Sở xây dựng TP.HCM tiếp nhận hơn 13 ngàn hồ sơ từ dịch vụ công trực tuyến

(PLO)- Trong chín tháng đầu năm 2023, Sở Xây dựng đã tiếp nhận 13.276 hồ sơ từ dịch vụ công trực tuyến, trong đó đã giải quyết 12.467 hồ sơ, đang giải quyết trong hạn 809 hồ sơ.

Chiều 4-10, tại Trung tâm Báo chí TP.HCM, Sở Xây dựng tổ chức họp báo công bố thủ tục hành chính cung cấp dịch vụ công trực tuyến của Sở Xây dựng.

Tại buổi họp báo, ông Nguyễn Thanh Hải, Giám đốc Trung tâm Quản lý nhà và giám định xây dựng - Sở Xây dựng thông tin: Trong chín tháng đầu năm 2023, sở đã tiếp nhận 13.276 hồ sơ, trong đó đã giải quyết 12.467 hồ sơ, đang giải quyết trong hạn 809 hồ sơ từ dịch vụ công trực tuyến.

ong hai.jpg
Ông Nguyễn Thanh Hải, Giám đốc Trung tâm Quản lý nhà và giám định xây dựng phát biểu tại buổi họp báo. Ảnh: NC

Hiện nay, sở đang cung cấp dịch vụ công trực tuyến đối với 22 thủ tục hành chính, bao gồm 17 thủ tục hành chính trực tuyến toàn trình và năm thủ tục hành chính trực tuyến một phần trên hệ thống giải quyết thủ tục hành chính TP, tại địa chỉ: https://dichvucong.hochiminhcity.gov.vn

ông quan.jpg
Ông Trần Hoàng Quân, Giám đốc Sở xây dựng TP.HCM phát biểu tại buổi họp báo. Ảnh: NC

Ông Trần Hoàng Quân, Giám đốc Sở Xây dựng nhấn mạnh mục tiêu của việc cung cấp dịch vụ công trực tuyến của Sở Xây dựng sẽ giúp người dân, các tổ chức trên địa bàn TP giảm thiểu được thời gian đi lại khi làm thủ tục hành chính, tiết kiệm chi phí phát sinh.

"Để thực hiện dịch vụ công trực tuyến toàn trình thì chúng ta phải có chữ ký số, chứng thực bản sao điện tử được chứng thực từ bản chính.

Khi người dân chưa có chữ ký số, chứng thực bản sao điện tử được chứng thực từ bản chính cũng có thể thực hiện dịch vụ công trực tuyến một phần bằng cách gửi hồ sơ qua bưu điện hoặc mang trực tiếp đến nơi tiếp nhận để thực hiện. Trong quá trình thực hiện, sở sẽ tiếp thu các ý kiến góp ý của các đơn vị để thực hiện có hiệu quả" - ông Quân nói.

so dt so xd.jpg
Sở Xây dựng công bố số điện thoại để tiếp nhận ý kiến góp ý trong quá trình thực hiện dịch vụ công trực tuyến. Ảnh: NC

Ông Lý Minh Tuân, đại diện Sở TT&TT cho biết, việc cấp phát chữ ký số sẽ được tổ chức tại các vị trí bộ phận một cửa của các quận, huyện, sở, ban, ngành cũng như tại các sự kiện hội nghị tập trung người dân.

Liên quan việc chứng thực bản sao điện tử được chứng thực từ bản chính, ông Nguyễn Thành Văn, đại diện Sở Tư pháp TP.HCM cho biết: "Điều kiện để đăng ký chứng thực bản sao điện tử từ bản chính là cá nhân, tổ chức phải có tài khoản trên Cổng Dịch vụ công Quốc gia hoặc phải có hộp thư điện tử (email). Cá nhân, tổ chức đăng ký đặt lịch hẹn với cơ quan thực hiện chứng thực trên Cổng Dịch vụ công Quốc gia hoặc đến trực tiếp cơ quan thực hiện chứng thực (không hẹn trước)."

Theo ông Nguyễn Thanh Hải, Giám đốc Trung tâm Quản lý nhà và giám định xây dựng, việc ứng dụng dịch vụ công trực tuyến là bước quan trọng trong việc cải cách hành chính và xây dựng Chính phủ điện tử.

Bên cạnh đó sử dụng dịch vụ này còn giúp tăng cường uy tín, chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tính (PAPI), hiện thực hóa chính phủ điện tử, hướng đến Chính phủ số, nền kinh tế số và xã hội số trong tương lai.

Điều này góp phần từng bước giúp cơ quan nhà nước giảm thiểu được áp lực công việc, giải quyết công việc nhanh hơn, thuận tiện và khoa học hơn, tăng tính công khai, minh bạch của thủ tục hành chính.

Người dân và doanh nghiệp có thể thực hiện, giao dịch 24/24 giờ trong ngày với các cơ quan hành chính Nhà nước tại bất cứ đâu. Một trong những điểm thuận tiện nữa là người sử dụng dịch vụ này có thể theo dõi được tình trạng hồ sơ trên website trực tuyến, tin nhắn điện thoại, địa chỉ email.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm