Sở Y tế TP.HCM đề xuất hỗ trợ tài chính cho sinh viên ngành điều dưỡng

(PLO)- Trước thực trạng thiếu hụt điều dưỡng, Sở Y tế TP.HCM đề xuất cần cải thiện chính sách thu hút và hỗ trợ tài chính cho sinh viên ngành điều dưỡng.

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Ngày 30-12, Sở Y tế TP.HCM tổ chức Hội nghị triển khai hoạt động trọng tâm của ngành y tế TP năm 2025.

Cần khoảng 17.000 điều dưỡng trong 5 năm tới

Tại hội nghị, bà Lữ Mộng Thuỳ Linh, đại diện phòng Nghiệp vụ y (Sở Y tế TP.HCM), cho biết tính đến thời điểm hiện tại, trên thế giới có 28 triệu điều dưỡng, vẫn thiếu 10 triệu điều dưỡng so với nhu cầu chăm sóc sức khỏe cho người dân của toàn cầu.

Theo bà Linh, tình trạng thiếu hụt điều dưỡng không chỉ là vấn đề riêng của TP mà còn diễn ra ở nhiều quốc gia phát triển như Nhật Bản, Mỹ và các nước trong Liên minh Châu Âu. Các quốc gia này đã phải thay đổi luật cư trú để thu hút điều dưỡng từ nước ngoài, theo khuyến nghị của Hiệp hội Điều dưỡng quốc tế.

Sau đại dịch COVID-19, hơn 20% số lượng điều dưỡng đã nghỉ việc, dẫn đến tình trạng thiếu hụt nhân lực càng trở nên nghiêm trọng.

Sở Y tế TP.HCM
Thiếu hụt điều dưỡng không chỉ là vấn đề riêng của TP.HCM mà còn diễn ra ở nhiều nơi, nhiều quốc gia phát triển. Ảnh: THẢO PHƯƠNG

"TP.HCM hiện có tỉ lệ 37,15 điều dưỡng trên mỗi vạn dân, đứng thứ 100 trong bảng xếp hạng so với các quốc gia khác. Theo phê duyệt quy hoạch của Chính phủ, Việt Nam phấn đấu đến năm 2025 đạt 25 điều dưỡng trên 10.000 dân. TP.HCM đặt mục tiêu đạt 38 điều dưỡng trên mỗi 10.000 dân vào năm 2025, và 39 vào năm 2030” - bà Linh nói.

Một khảo sát của Sở Y tế TP.HCM về thu nhập của điều dưỡng mới vào nghề tại các bệnh viện cho thấy, đa số các điều dưỡng mới khi làm việc tại các bệnh viện thì có mức lương khởi điểm từ 5-10 triệu đồng (chiếm 66,5%).

Có khoảng 7% điều dưỡng mới vào làm chỉ có mức lương khoảng dưới 5 triệu đồng, tỉ lệ điều dưỡng vào làm có mức lương từ 10-15 triệu đồng chiếm 25,9%.

Với mục tiêu nâng cao chất lượng chăm sóc bệnh nhân và giải quyết tình trạng thiếu hụt nhân lực, TP.HCM cần bổ sung thêm khoảng 17.000 điều dưỡng trong vòng 5 năm tới.

Tuy nhiên, hiện tại, mỗi năm TP chỉ đào tạo được khoảng 1.800 điều dưỡng, một phần trong số đó sẽ làm việc tại các tỉnh khác. Do đó, để đạt được mục tiêu này, TP cần có các giải pháp hiệu quả, bao gồm việc sử dụng tối đa nguồn lực hiện có, cải thiện môi trường làm việc và phân công công việc hợp lý.

so-y-te-tphcm3.JPG
TP.HCM cần bổ sung khoảng 17.000 điều dưỡng trong vòng 5 năm tới. Ảnh: THẢO PHƯƠNG

“Ngoài ra, TP.HCM cần triển khai các mô hình trợ lý điều dưỡng và trợ lý nha khoa để hỗ trợ điều dưỡng trong việc chăm sóc bệnh nhân. Đồng thời, các chính sách thu hút và hỗ trợ tài chính cho sinh viên điều dưỡng cũng cần được cải thiện để khuyến khích các em tiếp tục theo đuổi nghề điều dưỡng” - bà Linh kiến nghị.

Phát triển nhân lực y tế phù hợp từng nhiệm vụ

Tại hội nghị, PGS.TS.BS Nguyễn Anh Dũng, Phó Giám đốc Sở Y tế TP.HCM, cho hay trong năm, ngành y tế có nhiều hoạt động nổi bật khẳng định nỗ lực của toàn ngành y tế TP.

Cụ thể, ngành y tế đã chủ động phòng chống dịch sởi; đấu thầu thuốc cho trạm y tế; phát triển mạng lưới cộng tác viên sức khỏe cộng đồng. Đã có hơn 14.000 cộng tác viên là cánh tay nối dài trong công tác chăm sóc sức khỏe cộng đồng trên địa bàn TP.

Cạnh đó, ngành y tế TP đã triển khai đề án phát triển mạng lưới cấp cứu ngoại viện theo hướng chuyên nghiệp; triển khai kỹ thuật y tế chuyên sâu đạt thành công với kỹ thuật thông van tim bào thai lần đầu tiên tại Việt Nam và Đông Nam Á.

Cũng trong năm qua, Sở Y tế TP.HCM đã ra mắt cổng tra cứu hành nghề y, dược; ký kết hợp tác phát triển mạng lưới giữa Sở Y tế TP với 31 Sở Y tế tỉnh/thành; tích hợp sổ sức khỏe điện tử trên ứng dụng VneID; giải thành tựu y khoa lần thứ 5.

so-y-te-tphcm5.jpg
TP.HCM sẽ phát triển nguồn nhân lực y tế phù hợp với từng nhiệm vụ. Ảnh: THẢO PHƯƠNG

PGS.TS.BS Tăng Chí Thượng, Giám đốc Sở Y tế TP.HCM, cho biết vào năm 2025, ngành y tế TP sẽ chú trọng vào những hoạt động trọng tâm như: Sắp xếp tổ chức bộ máy thuộc ngành y tế TP; nâng cao chất lượng nguồn nhân lực thuộc ngành y tế TP; nâng cao năng lực phòng, chống dịch và phát triển y tế cộng đồng; phát triển mạng lưới cấp cứu ngoại viện theo hướng chuyên nghiệp.

Ngoài ra, ngành y tế TP sẽ phát triển y tế chuyên sâu; nâng cao năng lực quản lý tài chính và tự chủ bệnh viện; hoạt động cung ứng thuốc, thiết bị y tế; chuyển đổi số và nâng cao hiệu quả cải cách hành chính; thanh tra, kiểm tra, giám sát, phòng chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí.

Khởi động 35 dự án với kinh phí hơn 13.700 tỉ

Trong năm 2024, nhiều bệnh viện đạt được những thành tích xuất sắc khi đạt được nhiều giải thưởng lớn, đồng thời TP cũng đã khai nhiều chương trình trong chăm sóc sức khỏe người dân, y tế dự phòng góp phần vào phát triển y tế chuyên sâu.

Ngành y tế cần tiếp tục thực hiện nhiệm vụ trọng tâm năm 2025 như đầu tư công, khởi động 35 dự án với tổng kinh phí hơn 13.700 tỉ… Đồng thời, Sở Y tế cần bao phủ toàn diện hơn với Cụm y tế Tân Kiên, phía Đông Nam như Cần Giờ, Nhà Bè, quận 7, quận 8, phải có bệnh viện hạng 1.

Ngoài ra, cần nghiên cứu mô hình Trung tâm Cấp cứu 115 có mạng lưới cấp cứu gắn liền với cơ sở điều trị cấp cứu hướng đến khách quốc tế…

Ông NGUYỄN PHƯỚC LỘC, Phó Bí thư Thành ủy TP.HCM.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm