiến nghị. Các DN cũng khẳng định sẽ chấp hành chủ trương của TP Hà Nội. Tuy nhiên, họ mong muốn được bồi thường, hỗ trợ kinh phí cho việc chấm dứt hoạt động vì đã đầu tư lớn để kinh doanh tại đây.

Ông Phương Đăng Thắng, Giám đốc Công ty TNHH Du thuyền Hồ Tây, chủ sở hữu của nhà hàng nổi Eureka trên phố Nguyễn Đình Thi, cho hay bản thân ông đã đầu tư vài chục tỉ đồng để kinh doanh tại Hồ Tây nhiều năm nay. DN của ông hoạt động tuân thủ quy định của pháp luật và chủ trương của TP. Tuy nhiên, ông cho rằng việc Hà Nội chấm dứt hoạt động các du thuyền, nhà hàng nổi (tại Thông báo số 38/TB-UBND ngày 7-2 của UBND TP Hà Nội thông báo kết luận của chủ tịch Hà Nội về kết quả kiểm tra toàn diện hoạt động của các DN kinh doanh tại khu vực Hồ Tây và giải quyết kiến nghị của các DN này) là “tước bỏ quyền kinh doanh của các DN”. Vì nếu chấm dứt hoạt động thì nhà hàng nổi của ông chỉ còn cách đưa lên bờ bán sắt vụn.

“Chúng tôi ủng hộ chủ trương của TP, đồng ý lên bờ. Tuy nhiên, đề nghị TP có sự hỗ trợ về tài sản, hỗ trợ về việc mất cơ hội kinh doanh tại Hồ Tây, hỗ trợ cho người lao động mất việc làm…” - ông Thắng nói.

Còn ông Nguyễn Quốc Tuấn, đại diện cho Công ty Cổ phần Nhà nổi Hồ Tây, thì khẳng định DN của ông hoạt động đúng pháp luật, không có vi phạm. Ông Tuấn nói cương quyết: "Nếu bị cưỡng chế, chúng tôi buộc phải kiện ra tòa kinh tế hoặc tòa hành chính".

Du thuyền, nhà nổi hoạt động “chui”     

Theo tìm hiểu của PV Pháp Luật TP.HCM, trước năm 2008 các du thuyền, nhà nổi tại bến thủy Hồ Tây hoạt động tại khu vực dọc đường Thanh Niên. Tháng 5-2008, các nhà nổi này ủng hộ chủ trương chỉnh trang cảnh quan Hồ Tây, phục vụ đại lễ 1000 năm Thăng Long - Hà Nội nên đã về bến thủy Hồ Tây ở vị trí đường Nguyễn Đình Thi hoạt động. Tuy nhiên, bến thủy nội địa này chỉ được Sở GTVT TP Hà Nội cấp phép hoạt động đến tháng 5-2009 thì không gia hạn nữa mặc dù các DN tại đây nhiều lần có đơn xin cấp phép lại.

Năm 2013, Hà Nội giao cho Sở GTVT TP Hà Nội và UBND quận Tây Hồ nghiên cứu đầu tư bến thủy Hồ Tây mới tại khu vực Đầm Bảy (phường Nhật Tân) để di dời các du thuyền, nhà nổi trên Hồ Tây về. Tuy nhiên, đến nay việc này vẫn đang ở giai đoạn “chuẩn bị đầu tư”. Tới tháng 6-2016, Hà Nội quyết định tạm đình chỉ hoạt động của các nhà hàng nổi, du thuyền Hồ Tây để kiểm tra toàn diện hoạt động. Sau vụ “cá chết” Hồ Tây vào tháng 10-2016, Hà Nội có chủ trương cải tạo, chỉnh trang lại Hồ Tây thành điểm du lịch, dịch vụ có tiêu chuẩn quốc tế.

Số phận nhiều nhà hàng nổi, du thuyền tại khu vực bến thủy Hồ Tây (đường Nguyễn Đình Thi) đã chính thức bị định đoạt, phải chấm dứt hoạt động.

Ngày 7-2, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung đã có cuộc làm việc với các DN đang kinh doanh tại Hồ Tây và kết luận: “Chấm dứt hoàn toàn hoạt động của các DN kinh doanh dịch vụ văn hóa, thể thao, du lịch, vui chơi giải trí, nuôi trồng, khai thác thủy sản trong phạm vi quản lý Hồ Tây”. Đồng thời chủ tịch UBND TP Hà Nội cũng chỉ đạo UBND quận Tây Hồ tổ chức di chuyển các tàu thuyền, phương tiện về một điểm tập kết, xây dựng tháo dỡ di dời các phương tiện khỏi Hồ Tây, tháo dỡ cầu dẫn, sàn nổi tại Hồ Tây.

Cũng tại cuộc làm việc này, chủ tịch UNBD TP Hà Nội đã ghi nhận ý kiến của DN. Đặc biệt là nguyện vọng “đóng tàu thuyền đạt tiêu chuẩn quốc tế để đề nghị UBND TP xem xét, lựa chọn cho phép hoạt động khi đáp ứng tiêu chí và phù hợp”.

Trao đổi với Pháp Luật TP.HCM ngày 22-2, ông Phạm Việt Hùng, Chủ tịch UBND phường Thuỵ Khuê, cho hay sáng 23-2, chính quyền quận và phường sẽ thực hiện cưỡng chế phá dỡ các cầu dẫn, sàn nổi dẫn xuống du thuyền, nhà nổi tại khu vực đường Nguyễn Đình Thi.

Theo lãnh đạo phường Thuỵ Khuê, hiện khu vực này có sáu đơn vị lắp đặt sàn cứng, cầu dẫn khung thép, đóng cọc cố định xuống lòng hồ mà không được cơ quan có thẩm quyền chấp thuận. Bốn đơn vị đã ngừng hoạt động kinh doanh nhưng vẫn neo đậu phương tiện thủy và lắp đặt các công trình khác và 10 đơn vị còn lại hiện vẫn đang có hoạt động phương tiện thủy, phục vụ kinh doanh giải trí, ăn uống, nuôi trồng, khai thác thủy sản trong phạm vi Hồ Tây mà không được cấp phép.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm