Ngày 31-5, Tổng thống Mỹ Joe Biden cho biết trên tờ New York Times rằng ông sẽ “cung cấp cho Ukraine các hệ thống tên lửa và đạn dược tiên tiến hơn để giúp nhắm chính xác hơn các mục tiêu quan trọng trên chiến trường Ukraine”. Tuy nhiên, chủ nhân Nhà Trắng cũng khẳng định ông sẽ không gửi loại tên lửa có thể bắn tới lãnh thổ Nga cho Ukraie vì sợ Nga cho rằng đó là một động thái leo thang căng thẳng.
Vậy hệ thống tên lửa tầm xa mà Mỹ sẽ gửi và không gửi đến Ukraine là gì? Chúng có lợi thế ra sao? Và tại sao Ukraine muốn nhận được các hệ thống này từ Mỹ? Chuyên gia Mark F. Cancian – cố vấn cao cấp của Chương trình An ninh Quốc tế thuộc Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS) - có trụ sở ở Washington - đã có bài viết giải đáp những vấn đề này.
Tại sao Ukraine muốn Mỹ gửi hệ thống tên lửa?
Giá trị tuyệt vời của các hệ thống rocket là chúng cung cấp hỏa lực nhanh chóng. Trong vòng khoảng 2 phút, một khẩu đội rocket gồm 9 ống phóng có thể bắn 108 quả, mỗi quả rocket mang đầu đạn nặng khoảng 91 kg.
Các hệ thống rocket này đặc biệt hiệu quả khi chống lại các mục tiêu di động nhưng tạm thời đang đứng yên, chẳng hạn như lực lượng pháo binh của đối phương. Vì các đơn vị pháo binh sẽ phải đứng yên khi bắn nên phải đánh nhanh bằng cách tập trung dồn dập hỏa lực. Đối với mục tiêu này, rocket vượt trội hơn so với pháo vì pháo sẽ mất nhiều thời gian hơn để có đủ hỏa lực cần thiết nhằm phá hủy mục tiêu.
Một góc TP Mariupol, Ukraine bị tàn phá hồi tháng 3-2022. Ảnh: AP |
Trong cuộc chiến này, hỏa lực đối kháng rất quan trọng. Quân Nga đã tận dụng tối đa hỏa lực của mình và là mối đe dọa lớn với Ukraine. Hiện tại, lực lượng pháo binh Nga chính là mũi quân đã gây ra thiệt hại nhiều nhất cho Ukraine.
Mỹ hiện cung cấp cho Ukraine các radar đối kháng để dò tìm pháo Nga nhằm bổ sung năng lực cho các hệ thống tên lửa của Kiev. Các radar này phát hiện quỹ đạo của đạn pháo và tính toán ra tọa độ nơi khai hỏa. Điều này cho phép lực lượng Ukraine phản công nhanh chóng bằng các hệ thống tên lửa phù hợp.
HIMARS và MLRS – hệ thống tên lửa nào sẽ đến Ukraine?
Mỹ có hai hệ thống rocket tầm xa là hệ thống tên lửa phóng nhiều lần (MLRS) và hệ thống tên lửa cơ động cao (HIMARS). Những hệ thống này bắn cùng một loại đạn nhưng sử dụng các phương tiện bắn khác nhau. Mỹ không có hệ thống rocket tầm trung hoặc tầm ngắn tương đương với pháo phản lực BM-21 “Grad” 122 mm của Nga.
Có nhiều khả năng là HIMARS sẽ được Mỹ cung cấp cho Ukraine. Hệ thống gồm một chiếc xe tải hạng nặng để chở một bệ gồm 6 ống phóng và nó gần như tương đương với pháo phản lực BM-27 Uragan của Nga đã được triển khai tới Ukraine. Mặc dù xe tải chở bệ phóng không có khả năng di chuyển xuyên quốc gia trên nhiều địa hình như xe bánh xích nhưng nó dễ bảo trì hơn nhiều.
Hệ thống tên lửa cơ động cao (HIMARS). Ảnh: ARMY RECOGNITION |
Còn MLRS sử dụng một phương tiện bọc thép để chở hai bệ phóng. Hệ thống này tương đương với pháo phản lực nhiều nòng BM-30 Smerch của Nga hiện cũng đã được triển khai ở Ukraine. Xe chở MLRS có thể đi qua những địa hình khó hơn nhưng hệ thống này lớn hơn và nặng hơn HIMARS. Kích thước và trọng lượng lớn đồng nghĩa với việc hệ thống này phức tạp hơn và có thể chậm được đưa đến Ukraine.
Các hệ thống rocket này ban đầu mang theo loại đạn được gọi là Đạn thông thường cải tiến có mục đích kép (DPICM), thường được gọi là bom chùm. Mỗi tên lửa chứa 518 hoặc 644 quả bom tùy loại, rải ra trên một khu vực rộng khiến chúng có sức công phá lớn.
Tuy nhiên, Hiệp định chống mìn sát thương cá nhân Ottawa lại cấm những loại vũ khí sát thương này cho nên Mỹ đã thay thế phiên bản DPICM bằng phiên bản đầu đạn đơn nhất, tức là có một đầu đạn lớn duy nhất chứ không phải là nhiều quả bom nhỏ. Do đó, Ukraine gần như sẽ nhận được phiên bản đầu đạn đơn nhất.
Hai hệ thống này có thể bắn tên lửa uy lực vươn tới Nga?
Hệ thống HIMARS và MLRS có thể bắn một loại đạn đặc biệt có tầm bắn cực xa là tên lửa của hệ thống Tên lửa Chiến thuật Lục quân (ATACMS). Phạm vi bắn của loại rocket này khoảng 305 km, chi phí là 1 triệu USD mỗi hệ thống, mặc dù việc sản xuất đã ngừng từ cuối những năm 2000.
Mục đích của một loại vũ khí tầm xa và đắt tiền như vậy là tấn công các mục tiêu chiến lược có giá trị cao như sở chỉ huy, các cứ điểm hậu cần hoặc sân bay.
Hệ thống tên lửa phóng nhiều lần (MLRS). Ảnh: CSIS |
Trong khi các rocket MLRS thông thường có thể tấn công hầu hết mục tiêu ở Ukraine hiện đang bị quân Nga kiểm soát thì các rocket ATACMS sẽ có thể bay đến những mục tiêu nằm trên lãnh thổ Nga - nơi mà lực lượng không quân Ukraine hiện không thể tiếp cận do năng lực hạn chế.
Tuy nhiên, sẽ là một sự leo thang căng thẳng đáng kể nếu Mỹ gửi loại đạn đặc biệt này cho Ukraine. Mặc dù quân đội Ukraine đã tiến hành một số cuộc không kích vào lãnh thổ Nga nhưng số lượng rất ít. Với việc Mỹ cung cấp đạn tầm xa để Ukraine có thể với tới lãnh thổ Nga sẽ được coi là một tín hiệu mở rộng cuộc chiến, Mỹ đã tham chiến và khiến Nga phản ứng gắt hơn.
Những thách thức mà Ukraine có thể gặp phải
Ukraine hiện đang nhận được một loạt các trang thiết bị quân sự mới. Trong những ngày đầu, trang bị chủ yếu là các loại đạn và vũ khí dễ sử dụng như Javelin, vũ khí chống tăng hạng nhẹ thế hệ mới (NLAW) và Stinger.
Việc Mỹ gửi những hệ thống rocket hiện đại này cho Ukraine có thể khiến Kiev gặp khó khăn vì không có kinh nghiệm sử dụng, bảo dưỡng. Mặc dù Mỹ và các nước NATO khác đã tổ chức đào tạo nhưng việc đào tạo nhanh chóng trong thời chiến là một thách thức và công việc bảo trì cũng rất khó tiến hành giữa xung đột.
Chính quyền ông Biden đã nói rằng họ sẽ đưa ra quyết định trong tuần này về loại thiết bị sẽ cung cấp cho Ukraine. Tuy nhiên, có thể đoán được là Mỹ sẽ cung cấp hệ thống HIMARS với các tên lửa thông thường nhưng không cung cấp rocket tầm cực xa ATACMS.