Số vụ án và bị can bị khởi tố tội tham nhũng tăng gần gấp đôi so với năm 2022

(PLO)- Đã xử lý kỷ luật 183 tổ chức Đảng và 6.302 đảng viên có hành vi tham nhũng, suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống; Trong năm 2023, khởi tố mới 697 vụ án/1.982 bị can (tăng gấp 1,8 lần so với năm 2022)

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Ngày 10-1, Ban Nội chính Trung ương tổ chức hội nghị trực tuyến tổng kết công tác ngành Nội chính Đảng và Ban Chỉ đạo phòng, chống tham nhũng, tiêu cực (Ban Chỉ đạo) cấp tỉnh năm 2023, phương hướng, nhiệm vụ năm 2024.

tham nhũng
Thường trực Ban Bí thư Trương Thị Mai cùng chủ trì hội nghị công tác phòng chống tham nhũng tiêu cực. Ảnh: TTXVN

Miễn nhiệm hơn 350 cán bộ uy tín thấp

Năm 2023 trong điều kiện có nhiều thời cơ, thuận lợi và khó khăn, thách thức đan xen nhưng công tác phòng chống tham nhũng, tiêu cực (PCTNTC) ở các địa phương đạt nhiều kết quả quan trọng.

Qua kiểm tra, giám sát đã xử lý, kiến nghị xử lý kỷ luật 183 tổ chức Đảng và 6.302 đảng viên có hành vi tham nhũng, suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống; trong đó, nhiều cán bộ, đảng viên là lãnh đạo chủ chốt của địa phương.

Chuyển 74 vụ việc có dấu hiệu tội phạm sang cơ quan điều tra có thẩm quyền để điều tra, xử lý theo quy định của pháp luật. Qua đó, góp phần quan trọng siết chặt kỷ luật, kỷ cương; bảo đảm sự nghiêm minh, đồng bộ, kịp thời giữa kỷ luật của Đảng với xử lý hành chính và xử lý hình sự đối với cán bộ, đảng viên vi phạm.

Ngoài việc kiểm tra, giám sát , các Ban Chỉ đạo cấp tỉnh đã chỉ đạo, quán triệt thực hiện chủ trương khuyến khích và bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung, đề cao tinh thần trách nhiệm, gắn với việc luân chuyển, đánh giá, đề bạt cán bộ.

Tham mưu ban hành văn bản chấn chỉnh, xử lý tình trạng làm việc cầm chừng, đùn đẩy, né tránh, sợ trách nhiệm không dám làm của cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức ở địa phương, như: Bắc Giang, Hà Giang, TP HCM.

Đặc biệt, đã chỉ đạo thực hiện nghiêm các quy định về xử lý cán bộ sau khi bị kỷ luật, xem xét cho từ chức, miễn nhiệm, thay thế những cán bộ bị kỷ luật, năng lực hạn chế, uy tín thấp.

Trong năm 2023, các tỉnh, thành trong cả nước đã xem xét cho thôi chức vụ đảng, bố trí công tác khác, miễn nhiệm chức vụ đối với 364 trường hợp cán bộ sau khi bị kỷ luật, năng lực hạn chế, uy tín thấp…

Ban Chỉ đạo cấp tỉnh đã chỉ đạo rà soát, quyết định đưa 192 vụ án, 71 vụ việc tham nhũng, tiêu cực phức tạp, dư luận xã hội quan tâm xảy ra trên địa bàn vào diện theo dõi, chỉ đạo. Đến tháng 12-2023, đã kết thúc chỉ đạo, xử lý 129 vụ án, vụ việc.

Trong năm 2023, 62/63 địa phương có án tham nhũng, khởi tố mới với 697 vụ án/1.982 bị can (tăng gấp 1,8 lần so với năm 2022); số cán bộ, đảng viên bị khởi tố do hành vi tiêu cực là 1.014 bị can.

tham-nhung-6476.png
Nhiều vụ việc tham nhũng, tiêu cực nổi cộm bị xử lý. Trong ảnh là cảnh CQĐT Bộ Công an khám xét nhà riêng một cán bộ lãnh đạo ở Bình Thuận. Ảnh PĐ.

Trong đó, các địa phương đã chỉ đạo sát sao việc quán triệt chủ trương của Ban Chỉ đạo Trung ương và hướng dẫn của VKSND tối cao về phân loại xử lý các đối tượng vi phạm trong các vụ án, vụ việc liên quan đến Công ty Việt Á và các công ty trung gian, đơn vị, cơ sở y tế để thống nhất xử lý, đảm bảo khách quan, thận trọng, công bằng, công tâm.

Chỉ đạo điều tra làm rõ các sai phạm của tổ chức, cá nhân liên quan, thực hiện chủ trương phân hóa theo tiêu chí của liên ngành tố tụng Trung ương và pháp luật của Nhà nước, quy định của Đảng đối với các vụ án xảy ra trong lĩnh vực đăng kiểm tại địa phương.

Đặc biệt, nhiều Ban Chỉ đạo cấp tỉnh đã quyết liệt, chỉ đạo xử lý nghiêm nhiều cán bộ lãnh đạo chủ chốt của địa phương, cả đương chức và đã nghỉ hưu liên quan đến các vụ án, vụ việc theo đúng chỉ đạo của Trung ương "không có vùng cấm, không có ngoại lệ, bất kể người đó là ai".

Năm 2024, đẩy nhanh tiến độ điều tra, truy tố, xét xử... nhiều vụ án

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, một số Ban Chỉ đạo cấp tỉnh chưa thực sự nền nếp, bài bản; có lúc, có nơi còn chưa thực sự quyết liệt trong lãnh đạo, chỉ đạo xử lý các vụ án, vụ việc và thực hiện các kết luận của Ban Chỉ đạo Trung ương.

noichinh1-6422-8374.jpg
Trưởng Ban Nội chính Trung ương Phan Đình Trạc (đứng) làm việc với Ban Thường vụ Tỉnh ủy Bình Thuận về công tác nội chính, phòng chống tham nhũng, tiêu cực và cải cách tư pháp năm 2022 và quý 1/2023. Ảnh NT.

Có Ban Chỉ đạo chưa thực sự quyết liệt trong chỉ đạo xử lý các vụ án, vụ việc và cán bộ, đảng viên sai phạm; vẫn còn địa phương trong năm 2023 không có án tham nhũng khởi tố mới như tỉnh Quảng Trị.

Không ít địa phương xảy ra tham nhũng, tiêu cực nghiêm trọng, phức tạp nhưng do cơ quan chức năng của Trung ương phát hiện xử lý (như An Giang,......).

Nguyên nhân là do Ban Chỉ đạo một số địa phương chưa thực sự chủ động, quyết liệt trong thực hiện chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn được giao; còn tâm lý nể nang, né tránh, ngại va chạm trong lãnh đạo, chỉ đạo.

Ban Chỉ đạo Trung ương yêu cầu năm 2024, tập trung chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án; xử lý nghiêm minh các vụ án, vụ việc tham nhũng, tiêu cực; nâng cao hơn nữa hiệu quả thu hồi tài sản tham nhũng.

Tập trung chỉ đạo tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong công tác giám định, định giá ... để đẩy nhanh tiến độ điều tra, xử lý các vụ án, vụ việc tham nhũng, tiêu cực trên địa bàn tỉnh, nhất là vụ án, vụ việc diện Ban Chỉ đạo theo dõi, chỉ đạo xử lý và các vụ án, vụ việc theo chỉ đạo của Ban Chỉ đạo Trung ương để khởi tố đúng quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước.

Không để công tác giám định, định giá ảnh hưởng đến tiến độ giải quyết vụ án, vụ việc; chú trọng phát hiện, xử lý các vụ án, vụ việc tham nhũng, tiêu cực mới; chỉ đạo các cơ quan chức năng tiếp tục thực hiện tốt cơ chế phối hợp phát hiện, xử lý sai phạm trong quá trình kiểm tra, giám sát, điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án…

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm