Bộ Y tế: Không cố định danh mục 62 bệnh hiểm nghèo được vượt tuyến

(PLO)- Lần đầu tiên, Bộ Y tế xây dựng danh mục 62 bệnh hiểm nghèo được vượt tuyến, tạo nhiều thuận lợi cho người dân khi đi khám chữa bệnh.

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Sáng 2-1, Bộ Y tế tổ chức hội nghị toàn quốc triển khai Thông tư 01/2025/TT-BYT, có hiệu lực từ 1-1-2025, quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Bảo hiểm y tế (BHYT).

Theo Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn, Thông tư 01 là văn bản quan trọng hướng dẫn việc đăng ký khám chữa bệnh BHYT ban đầu và chuyển cơ sở khám chữa bệnh BHYT cho hơn 13.000 cơ sở khám chữa bệnh trên cả nước, tạo hành lang pháp lý đồng bộ để triển khai hiệu quả chính sách BHYT trong giai đoạn mới.

Lần đầu tiên có danh mục bệnh được vượt tuyến

Thông tư 01 của Bộ Y tế có nhiều nội dung mới, tạo điều kiện thuận lợi cho người bệnh khi đi khám chữa bệnh BHYT.

Trong đó, một trong những nội dung quan trọng nhất là danh mục 62 bệnh hiếm, bệnh hiểm nghèo, bệnh cần phẫu thuật hoặc sử dụng kỹ thuật cao được lên thẳng cơ sở y tế cấp chuyên sâu, 105 bệnh được lên thẳng cơ sở y tế cấp cơ bản, không cần giấy chuyển tuyến mà vẫn được BHYT thanh toán 100% trong phạm vi quyền lợi.

Chẳng hạn, từ ngày 1-1-2025, những người mắc bệnh trong danh mục 62 bệnh có thể đến thẳng Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội) để điều trị, những người mắc 167 bệnh khác có thể đến Bệnh viện Xanh Pôn (Hà Nội) điều trị, mà không cần giấy chuyển tuyến.

Cùng với đó, thông tư quy định danh mục 141 bệnh, nhóm bệnh được chuyển cơ sở khám chữa bệnh trong thời hạn 1 năm kể từ ngày ký giấy chuyển, thay cho việc giấy chuyển hết giá trị sử dụng khi kết thúc năm dương lịch.

Theo Thứ trưởng Trần Văn Thuấn, những quy định mới này nhằm cụ thể hóa tinh thần cải cách hành chính, thủ tục khám chữa bệnh, giảm hồ sơ giấy tờ, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, giảm phiền hà, tạo thuận lợi cho người dân, cơ quan, tổ chức, và sử dụng hiệu quả quỹ BHYT.

Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn phát biểu tại hội nghị
Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn phát biểu tại hội nghị. Ảnh: TT

Vụ trưởng Vụ BHYT (Bộ Y tế) Trần Thị Trang cho biết lần đầu tiên Bộ Y tế có danh mục bệnh được thông tuyến. Trước đây, bệnh chưa được áp mã và việc chuyển tuyến phụ thuộc vào các bác sĩ.

Do vậy, quy định mới có ý nghĩa quan trọng trong việc nâng cao chất lượng khám chữa bệnh để người bệnh được tiếp cận và điều trị kịp thời một số bệnh cần chuyên môn sâu mà cơ sở cấp cơ bản, cấp ban đầu chưa đủ điều kiện triển khai. Từ đó, tạo thuận lợi cho người bệnh, tiết kiệm chi phí cần phải thực hiện ở tuyến dưới chỉ để chuyển người bệnh lên tuyến trên và các chi phí khác liên quan đến thân nhân người bệnh trong quá trình chăm sóc, đồng thời góp phần sử dụng quỹ BHYT hiệu quả.

Ngoài ra, Thông tư 01 cũng quy định trường hợp lưu trú và thủ tục khám chữa bệnh BHYT khi thay đổi nơi lưu trú, tạm trú nhằm đảm bảo quyền lợi cho học sinh, sinh viên trong thời gian nghỉ hè, người lao động trong thời gian nghỉ phép tại gia đình.

Theo đó, người tham gia BHYT được hưởng 100% trong phạm vi quyền lợi mức hưởng khi khám chữa bệnh tại cơ sở khám chữa bệnh BHYT cấp ban đầu và cấp cơ bản khác nơi đăng ký khám chữa bệnh BHYT ban đầu không phân biệt địa giới hành chính.

Thông tư 01 còn quy định việc sử dụng phiếu hẹn khám lại, phiếu chuyển cơ sở khám chữa bệnh bằng bản giấy và bản điện tử, nhằm thể chế hóa giấy chuyển tuyến, giấy hẹn khám lại điện tử được thí điểm tích hợp trên ứng dụng định danh điện tử Quốc gia VNeID.

Theo số liệu của BHXH Việt Nam, đến cuối năm 2024, cả nước có hơn 1,5 triệu giấy chuyển tuyến BHYT và khoảng 5 triệu giấy hẹn khám lại điện tử được gửi lên Cổng tiếp nhận dữ liệu của BHXH Việt Nam, trong đó đã đồng bộ sang Trung tâm Dữ liệu Quốc gia về dân cư - Cục C06 Bộ Công an được gần 600.000 giấy chuyển tuyến BHYT và khoảng 2,1 triệu giấy hẹn khám lại để hiển thị lên ứng dụng VNeID.

Vừa nghiên cứu, vừa triển khai để tạo thuận lợi cho người bệnh

Tại hội nghị, nhiều đại biểu bày tỏ lo ngại, cho rằng nhiều đơn vị, cơ sở khám chữa bệnh và cả cơ quan BHXH cũng đang lúng túng vì Thông tư 01 được ký ban hành và áp dụng từ ngày 1-1-2025, do đó chưa có đủ thời gian để nghiên cứu kỹ lưỡng, tập huấn phổ biến rộng rãi.

Cạnh đó, nhiều đại diện sở y tế, bệnh viện cũng cho rằng việc quy định mã ICD, điều kiện kèm theo trong danh mục các bệnh được vượt tuyến cũng chưa rõ ràng.

Ngoài ra, hiện chưa có danh sách đầy đủ, công khai về xếp cấp chuyên môn kỹ thuật của các cơ sở khám chữa bệnh trên toàn quốc. Điều này gây khó khăn cho người bệnh vì không biết bệnh của mình được lên thẳng tuyến nào, cũng gây khó khăn cho các cơ sở khám chữa bệnh trong quá trình tiếp nhận bệnh nhân.

Theo Vụ trưởng Vụ BHYT Trần Thị Trang, Thông tư 01 có nhiều quy định mới, lần đầu tiên được xây dựng, ban soạn thảo đã nỗ lực, cố gắng tối đa để bảo đảm tính hợp pháp, thống nhất với quy định của các luật trước đó.

“Thông tư được xây dựng dựa trên sự tham khảo, đóng góp ý kiến của các đơn vị, cơ quan tổ chức, cơ sở khám chữa bệnh, dựa trên dữ liệu thông tin khoa học trong các hướng dẫn chẩn đoán điều trị theo yêu cầu chuyên môn, và dựa trên dữ liệu thanh toán BHYT”, bà Trang nhấn mạnh.

danh mục 62 bệnh hiểm nghèo được vượt tuyến
Bà Trần Thị Trang, Vụ trưởng Vụ BHYT (Bộ Y tế). Ảnh: TRẦN MINH

Dù vậy, theo Vụ trưởng Vụ BHYT, đây là vấn đề rất khó, không tránh khỏi những điểm không mong muốn, những khiếm khuyết nhất định và cũng khó có thể bao phủ được hết các khía cạnh từ thực tế.

“Luật, thông tư là các quy định cứng, trong khi thực tiễn và diễn biến người bệnh thì vô cùng phong phú. Chính vì thế, trên thực tiễn cần có sự linh hoạt xử trí trong từng điều kiện cụ thể nhưng vẫn phải trên các nguyên tắc về mặt chuyên môn”, bà Trang nói.

Đồng quan điểm với Vụ trưởng Vụ BHYT, Phó Cục trưởng Cục Quản lý Khám, chữa bệnh (Bộ Y tế) Nguyễn Trọng Khoa cũng cho rằng danh mục bệnh được lên thẳng cấp chuyên sâu là danh mục động; vẫn cần xem xét, rà soát, bổ sung thêm, đồng thời tính toán đến việc khi các cơ sở cấp cơ bản đã phát triển, xử trí được thêm nhiều bệnh phức tạp hơn thì cần tiếp tục điều chỉnh.

Chúng tôi rất mong được lắng nghe, trao đổi, thảo luận và góp ý của các cơ quan, đơn vị, cơ sở khám chữa bệnh. Chúng tôi cũng quan điểm rằng, giống như danh mục thuốc BHYT, danh mục các bệnh kèm theo điều kiện được lên thẳng cấp chuyên sâu không phải là một danh mục cố định, mà cần phải cập nhật thường xuyên.

Khi bệnh viện tỉnh, bệnh viện huyện phát triển thêm, điều trị được thêm các bệnh phức tạp, thì sẽ phải loại dần ra khỏi danh mục hiện tại. Tất cả nhằm phục vụ cho người dân một hệ thống y tế phải toàn diện từ trên xuống dưới, dọc ngang thông suốt, có năng lực chẩn đoán chuyên môn phù hợp thì người bệnh mới được hưởng.

Chúng ta không nên chỉ nhìn vào những đô thị lớn như Hà Nội, TP.HCM… nơi có những cơ sở khám chữa bệnh chuyên sâu, tập trung trên địa bàn thì người dân và người ở tỉnh lân cận có thể thuận lợi đến khám chữa bệnh. Cần nhìn đến những vùng sâu, vùng xa, đến các tỉnh mà không phải là những trung tâm kinh tế, chính trị hay những trung tâm về y khoa, để thấy người bệnh còn rất vất vả.

Nếu chúng ta cứ để người bệnh phải khăn gói đến các đô thị lớn, nơi tập trung các cơ sở khám chữa bệnh chuyên sâu, mà không phát triển các cơ sở cấp ban đầu, cấp cơ bản, thì cuối cùng người bệnh vẫn là người thiệt thòi.

Vụ trưởng Vụ BHYT Trần Thị Trang

Đêm 31-12-2024, chúng tôi vẫn làm việc đến khuya để liên hệ, trao đổi công việc với các chuyên viên của Vụ BHYT, đề xuất những ý kiến về BHYT, danh mục bệnh đối với bệnh nhân ung thư.

Nhờ Thông tư 01, có hiệu lực từ năm 2025, mà hơn 20.000 bệnh nhân ung thư đã không phải xin giấy chuyển tuyến khi quay lại bệnh viện để tiếp tục điều trị khi năm mới bắt đầu.

Đại diện Bệnh viện K (Hà Nội)

Trước ngày 15-1-2025 phải công khai danh sách xếp cấp chuyên môn kỹ thuật của các cơ sở khám chữa bệnh thuộc Bộ Y tế

Phát biểu kết luận hội nghị, Thứ trưởng Trần Văn Thuấn nhấn mạnh Thông tư 01 được xây dựng hết sức cụ thể, chi tiết và nghiêm túc. Bộ Y tế đã rà đi rà lại rất nhiều lần trước khi ký ban hành.

"Vào phút chót, ngay giữa đêm cuối cùng của năm 2024, chúng tôi vẫn tiếp thu các ý kiến đóng góp của các đơn vị, cơ sở khám chữa bệnh như Bệnh viện Bạch Mai, Bệnh viện K để hoàn thiện thêm để thông tư được rõ ràng hơn", ông Thuấn nói.

Cũng theo Thứ trưởng Trần Văn Thuấn, Thông tư 01 là văn bản rất quan trọng, ảnh hưởng đến hơn 13.000 cơ sở khám chữa bệnh và 94 triệu người tham gia BHYT.

Thông tư đã tạo điều kiện thuận lợi cho người dân trong khám chữa bệnh BHYT, cũng như tạo điều kiện cho các cơ sở khám chữa bệnh trong quá trình triển khai công việc.

Thông tư về cơ bản đã bao phủ gần hết các khía cạnh trong thực tế. Tuy nhiên, theo Thứ trưởng Trần Văn Thuấn, trong quá trình thực hiện, chắc chắn còn những điểm chưa rõ, chưa phù hợp theo tiến trình xảy ra, Bộ Y tế mong tiếp tục nhận được ý kiến góp ý của cơ quan BHXH Việt Nam, các cơ sở khám chữa bệnh BHYT, các cơ quan thông tấn báo chí và cả cộng đồng để tiếp tục hoàn thiện thêm trong thời gian tới.

Thứ trưởng Bộ Y tế đề nghị lãnh đạo các sở y tế, bệnh viện và cơ quan BHXH Việt Nam tiếp tục nghiên cứu kỹ thêm thông tư và Luật BHYT và các văn bản liên quan để hướng dẫn triển khai thực hiện tại cơ sở, làm sao để tạo điều kiện thuận lợi nhất cho người dân.

Thứ trưởng Bộ Y tế cũng đề nghị Cục Quản lý Khám chữa bệnh khẩn trương công khai trước ngày 15-1-2025 về cấp chuyên môn kỹ thuật của các cơ sở khám chữa bệnh do Bộ Y tế quản lý; đồng thời đề nghị các sở y tế và các bộ ngành liên quan công khai cấp chuyên môn kỹ thuật của các cơ sở trên địa bàn quản lý.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm