Ngày 4-1, ông Đoàn Anh Dũng, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận, đã ký công văn gửi các cơ quan trong tỉnh về tiếp tục nâng cao hiệu quả công tác phòng chống tham nhũng, tiêu cực trên địa bàn.
Tăng điểm nhưng giảm 10 bậc so năm 2021
Công văn nêu ngày 6-11-2023, Thanh tra Chính phủ công bố điểm đánh giá công tác phòng, chống tham nhũng năm 2022 và tỉnh Bình Thuận đạt 61.31/100 điểm, tăng 1.41 điểm nhưng giảm 10 bậc so với năm 2021.
Qua đánh giá công tác phòng, chống tham nhũng cấp tỉnh năm 2022, có một số nội dung không đạt điểm hoặc đạt điểm thấp so với Bộ chỉ số của Thanh tra Chính phủ, làm ảnh hưởng điểm số và thứ bậc xếp hạng của tỉnh so với phạm vi toàn quốc.
Để tiếp tục nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trên địa bàn tỉnh và cải thiện điểm số hàng năm, Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu các cơ quan, đơn vị, địa phương khẩn trương tự kiểm tra, rà soát các tiêu chí của Bộ chỉ số để đề ra biện pháp khắc phục những hạn chế, thiếu sót.
Đặc biệt là các tiêu chí không đạt điểm hoặc điểm thấp trong kết quả chấm điểm phòng chống tham nhũng năm 2022 vừa công bố.
Thực hiện nghiêm túc, đồng bộ, hiệu quả các giải pháp phòng ngừa tham nhũng, tiêu cực; trong đó, chú trọng việc thực hiện các quy định pháp luật về công khai, minh bạch về tổ chức và hoạt động của cơ quan, tổ chức, đơn vị; công khai việc thực hiện chính sách, pháp luật đối với các nội dung mà pháp luật quy định phải công khai, minh bạch.
Công khai đăng tải trên trang thông tin điện tử, niêm yết tại trụ sở; hình thức công khai phải đảm bảo minh bạch, chính xác, rõ ràng, đầy đủ, kịp thời, đúng trình tự, thủ tục, thời gian theo quy định để nhân dân biết, theo dõi, giám sát. ̣
Thực hiện đầy đủ, kịp thời, hiệu quả nội dung các chương trình, kế hoạch theo chỉ đạo của Tỉnh ủy, UBND tỉnh. Tiếp tục tuyên truyền, phổ biến kịp thời các văn bản quy phạm pháp luật, văn bản liên quan để cán bộ, công chức, viên chức, người lao động và nhân dân hiểu, thực hiện và giám sát, phản ánh về những hành vi tham nhũng, tiêu cực.
Rà soát tiêu chí của Bộ chỉ số để khắc phục thiếu sót
Hàng năm, xây dựng kế hoạch để tổ chức kiểm tra rà soát nhằm phát hiện, ngăn chặn, xử lý tình trạng có xung đột lợi ích trong thực hiện nhiệm vụ, công vụ của cán bộ công chức, viên chức thuộc phạm vi quản lý theo quy định. Trường hợp phát hiện có dấu hiệu xảy ra xung đột lợi ích phải báo cáo, xử lý kịp thời, đúng quy định pháp luật.
Nâng cao chất lượng công tác thanh tra, kiểm tra, tập trung vào những lĩnh vực dễ phát sinh tham nhũng, tiêu cực như: Xây dựng cơ bản, đấu giá, đấu thầu, quy hoạch, quản lý, sử dụng đất đai, quản lý tài chính, tài sản công…
Qua công tác thanh tra, kiểm tra chủ động rà soát để phát hiện những sơ hở, bất cập về cơ chế, chính sách trong quản lý, kịp thời kiến nghị cơ quan có thẩm quyền sửa đổi, hoàn thiện các cơ chế, chính sách pháp luật nhằm triệt tiêu các điều kiện phát sinh tham nhũng, tiêu cực…
Các cơ quan công an, VKSND, TAND các cấp và các cơ quan có liên quan tăng cường phối hợp để nâng cao chất lượng, đẩy nhanh tiến độ điều tra, truy tố, xét xử, giải quyết dứt điểm các vụ án tham nhũng, tiêu cực mới phát sinh cũng như các vụ việc còn tồn đọng, dư luận xã hội quan tâm, nhất là các vụ án, vụ việc tham nhũng, tiêu cực thuộc diện Ban Thường vụ Tỉnh ủy chỉ đạo, Ban Nội chính Tỉnh ủy theo dõi…
Kịp thời bảo vệ, tôn vinh, biểu dương, khen thưởng các cá nhân, tập thể tích cực, dũng cảm trong đấu tranh, phát hiện, tố cáo hành vi tham nhũng…
Theo công bố của Thanh tra Chính phủ về điểm đánh giá công tác phòng, chống tham nhũng năm 2022 thì Bình Thuận xếp thứ 52 (giảm 10 bậc); Vĩnh Phúc, Tiền Giang, TPHCM, Quảng Ninh, Đồng Nai là 5 địa phương có số điểm cao nhất; Phú Yên là tỉnh xếp thấp nhất, đứng thứ 63.
Cà Mau là tỉnh không giữ được kết quả của năm 2021 khi đạt 70.66 điểm (xếp thứ 8/63) nhưng năm 2022 chỉ đạt 53.41 điểm (xếp thứ 62/63).
Khánh Hoà là địa phương vượt lên so với năm 2021, tăng từ 49.93 điểm (thấp nhất cả nước năm 2021) lên 71.92 điểm năm 2022, xếp thứ 11/63 tỉnh, thành.