Sở TN&MT TP.HCM kiến nghị bỏ kế hoạch sử dụng đất hàng năm

(PLO)- Ông Nguyễn Toàn Thắng, Giám đốc Sở TN&MT cho rằng, đã có quy hoạch sử dụng đất 10 năm, kế hoạch sử dụng đất 5 năm được duyệt và quy hoạch xây dựng đô thị thì không nhất thiết phải lập kế hoạch sử dụng đất hàng năm.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

“Với nhiều vướng mắc, bất cập trong công tác thực hiện kế hoạch sử dụng đất (SDĐ) hàng năm nên rất khó để hoàn thành công tác này trước 31-12 của năm trước để làm cơ sở thực hiện cho năm sau”- ông Nguyễn Toàn Thắng, Giám đốc Sở TN&MT TP.HCM cho biết tại buổi giám sát của Ban Đô thị, HĐND TP về việc thực hiện công tác thu hồi đất, chuyển mục đích SDĐ đối với các dự án đã có nghị quyết của HĐND TP.

Kế hoạch sử dụng đất năm nào cũng chậm phê duyệt

Theo bà Nguyễn Thị Thanh Vân, Trưởng Ban Đô thị, HĐND TP, kế hoạch SDĐ hàng năm tại các quận, huyện năm nào cũng chậm trễ.

Theo quy định, kế hoạch SDĐ cấp huyện của năm nay thì sẽ phải được duyệt vào 31-12 của năm trước. Tuy nhiên, đa phần, kế hoạch SDĐ của các quận, huyện và TP Thủ Đức được duyệt vào quý 2, quý 3 hàng năm. Thậm chí, đến thời điểm này là quý 4 nhưng kế hoạch SDĐ vẫn chưa được duyệt.

Theo bà Nguyễn Thị Thanh Vân, Trưởng ban Đô thị, HĐND TP, kế hoạch sử dụng đất hàng năm tại các quận huyện năm nào cũng chậm trễ. Ảnh VH

Theo bà Nguyễn Thị Thanh Vân, Trưởng ban Đô thị, HĐND TP, kế hoạch sử dụng đất hàng năm tại các quận huyện năm nào cũng chậm trễ. Ảnh VH

Trước đó, khi Ban Đô thị, HĐND TP giám sát tại huyện Củ Chi, huyện Bình Chánh, TP Thủ Đức thì đều được biết, kế hoạch sử dụng đất của các địa phương này chưa được duyệt. Các địa phương cho rằng chậm thực hiện vì phải chờ Sở hướng dẫn đơn giá đấu thầu để chọn đơn vị tư vấn hoặc quận, huyện phải “nán” lại chờ dự án được bố trí vốn để đưa vào kế hoạch SDĐ…

Kiến nghị bỏ kế hoạch sử dụng đất hàng năm

Giải trình về việc chậm phê duyệt kế hoạch SDĐ, ông Nguyễn Toàn Thắng cho biết, hiện nay công tác này chậm chủ yếu là do ba khâu.

Thứ nhất là khâu đấu thầu lựa chọn đơn vị tư vấn lập kế hoạch SDĐ. Ở khâu này liên quan đến tài chính nhưng nhiều khi đơn vị thực hiện lại không có chuyên môn, trong khi đó, thông tư quy định về nội dung này lại thay đổi liên tục. Mới đây nhất là Thông tư 11/2022 vừa được ban hành để thay thế Thông tư 136 trước đó.

Ông Nguyễn Toàn Thắng, Giám đốc Sở TN&MT giải trình tại cuộc họp. Ảnh VH

Ông Nguyễn Toàn Thắng, Giám đốc Sở TN&MT giải trình tại cuộc họp. Ảnh VH

“Ngay ở khâu đầu tiên là quận, huyện đã bế tắc rồi, nhiều khi lựa chọn hoài chưa chọn được đơn vị tư vấn chứ chưa nói đến phải hoàn thiện kế hoạch SDĐ để chuyển lên Sở. Đây là khâu quận, huyện thường bị chậm nhất và TP cũng phải chờ các quận, huyện”- ông Thắng nói.

Khâu thứ hai khi đã chọn được đơn vị tư vấn rồi, nhiều địa phương phải thông qua ban thường vụ hoặc thông qua HĐND vì đối với các địa phương, kế hoạch SDĐ hàng năm là cơ sở rất quan trọng trong việc phát triển kinh tế - xã hội. Trong khi đó, theo ông Thắng, việc chuyển qua ban thường vụ hay qua HĐND không có trong quy trình, thủ tục.

Khâu thứ ba theo ông Thắng là quá trình duyệt các dự án thì quận, huyện muốn chờ một số dự án được cấp vốn để đưa vào kế hoạch SDĐ. Vì nếu đưa dự án ra khỏi kế hoạch SDĐ mà sau đó dự án được ghi vốn thì không có cơ sở để triển khai. Bởi theo quy định của Luật Đất đai, một trong những điều kiện để thực hiện dự án là phải có trong kế hoạch SDĐ hàng năm được duyệt.

Ông Thắng cho rằng, với những bất cập, vướng mắc như hiện nay thì rất khó để phê duyệt kế hoạch SDĐ hàng năm trước ngày 31-12. Theo ông Thắng, TP.HCM đã từng kiến nghị Bộ TN&MT bỏ việc lập kế hoạch SDĐ hàng năm.

Lý do là hiện nay TP đã có kế hoạch SDĐ 5 năm được duyệt, có quy hoạch SDĐ kỳ 10 năm và có quy hoạch xây dựng đô thị. Vì vậy, ông Thắng cho rằng, lập kế hoạch SDĐ rất có thể là mang tính hình thức.

Trong khi đó, cả TP, Sở ngành và địa phương hàng năm đều phải lo tập trung để lập, thẩm định và phê duyệt kế hoạch SDĐ. Vừa làm xong kế hoạch SDĐ của năm nay, đã chuẩn bị để lập, thẩm định, phê duyệt kế hoạch SDĐ của năm sau, rất mất thời gian và lãng phí.

Ông Thắng cho biết, Sở TN&MT đã kiến nghị Bộ TN&MT đưa nội dung này vào chương trình sửa đổi Luật Đất đai sắp tới.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm